Số ca mắc mới COVID-19 tăng mạnh gây sức ép lên hệ thống y tế Mỹ

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở bang Texas, Mỹ - Ảnh: AFP/TTXVN

Tình hình dịch COVID-19 tại Mỹ chưa có dấu hiệu lắng dịu với số ca mắc mới liên tục tăng, gây áp lực lớn cho hệ thống y tế tại nhiều bang của nước này.

Các y, bác sĩ tại bệnh viên Đại học Y khoa UW ở TP Madison, bang Wisconsin, đang phải chạy đua với thời gian để chuyển đổi một bãi đất trống thành khu điều trị các bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 trong bối cảnh các cơ sở y tế của bang này đang bị quá tải. Một khu hồi sức tích cực tại bệnh viện này đã được thiết lập trong tuần này trước thời hạn và cơ sở này nhanh chóng đã kín bệnh nhân.

Bác sĩ Jeff Pothof của Bệnh viên Đại học Y khoa UW cho hay, trong ngày 28/10, bệnh viện đã tiếp nhận số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 nhiều chưa từng có, gây trở ngại cho việc điều trị và mối quan ngại lớn nhất hiện nay là lực lượng y bác sĩ hồi sức tích cực.

Theo phân tích của Reuters, Wisconsin, một bang chiến địa trong cuộc bầu cử tổng thống 2020 và là một trong số 36 bang ghi nhận tỉ lệ bệnh nhân COVID-19 nhập viên tăng ít nhất 10% so với tuần trước.

Trợ lý Bộ trưởng Y tế Mỹ Brett Giroir thừa nhận nước Mỹ đang ở bước ngoặt trong việc ứng phó với đại dịch trong bối cảnh số ca mắc mới tăng tại hầu hết các bang ở nước này, và lưu ý giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, hạn chế các sự kiện trong nhà quy mô nhỏ là những biện pháp hữu hiệu để kiểm soát dịch bệnh. Ông đồng thời cảnh báo chính quyền địa phương có thể ban hành nhiều biện pháp hà khắc nếu người dân không tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng dịch.

Tương tự, Thống đốc bang Rhode Island, Gina Raimondo khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc với những người cần gặp. Bang Rhode Island đang chật vật ứng phó với số ca mắc mới gia tăng bởi tình trạng này khiến hệ thống truy vết của bang hoạt động quá tải. Theo Thống đốc Raimondo, chính quyền bang có kế hoạch thuê 100 thiết bị định vị để tăng cường hệ thống truy vết F0.

Thống kê cho thấy số ca mắc COVID-19 mới tại Mỹ đã tăng 25% trong tuần trước, lên gần 500.000 người trong khi tỉ lệ xét nghiệm tăng 6%.

Cùng ngày, tại Canada, Bộ trưởng Tài chính Canada Chrystia Freeland đã lên tiếng phản đối lời kêu gọi cắt giảm gói chi tiêu khẩn cấp, nhấn mạnh khoản ngân sách này sẽ giúp quốc gia Bắc Mỹ này vượt qua đại dịch COVID-19 và phát triển trong dài hạn.

Tuyên bố của bà Freeland được đưa ra tại Diễn đàn toàn cầu Toronto trong bối cảnh xuất hiện nhiều ý kiến chỉ trích về mức chi tiêu "không kiểm chứng" của chính phủ sau khi giải ngân hơn 300 tỉ CAD (226 tỉ USD) trong gói cứu trợ COVID-19 cho các cá nhân và doanh nghiệp. Mức chi này tương đương 14% GDP của Canada.

Theo Bộ trưởng Freeland, việc bỏ rơi người dân và các doanh nghiệp Canada vào thời điểm này là "tàn ác" và việc giảm mức chi hỗ trợ là sai lầm về kinh tế. Bà nhấn mạnh khoản giải ngân trên sẽ giúp tốc độ kinh tế hồi phục nhanh hơn và toàn diện hơn. Bà Freeland cho hay mức chi tiêu của chính phủ nhằm đối phó với đại dịch sẽ được hạn chế và mang tính tạm thời.

Trên thực tế, kinh tế Canada có dấu hiệu cải thiện. Ngân hàng trung ương Canada mới đây điều chỉnh tăng trưởng kinh tế nước này trong năm 2020, theo đó nước này suy giảm 5,5%, thay vì mức sụt giảm 7,8% trong báo cáo tài chính công bố hồi tháng 7. Theo Cơ quan Y tế Công cộng Canada, cho tới nay, nước này đã ghi nhận tổng cộng 224.889 ca mắc COVID-19 và 10.026 ca tử vong. Mỗi ngày, trung bình nước này ghi nhận 2.743 ca mắc mới.

Trong khi đó, ngày 29/10, Chính phủ Ấn Độ công bố số liệu cập nhật mới nhất cho thấy số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 tại nước này đã vượt 8 triệu ca. Theo hãng tin AFP của Pháp, Ấn Độ hiện là quốc gia thứ hai trên thế giới chịu tác động nặng nề do đại dịch COVID-19 chỉ sau Mỹ - nơi ghi nhận 9,1 triệu ca mắc bệnh. Tuy vậy, với 120.000 ca tử vong, quốc gia Nam Á này vẫn là một trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có tỉ lệ tử vong vì COVID-19 ở mức thấp nhất thế giới. Trong khi đó, tại Mỹ, số ca tử vong hiện đã vượt 230.000 ca.

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) ngày 29/10 thông báo Trung Quốc đại lục ghi nhận 47 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 28/10, trong đó 23 ca lây nhiễm trong nước và 24 ca nhập cảnh. Đây là số ca mắc mới theo ngày cao nhất trong hơn hai tháng qua tại Trung Quốc đại lục, kể từ ngày 9/8 ghi nhận 49 ca.

Theo NHC, các ca lây nhiễm trong nước đều là những ca không triệu chứng, phát hiện tại vùng tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương. Không có thêm ca nghi nhiễm hay ca tử vong nào vì dịch bệnh này tại Trung Quốc đại lục trong ngày 28/10. Tính đến nay, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận tổng cộng 85.915 ca mắc COVID-19 trong đó 4.634 ca tử vong.

Tại Nhật Bản, một nhóm chuyên gia của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi (MHLW) đã lên tiếng cảnh báo về sự gia tăng số ca mắc mới COVID-19 ở nước này. Hãng tin Jiji Press dẫn báo cáo dẫn báo cáo của nhóm chuyên gia cho biết số ca mắc mới COVID-19 tại Nhật Bản đã bắt đầu tăng nhẹ kể từ đầu tháng 10. Tỉ lệ người nhiễm virus SARS-CoV-2 trên 100.000 dân trên toàn quốc đã tăng từ 2,84 trong tuần từ 6-12/10 lên 2,95 trong tuần từ 13 đến 19/10 và tiếp tục tăng lên 3,21 trong tuần từ 20 đến 26/10.

Trong khi đó, hệ số lây nhiễm hiện vẫn ở mức trên 1, tức là một người nhiễm virus có thể lây bệnh cho ít nhất một người khác. Tính theo địa phương, cho đến ngày 11/10, hệ số này ở tỉnh Hokkaido là 1,9; Tokyo 0,75; Aichi 1,04; Osaka 1,39; Fukuoka 0,96; và Okinawa 1,83.

Chỉ riêng ngày 28/10 Nhật Bản ghi nhận thêm 731 ca nhiễm mới trên cả nước, trong đó 171 ca ở thủ đô Tokyo, và năm người tử vong vì COVID-19. Đây là ngày thứ chín liên tiếp số ca nhiễm mới tại Tokyo ở mức trên 100.

Trong khi đó, Quần đảo Marshall ở Thái Bình Dương chiều 28/10 thông báo các ca mắc COVID-19 đầu tiên.

Tại châu Âu, số ca tử vong và nhiễm virus SARS-CoV-2 liên tục tăng mạnh trong những ngày qua tại châu Âu đã khiến nhiều chính phủ tại "Lục địa Già" buộc phải áp đặt trở lại các biện pháp cách ly chống dịch, trong khi nhiều nước cân nhắc các quyết định tương tự.

Tiếp sau Pháp tuyên bố tái phong tỏa toàn quốc và Đức nhất trí tái áp đặt các biện pháp phong tỏa có giới hạn nhằm kiểm soát và hạn chế dịch bệnh gia tăng, Chính phủ Anh cũng đang chịu nhiều áp lực phải áp đặt các biện pháp tương tự do số ca mắc COVID-19 tại vùng England đã tăng gấp đôi chỉ trong 9 ngày qua.

Trong khi đó, tại Tây Ban Nha, ngày 28/10, đã có thêm 5 vùng, trong đó có thủ đô Madrid, thông báo phong tỏa nội bộ trước dịp "Ngày lễ Các thánh" diễn ra vào ngày 1/11 hằng năm để ngăn chặn tốc độ lây nhiễm dịch COVID-19. Chính quyền vùng thủ đô Madrid dự kiến đóng cửa từ ngày 30/10 đến hết ngày 2/11. Cá biệt tại một số vùng duyên hải, như Murcia ở Đông Nam và Andalusia ở Tây Nam đất nước, cùng vùng Castilla và Leon, Castilla-La Mancha, lệnh phong tỏa được đề xuất kéo dài đến hết ngày 9/11.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/248232/so-ca-mac-moi-covid-19-tang-manh-gay-suc-ep-len-he-thong-y-te-my.html