Số ca mắc tăng cao, hệ thống điều trị của TP.HCM ngày càng nặng gánh
Trong tình huống số ca nhiễm ngày càng tăng cao tại TP.HCM, nhiều chuyên gia cho rằng TP.HCM cần tính toán phương án khi thiếu trang thiết bị hồi sức cấp cứu.
Dự báo số ca mắc Covid-19 còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới, khi tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, Sở Y tế TP.HCM đang lên kế hoạch cho kịch bản 10.000-15.000 ca mắc. Tuy nhiên, vấn đề nhiều người lo ngại là trang thiết bị hồi sức của thành phố trong tình huống số ca diễn tiến nặng cũng tăng cao.
Hơn 400 bệnh nhân diễn biến nặng
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, tính đến 6h ngày 7/7, thành phố có 8.470 bệnh nhân Covid-19, tỷ lệ nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng hơn 97%, tỷ lệ khỏi bệnh hiện tại xấp xỉ 9%. Thành phố có 7.656 bệnh nhân dương tính mới đang được điều trị.
Kỷ lục số ca mắc trong 24 giờ của TP.HCM là 1.693 trường hợp, phần lớn trong khu vực cách ly và vùng phong tỏa. Tuy nhiên, thành phố có 414 bệnh nhân nặng đang được điều trị tại 11 bệnh viện, trong đó có 131 người phải thở máy và 8 trường hợp cần can thiệp ECMO (tim - phổi nhân tạo).
Trong khi đó, theo số liệu được báo cáo vào ngày 30/6, số ca nặng tại TP.HCM là 62 người được điều trị ở 7 bệnh viện, 6 bệnh nhân cần can thiệp ECMO. Như vậy, chỉ sau 8 ngày, số ca bệnh nặng của thành phố tăng 6,67 lần.
Các chuyên gia cho rằng mặc dù theo các báo cáo của thành phố khoảng 80% bệnh nhân nhiễm mới không triệu chứng, địa phương này vẫn cần tính toán phương án có nhiều ca bệnh nặng và trang bị phương tiện hồi sức.
"Số ca tăng làm tăng gánh nặng cho tuyến điều trị", bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), nhấn mạnh.
Chuyên gia này cho biết trong đợt bùng phát lần 4, TP.HCM ghi nhận nhiều ca tử vong do tuổi cao, một số bệnh nhân có bệnh nền huyết áp, tiểu đường...
"Càng tăng số người nhiễm sẽ kéo theo số ca tử vong tăng lên. Điều này là tất yếu nhưng đây sẽ là gánh nặng rất lớn y tế cho thành phố. Phép tính đơn giản là với 80% bệnh nhân không triệu chứng, trường hợp có hàng nghìn ca nhiễm thì 20% bệnh nhân có triệu chứng và diễn tiến nặng cũng là con số không nhỏ", chuyên gia này nói thêm.
Theo nhận định của tiến sĩ toán học Nguyễn Lê Anh, nguyên giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự, số lượng ca nhiễm tăng liên tục trong mấy ngày qua là dấu hiệu cho thấy dịch bệnh ở TP.HCM và Bình Dương có thể đã phát tán rộng vào cộng đồng. Hiện tại, dịch có tốc độ lây lan tăng vào khoảng hơn 10% sau mỗi ngày.
Dựa trên đồ thị số ca nhiễm hiện tại, TS Lê Anh cho biết trong vòng 30 ngày, từ 5/7 cho tới 5/8, lượng F0 chưa hồi phục cần được điều trị ở thành phố sẽ ở mức cao nhất, trên 12.000 giường bệnh.
"Nhu cầu về số lượng giường bệnh vào khoảng ngày 22/7, có thể lên tới trên 13.000 giường, sau đó sẽ giảm dần. Đến cuối tháng 8, thành phố còn khoảng 8.000 ca phải nằm viện, tới ngày 12/10 còn khoảng 2.000 ca. Đến cuối tháng 10, hầu như không còn bệnh nhân F0, ngoại trừ một vài ca rất nặng", TS Lê Anh nhận định.
Một chuyên gia về hồi sức cũng nhấn mạnh quá tải trong hệ thống trang thiết bị và năng lực y tế là nguyên nhân gây tử vong đối với người mắc Covid-19.
"Hiện tại, tỷ lệ tử vong ở Việt Nam nằm trong mức khá thấp. Tuy nhiên, chúng ta tuyệt đối không chủ quan bởi con số này do từ các đợt dịch trước, hệ thống điều trị chưa quá tải. Nếu số ca nhiễm tăng cao, lực lượng hồi sức cấp cứu sẽ đuối sức", chuyên gia này nhận định.
Năng lực điều trị của TP.HCM ra sao?
Về năng lực điều trị
Giữa tháng 6, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết TP.HCM hiện có 1.000 giường hồi sức và 1.000 máy thở tại các cơ sở. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng so với 355 bệnh nhân có diễn biến nặng hiện tại, TP.HCM cần nhanh chóng tăng thêm cơ số giường bệnh hồi sức, sẵn sàng cho tình huống ca bệnh nặng tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Trước đó, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cũng cho biết thời điểm hiện tại, thành phố có khoảng 16 máy ECMO, trong đó các bệnh viện thuộc sở hiện có 8 máy, Bệnh viện Chợ Rẫy (trực thuộc Bộ Y tế) có 8 máy.
Trừ những trường hợp điều trị bệnh lý nặng khác cần tới ECMO, thành phố có thể huy động khoảng 10-12 máy cho bệnh nhân Covid-19 trong cùng một thời điểm.
Chia sẻ với Zing, bác sĩ tại đơn vị điều trị Covid-19 diễn tiến nặng cho biết hiện tại, năng lực của bệnh viện này vẫn còn đảm đương công tác điều trị. Tuy nhiên, khi ca mắc diễn tiến nặng tiếp tục tăng, trang thiết bị hồi sức sẽ là vấn đề lớn.
Ngành y tế TP.HCM đang nhanh chóng xây dựng hệ thống hồi sức cấp cứu. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM phối hợp Hội Hồi sức Cấp cứu TP.HCM tăng cường đào tạo chuyên môn này cho các nhân viên y tế tham gia điều trị người mắc Covid-19 nặng.
TP.HCM đang triển khai kế hoạch điều trị 15.000 ca bệnh. Hệ thống điều trị được phân tuyến 3 cấp theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế, bao gồm: cấp không triệu chứng (bệnh viện dã chiến), cấp có triệu chứng nhẹ, trung bình (bệnh viện điều trị Covid-19 ở 4 cửa ngõ thành phố) và cấp điều trị bệnh nhân nặng (bệnh viện tuyến trung tâm thành phố).
Sở Y tế TP.HCM đang triển khai kế hoạch điều trị 20.000 giường và tiếp nhận, điều phối 500 bác sĩ và 1.500 điều dưỡng, kỹ thuật viên từ các bệnh viện Trung ương, bộ, ngành đóng trên địa bàn thành phố để hỗ trợ công tác điều trị ở các bệnh viện điều trị Covid-19 tại các cửa ngõ.
Ngoài ra, ngày 6/7, TP.HCM có kịch bản ứng phó dịch Covid-19 với 500 trường hợp nặng. Số giường hồi sức cấp cứu tại các bệnh viện được thay đổi như sau:
Về năng lực cách ly
TP.HCM có tổng cộng 128 cơ sở cách ly tập trung. Tính đến hết ngày 5/7, các số liệu báo cáo cho thấy thành phố có 14.562 trường hợp F1 đang cách ly tập trung. Trong đó:
- Khu cách ly tập trung của thành phố gồm 11 cơ sở với 9.316 giường (sức chứa theo kế hoạch là 14.300 giường), đang cách ly 6.874 người.
- 59 cơ sở cách ly tập trung của quận, huyện với tổng công suất 6.811 giường, đang cách ly 4.368 người.
- 58 khách sạn cách ly có thu phí với 4.870 giường, đang cách ly 3.320 người.
Ngoài ra, thành phố hiện có 37.648 người thuộc diện cách ly tại nhà.
Sở Y tế TP.HCM đang tính toán phương án mở rộng khu cách ly tập trung của thành phố, tăng cường khu cách ly tập trung khách sạn. Cơ quan này cũng đề nghị thí điểm cách ly F1 tại nhà theo tiêu chí của Bộ Y tế và điều kiện thực tiễn của các địa phương.
Về việc tiếp nhận điều trị người bệnh mắc Covid-19, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cũng chỉ đạo Phòng Kế hoạch Tài chính khẩn trương hướng dẫn công tác hậu cần, mua sắm vật tư, trang thiết bị, lập dự toán và bố trí thêm giường.
Ngoài ra, cơ quan này còn phụ trách hướng dẫn các đơn vị mua sắm trang thiết bị cấp cứu hồi sức phục vụ cho công tác điều trị và chăm sóc người bệnh Covid-19 nặng trong giai đoạn hiện nay.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, giải pháp để giảm gánh nặng cho hệ thống điều trị không cách nào khác ngoài cố gắng kiềm chế dịch, không để số lượng F0 tiếp tục tăng. Ngoài ra, ngành y tế cần phân khu vực điều trị, xây dựng hệ thống chuyển bệnh bài bản, phù hợp và tiêm vacicne cho người có nguy cơ cao.