Số ca mắc và tử vong do COVID-19 ở Mỹ, Canada gia tăng đáng lo ngại

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Hawthorne, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Sáng 10/1 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Mỹ đã vượt 22 triệu trong khi tổng số ca tử vong vì dịch bệnh cũng hơn 370.000 người.

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, tổng số ca bệnh tại Mỹ tăng lên mức 22.035.618 ca vào chiều 9/1 giờ địa phương (sáng sớm 10/1, giờ Việt Nam). Ba bang ghi nhận nhiều ca bệnh nhất cả nước này gồm bang California (2.649.119 ca), tiếp đến là Texas (1.943.625 ca) và Florida (1.464.697 ca). Nhóm ghi nhận hơn 1 triệu ca bệnh còn có các bang New York và Illinois.

Tới nay, Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động mạnh nhất tính cả về số ca bệnh và số ca tử vong, lần lượt chiếm hơn 24% và hơn 19% tổng số toàn thế giới. Tổng số ca bệnh tại Mỹ tăng lên mức 20 triệu ca vào ngày 1/1 vừa qua và kể từ đó tới nay sau mỗi 4 ngày tăng thêm 1 triệu ca.

Ngày 7/1, Mỹ trải qua ngày có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất với 4.194 ca trong 24 giờ. Theo mô hình ước tính của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), đến ngày 30/1/2021, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại nước này có thể dao động trong khoảng từ 405.000 đến 438.000 ca.

Chiều 9/1, tổng số ca bệnh tại Canada cũng vượt con số 650.000, lên 650.922 ca, trong đó có 16.788 ca tử vong. Các số liệu thống kê quốc gia cho thấy, trong giai đoạn từ 1-7/1, trung bình Canada ghi nhận 7.672 ca mới/ngày trong khi nhiều khu vực tiếp tục chứng kiến tỷ lệ lây nhiễm ở mức cao.

Số ca nhập viện và tử vong vì dịch bệnh tại Canada cũng tăng. Các dữ liệu thống kê theo địa phương và khu vực chỉ ra trung bình có 4.336 bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại các bệnh viện nước này mỗi ngày, trong cùng khoảng thời gian từ 1-7/1.

Trong ngày 9/1, tỉnh Ontario ghi nhận số ca mắc mới cao nhất cả nước, với 3.442 ca, tiếp đến là tỉnh Quebec với 3.127 ca, cao nhất từng được ghi nhận tại tỉnh này.

Chính quyền tỉnh Quebec cũng bắt đầu triển khai lệnh giới nghiêm kéo dài 1 tháng từ 20 giờ tối 9/1, theo đó người dân không được ra ngoài sau 20 giờ hằng ngày nếu không thực sự cần thiết, kéo dài tới 5 giờ sáng hôm sau, người vi phạm có thể sẽ bị phạt từ 1.000-6.000 CAD (tương đương 790-4.700 USD).

Tại Bỉ, ngày 10/1, Luật chống dịch COVID-19 vừa được Quốc hội thông qua chính thức có hiệu lực, theo đó trao cho chính phủ quyền hạn mới để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong nước.

Luật trên cho phép Chính phủ Thụy Điển đóng cửa các cơ sở kinh doanh, trung tâm mua sắm hoặc phương tiện giao thông công cộng trong thời gian cách ly. Theo các quan chức Thụy Điển, hiện chính phủ chưa đưa ra quyết định về việc đóng cửa các doanh nghiệp, song có quyền thực hiện việc này vào bất kỳ thời điểm cần thiết nào.

Cùng với đó, chính phủ cũng có thể đặt ra giới hạn về số lượng người được phép tụ tập ở một số nơi công cộng. Luật cũng cho phép phạt những người không tuân thủ quy định giãn cách xã hội. Tuy nhiên, theo luật mới, chính phủ sẽ không thể áp đặt lệnh giới nghiêm hay cấm đi lại trong nước.

Đạo luật trên được phê chuẩn trong bối cảnh quốc gia châu Âu này đang nỗ lực nhằm làm chậm đà lây lan của làn sóng COVID-19 thứ hai.

Trong đợt bùng phát dịch mùa xuân năm ngoái, Thụy Điển đã gây chú ý vì quan điểm "miễn dịch cộng đồng", không thực hiện biện pháp cách ly để kiểm soát dịch COVID-19 như những nơi khác ở châu Âu, song quốc gia này đã phải thay đổi thái độ đối với dịch bệnh khi số ca mắc COVID-19 tăng trong những tháng gần đây.

Theo hiến pháp, Chính phủ Thụy Điển không được phép "đóng cửa" xã hội trong thời bình. Tuy nhiên, trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19 thứ hai nghiêm trọng hơn so với dự báo, nước này cũng đã bắt đầu siết chặt các biện pháp kể từ tháng 11/2020 với lệnh cấm tụ tập từ 8 người trở lên.

Viện y tế công cộng Sciensano của Bỉ cho biết đất nước 11,5 triệu dân này đã ghi nhận tới 662.694 trường hợp mắc và 20.038 trường hợp tử vong do COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát.

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/251018/so-ca-mac-va-tu-vong-do-covid-19-o-my-canada-gia-tang-dang-lo-ngai.html