Số ca mới tại Hà Nội, Hải Phòng tiếp tục tăng
Đối diện với số ca nhiễm tăng cao dịp cận Tết, các tỉnh, thành phố đang nhanh chóng chuẩn bị kịch bản cũng như khuyến cáo khi người dân trở về.
Tính từ 16h ngày 8/1 đến 16h ngày 9/1, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 15.779 ca nhiễm mới, trong đó 28 người nhập cảnh và 15.751 trường hợp ghi nhận trong nước.
Dù số ca mắc trên cả nước đã giảm 762 người so với ngày 8/1, đây vẫn là ngưỡng khá cao, đặc biệt ở thời điểm dịp Tết Nguyên đán 2022 đang cận kề. Trung bình tuần qua, Việt Nam ghi nhận khoảng hơn 16.000 F0 mỗi ngày.
Hà Nội, Hải Phòng liên tục dẫn đầu về số ca mắc mới
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong ngày 9/1, thành phố ghi nhận 2.811 ca nhiễm SARS-CoV-2 trên địa bàn. Trong số này, 617 trường hợp được phát hiện ở cộng đồng, nhóm còn lại đã cách ly.
Một số khu vực có nhiều F0 trong ngày là Đống Đa (136); Hai Bà Trưng (123); Bắc Từ Liêm (112); Ba Đình (105); Hà Đông (102)… Trong làn sóng dịch lần thứ 4, thành phố đã xác định tổng cộng 70.958 ca mắc Covid-19.
Hà Nội đã vượt qua kỷ lục về số ca mắc Covid-19 được ghi nhận trong 24 giờ của ngày trước đó (2.791 trong ngày 8/1). Đây cũng là ngày thứ 6 liên tiếp thành phố ghi nhận hơn 2.500 ca mắc mới.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội, thành phố đang điều trị cho 43.695 người mắc Covid-19. Các bệnh nhân được phân bổ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (215), các bệnh viện thuộc Hà Nội (2.842), cơ sở thu dung của thành phố (1.278), cơ sở thu dung cấp quận/huyện (5.403). Ngoài ra, 33.831 F0 đang được theo dõi và cách ly tại nhà.
Mặt khác, toàn thành phố đã tiêm được tổng cộng 13.147.422 mũi vaccine phòng bệnh Covid-19. Trong đó, tổng số mũi bổ sung đã tiêm là 211.377, mũi nhắc lại là 978.487.
Tính tới nay, Hà Nội duy trì mức độ dịch cấp 2 (vùng vàng - nguy cơ). Hà Nội vẫn có tới 8 quận/huyện cấp độ 3; 20 quận/huyện/thị xã cấp độ 2 và 2 địa bàn xã ở cấp độ 1 (màu xanh). Các đơn vị hành chính cấp độ dịch 3 gồm: Ba Đình, Gia Lâm, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Long Biên, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Cầu Giấy.
Phó giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho hay tỷ lệ bệnh nhân nặng, tử vong vẫn đang trong giới hạn kiểm soát. Tuy nhiên, hệ thống y tế các tuyến đang chịu rất nhiều áp lực về quản lý, tiếp nhận, điều trị. Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội dự báo số ca mắc tiếp tục gia tăng sẽ tạo gánh nặng lên hệ thống y tế và số bệnh nhân chuyển nặng, tử vong cũng tăng theo.
Số người dương tính với SARS-CoV-2 tại Hải Phòng trong thời gian qua cũng có chiều hướng tăng cao. Tính từ 18h ngày 8/1 đến 18h ngày 9/1, Sở Y tế TP Hải Phòng báo cáo 842 ca nhiễm mới.
Các F0 được phát hiện tại 14/15 quận huyện, trong đó có 131 người thuộc diện F1, một thuyền viên, 574 người tự đi làm xét nghiệm, các trường hợp còn lại được test nhanh dương tính và sàng lọc tại công ty thuộc khu công nghiệp thuộc huyện An Dương và Thủy Nguyên.
Trong vòng 7 ngày qua (từ 3/1 đến 9/1), tổng số ca mắc Hải Phòng ghi nhận là 6.445. Trung bình mỗi ngày, thành phố có 921 bệnh nhân mới, xếp thứ 5 cả nước.
Theo thống kê, Hải Phòng đã thực hiện hơn 3,4 triệu mũi tiêm vaccine phòng Covid-19. Trong đó, tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên đã đủ 2 liều vaccine là 99,42%; tỷ lệ này ở nhóm trẻ 12-17 tuổi là 99,98%. Thành phố cũng đã tiêm mũi 3 (gồm mũi bổ sung và nhắc lại) tổng cộng 130.179 liều.
Đến nay, toàn thành phố có 6.815 người khỏi Covid-19; 9.408 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, trong đó có 48 người diễn biến nặng và nguy kịch.
Mới đây, Sở GTVT Hải Phòng có văn bản về việc tổ chức hoạt động vận tải hành khách bằng đường bộ để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, TP Hải Phòng trở thành vùng nguy cơ rất cao (vùng đỏ) nên những hoạt động vận tải khách có sự điều chỉnh.
Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam cho biết so với quy chuẩn chung, Hải Phòng chưa đến mức phải áp dụng vùng đỏ cho toàn thành phố. Tuy nhiên, chính quyền đã quyết định nâng lên một cấp để phòng, chống dịch.
Ông Nam lý giải Hải Phòng là địa phương có 5 hệ thống giao thông bao gồm: Cảng biển; cảng, tuyến đường sông; đường sắt; hàng không và đường bộ. Thứ hai, thủy thủ nước ngoài đến Hải Phòng nhiều, khi biến chủng Omicron đang diễn biến khó lường. Bên cạnh đó, người tỉnh, thành khác về Hải Phòng lao động cũng rất nhiều. Hơn nữa, từ khi thực hiện Nghị quyết 128, người dân lơ là, chủ quan.
“Vì thế, khả năng lây, bùng phát dịch bệnh trên địa bàn thành phố cảng biển lớn nhất cả nước là rất lớn. Chúng tôi có chỉ đạo nâng lên một cấp để hạn chế mức lây lan dịch bệnh”, ông Nam nói.
Về việc nâng thành vùng đỏ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh buôn bán của người dân thời điểm Tết cận kề, lãnh đạo mong muốn người dân chấp hành và tuyệt đối không chủ quan, thực hiện tốt 5K.
Với những biện pháp mạnh như vậy, chính quyền Hải Phòng kỳ vọng số ca mắc sẽ thuyên giảm những ngày tới đây. “Từ đó, chúng tôi sẽ điều chỉnh biện pháp để bà con kinh doanh, buôn bán nhưng lưu ý người dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch. Không vì điều đó mà để dịch bùng phát”, Phó chủ tịch Hải Phòng nhấn mạnh.
Đối với việc di chuyển của người dân về Hải Phòng ăn Tết khi thành phố siết chặt hoạt động, ông Nam thừa nhận sẽ ảnh hưởng song thành phố đã có giải pháp như những nơi còn vùng xanh (cấp độ 1) thì vẫn cho các bến xe hoạt động.
Tuy nhiên, điều này sẽ dẫn đến việc người dân di chuyển từ vùng đỏ sang vùng xanh. Theo ông Nam, thực hiện Nghị quyết 128, thành phố không cấm người dân và chỉ tuyên truyền là chính.
“Khi số ca mắc giảm, chuyển biến tích cực, thành phố sẽ có những điều chỉnh nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt để người dân vui Tết, đón Xuân”, ông Nam nói thêm.
TP.HCM tiếp tục giảm ca mắc mới, đẩy nhanh tiêm chủng
TP.HCM có 5 ngày liên tiếp ghi nhận dưới 500 ca mắc Covid-19 sau 24 giờ qua với 472 F0. Trung bình tuần qua, thành phố cũng chỉ phát hiện hơn 500 trường hợp nhiễm nCoV, xếp thứ 10 cả nước.
Mới đây, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cũng đã ký thông báo cấp độ dịch tại TP.HCM tuần qua. Theo đó, dịch tại TP.HCM ở cấp độ 1. Sau nhiều tuần duy trì cấp độ 2, đây là lần đầu tiên dịch tại TP.HCM hạ xuống cấp độ 1 (vùng xanh).
Thời gian qua, tình hình dịch tại TP.HCM có nhiều dấu hiệu tích cực cả về ca nhiễm, ca bệnh nặng và ca tử vong. Hiện, 6/11 ca nhiễm biến chủng Omicron tại TP.HCM đã khỏi bệnh, xuất viện. Ngày 9/1, thành phố chỉ còn ghi nhận 19 bệnh nhân Covid-19 tử vong, 4 trường hợp trong số này chuyển đến từ địa phương khác.
Ngày 9/1, Sở Y tế TP.HCM thông tin kết quả triển khai chiến dịch bảo vệ người nguy cơ cao trên địa bàn.
Trong một tháng qua, các quận, huyện đã lập danh sách quản lý được 639.972 người thuộc nhóm nguy cơ, trong đó, phát hiện 25.642 người chưa tiêm vaccine phòng Covid-19 (chiếm tỷ lệ 4%).
Trong 2 đợt xét nghiệm tầm soát, Sở Y tế đã phát hiện 5.437 người mắc Covid-19 (đợt 1 xét nghiệm được 597.701 người, đợt 2 xét nghiệm 570.014 người). Trạm y tế đã phân loại và đồng ý cho 4.670 F0 đủ điều kiện cách ly tại nhà (86,4%), có 4.471 người được sử dụng ngay thuốc kháng virus; 767 F0 được chuyển đến cơ sở điều trị để được chăm sóc, điều trị (13,6%).
Tính đến ngày 8/1, 18.007 người thuộc nhóm nguy cơ (70,2%) chưa tiêm chủng đã được thuyết phục và tiêm vaccine. Sở Y tế chỉ đạo các quận huyện đang tăng tốc tiêm vaccine, cố gắng đến ngày 20/1 sẽ vận động tiêm 100% cho những người thuộc nhóm nguy cơ.
Tất cả danh sách người F0 thuộc nhóm nguy cơ được chuyển đến mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” để tư vấn, thăm hỏi sức khỏe định kỳ, bao gồm chăm sóc cả các bệnh nền.
Liên quan việc trở về quê ăn Tết của người dân, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng thông tin từ 1/1, Chính phủ cho phép thành phố tiếp nhận các chuyến bay thương mại.
Đối với hành khách chuẩn bị đến TP.HCM, ngành y tế tạm chia 2 giai đoạn. Trước nhập cảnh, người dân cần có kết quả xét nghiệm rRT-PCR âm tính trong 72 giờ, cơ quan thẩm quyền nước sở tại xác nhận; khai báo y tế; xác nhận tiêm đủ liều vaccine. Riêng người từng là F0 cần có giấy xác nhận.
Khi nhập cảnh, người dân phải thực hiện theo 5 bước UBND TP.HCM đã hướng dẫn. Vừa đáp xuống sân bay, người dân phải tạo mã QR cá nhân, bằng cách cài đặt ứng dụng PC-Covid. Bước thứ 2, sau khi khai báo và có mã QR, sân bay tổ chức xét nghiệm nhanh với tất cả hành khách nhập cảnh.
Nếu test nhanh dương tính, hành khách sẽ phải làm xét nghiệm rRT-PCR khẳng định và chuyển về Bệnh viện dã chiến số 12, giải trình tự gene. Trường hợp âm tính, người dân được hướng dẫn rời sân bay về nơi cư trú đã đăng ký trước.
Trong quá trình di chuyển, người dân không được dừng dọc đường, bảo đảm 5K. Bước 4, khi đã về, địa phương tiếp tục giám sát, theo dõi. Bước 5, có 2 trường hợp, với hành khách khi về địa phương đã tiêm đủ liều thì chỉ theo dõi sức khỏe tại nhà 3 ngày. Với người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vaccine phải cách ly tại nhà 7 ngày, địa phương sẽ làm xét nghiệm trong ngày 3 và 7.
Tình hình tại khu vực miền Tây khả quan
Trong ngày 9/1, Sóc Trăng chỉ ghi nhận 117 ca mắc Covid-19 mới. Trong làn sóng dịch lần thứ 4, Sóc Trăng đã có tổng cộng 31.419 người nhiễm nCoV ở cộng đồng. Tỉnh cũng đang điều trị cho 1.282 F0 tại cơ sở y tế và 2.690 trường hợp dương tính ở nhà.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng, tình hình dịch Covid-19 tại địa phương này cơ bản được kiểm soát. Tỷ lệ người dân từ 12 tuổi trở lên tại Sóc Trăng đã được tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19 đạt hơn 98% nên ca nhiễm trong cộng đồng ngày càng giảm.
Để tạo điều kiện cho người dân trong hoạt động mua bán, sản xuất kinh doanh, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng quyết định kết thúc văn bản quy định thời gian người dân không được ra đường từ 21h đến 4h hôm sau.
Tại Bạc Liêu, trong 24 giờ qua, tỉnh ghi nhận 237 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. 166 trường hợp trong số đó là ca cộng đồng.
Mới đây, UBND tỉnh Bạc Liêu đã có quyết định công bố cấp độ dịch từ vùng cam sang vàng, bỏ quy định hạn chế thời gian ra đường vào ban đêm từ 8/1. Trước đó, sau nhiều tháng áp dụng nghị quyết 128 để mở cửa, chính quyền tỉnh Bạc Liêu vẫn áp dụng việc hạn chế thời gian ra đường đối với người dân từ 20h đến 4h ngày hôm sau.
Đối với cấp huyện, Bạc Liêu có 4 vùng xanh (thị xã Giá Rai, huyện Đông Hải, Phước Long, Hồng Dân) và 3 vùng vàng (TP Bạc Liêu, huyện Hòa Bình, Vĩnh Lợi). Đối với cấp xã, Bạc Liêu không còn xã, phường, thị trấn nào vùng cam và đỏ. Tỉnh này có 24/64 xã, phường, thị trấn vùng vàng, còn lại đều là vùng xanh.
Theo lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, những địa phương vùng xanh được tập trung không quá 30 người, vùng vàng 20 người. Nhà hàng, quán ăn, uống được phục vụ tại chỗ nhưng không quá 4 người một bàn và mỗi bàn cách nhau 2 m. Dịch vụ làm tóc, spa, thẩm mỹ viên được mở cửa hoạt động trở lại. Riêng vũ trường, massage, karaoke, quán bar tiếp tục dừng hoạt động.
Để đảm bảo an toàn dịch bệnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu tất cả công dân ra, vào tỉnh đều phải khai báo y tế thông qua phần mềm ứng dụng hoặc đến trạm y tế cấp xã. Người ngoài tỉnh trên 18 tuổi đến Bạc Liêu nếu chưa tiêm vaccine hoặc chỉ mới một liều thì bắt buộc phải đến trạm y tế khai báo trực tiếp.
“Những trường hợp này phải di chuyển về nhà hoặc nơi cư trú để chịu sự giám sát, theo dõi sức khỏe theo chế độ tương đương F1”, quyết định của UBND tỉnh Bạc Liêu quy định.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/so-ca-moi-tai-ha-noi-hai-phong-tiep-tuc-tang-post1288670.html