Số ca nhiễm COVID-19 tại Nhật Bản tiếp tục lập kỷ lục mới
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Aichi (Nhật Bản), ngày 26/7/2022. Ảnh: Kyodo/TTXVN
* Omicron lây nhiễm qua đường mũi ở trẻ em nhanh hơn biến thể khác
Ngày 3/8, chính phủ Nhật Bản đã quyết định cho phép thêm ba tỉnh áp dụng các biện pháp phòng dịch tăng cường trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 ở nước này tiếp tục lập kỷ lục mới, khiến hệ thống y tế ở nhiều nơi rơi vào tình trạng căng thẳng.
Theo quyết định này, chính quyền tỉnh Saitama, phía bắc thủ đô Tokyo, được phép tự ban bố các biện pháp tăng cường để chống dịch trong thời gian từ ngày 4/8 tới ngày 31/8; tỉnh Aichi ở miền Trung Nhật Bản được phép áp dụng từ ngày 5/8 tới 21/8; tỉnh Kagoshima ở phía tây nam Nhật Bản, được phép áp dụng từ ngày 3/8 tới ngày 31/8.
Các biện pháp tăng cường này bao gồm việc kêu gọi người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch như tiêm vắc xin và làm việc từ xa, hoặc có thể đề nghị người cao tuổi và những người có các bệnh nền tránh xa những địa điểm đông người.
Cùng ngày, bốn tổ chức nghiên cứu, học thuật ở Nhật Bản, trong đó có Hội các bệnh truyền nhiễm Nhật Bản (JAID) ra tuyên bố khẩn cấp kêu gọi người mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ hạn chế đi khám ở các cơ sở y tế.
Kể từ cuối tháng 6 tới nay, dịch COVID-19 đã bùng phát mạnh trở lại ở Nhật Bản, chủ yếu do sự xuất hiện của BA.5 - một biến chủng phụ của biến thể Omicron.
Ngày 3/8, Nhật Bản ghi nhận thêm 249.812 ca nhiễm mới và 169 ca tử vong vì dịch COVID-19. Có tới 24 trong số 47 tỉnh, thành phố ở nước này ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục, trong đó Hokkaido có 6.930 ca, Saitama có 13.780 ca và Aichi có 17.778 ca.
* Một nghiên cứu cho thấy biến thể Omicron có thể lây nhiễm qua đường mũi ở trẻ em nhanh chóng hơn so với các phiên bản trước đó của virus SARS-CoV-2. Trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19 khi biến thể Omicron chưa xuất hiện, virus SARS-CoV-2 ít có khả năng tấn công qua đường mũi của trẻ em hơn so với mũi của người lớn.
Cụ thể, những nghiên cứu trước đây về chủng virus SARS-CoV-2 gốc cho thấy tế bào niêm mạc trong mũi trẻ nhỏ đã tạo được phản ứng miễn dịch mạnh mẽ, khiến virus này khó tái tạo tại đây.
Tuy nhiên, gần đây, các nhà nghiên cứu đã thử trộn trong ống nghiệm các chủng virus khác nhau của SARS-CoV-2 và tế bào mũi của 23 trẻ em khỏe mạnh và 15 người lớn khỏe mạnh. Kết quả cho thấy khả năng chống lại virus trong mũi của trẻ em đã giảm đi đối với biến thể Omicron.
Nhóm nghiên cứu đã công bố phát hiện này trên tạp chí PLOS Biology hôm 1/8. Họ cũng cảnh báo rằng Omicron đã nhân bản hiệu quả hơn trong các tế bào niêm mạc mũi của trẻ em so với biến thể Delta và chủng virus gốc.
Nhóm nghiên cứu giải thích những dữ liệu này hoàn toàn phù hợp với thực trạng gia tăng các ca mắc COVID-19 ở trẻ em trong làn sóng bùng phát do biến thể Omicron gây ra. Cũng giống như các biến thể khác của SARS-CoV-2, biến thể Omicron gồm nhiều dòng và dòng phụ. Ba dòng phổ biến nhất đang thống trị số ca mắc mới COVID-19 trên thế giới của Omicron hiện nay là BA.2, BA.4 và BA.5.