Số ca tai nạn giao thông do rượu, bia đã giảm

Tai nạn giao thông đường sắt giảm trên cả 3 tiêu chí

(HNMO) - Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànôịmới tại một số bệnh viện trên địa bàn Thủ đô ngày 8-1-2020, sau một tuần Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực (ngày 1-1-2020), số ca tai nạn giao thông nhập viện do rượu bia đã giảm mạnh so với trước.

Khu vực cấp cứu Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức.

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, điểm "nóng" về số ca cấp cứu do tai nạn giao thông, ngay trong buổi sáng 8-1-2020, phóng viên Báo Hànôịmới không ghi nhận bệnh nhân nào bị tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia được đưa vào khoa Cấp cứu. Hiện chỉ có bệnh nhân Lê Văn H (ở huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) nhập viện ngày 7-1 trong tình trạng có mùi rượu bia, người bị đa chấn thương đang được điều trị tích cực.

Theo TS. Đỗ Mạnh Hùng, Phó trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, từ ngày 1 đến ngày 6-1-2020, bệnh viện tiếp nhận 305 trường hợp bị tai nạn giao thông, trong đó có 46 bệnh nhân có sử dụng rượu, bia (chiếm 11,8%). Con số này giảm so với cùng kỳ năm 2019 với 49 bệnh nhân nhân nhập viện có nồng độ cồn trong tổng số 324 bệnh nhân (chiếm 15%).

Còn tại Bệnh viện Thanh Nhàn, nếu trong đêm 31-12-2019 và sáng 1-1-2020 có 28 trường hợp tai nạn giao thông chủ yếu liên quan đến rượu, bia nhập viện thì trong một tuần qua, tại đây chưa tiếp nhận thêm trường hợp nào nhập viện do tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia.

Bác sĩ Vũ Xuân Hùng, Trưởng Khoa chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về việc tăng mức phạt đối với người có nồng độ cồn, số lượng bệnh nhân nhập viện do tai nạn giao thông, đặc biệt là tai nạn giao thông do rượu, bia đã giảm đáng kể.

"Ở khu vực này có cầu Vĩnh Tuy và cầu Thanh Trì là hai điểm "đen", hầu hết những vụ tai nạn ở hai cầu này thường được chuyển về Bệnh viện Thanh Nhàn. Bình thường, trung bình mỗi ngày, khoa cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận khoảng 100-130 bệnh nhân, nhưng khoảng 1 tuần trở lại đây, chỉ còn khoảng 60-70 ca cấp cứu. Điều đặc biệt là không có bệnh nhân nào nhập viện vì tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia", bác sĩ Vũ Xuân Hùng nói.

Một tuần qua, Bệnh viện Thanh Nhàn không có bệnh nhân nhập viện vì tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia.

Cũng theo bác sĩ Vũ Xuân Hùng, sau khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực, số ca tai nạn giao thông giảm, các bác sĩ cũng đỡ vất vả. "Việc sử dụng rượu, bia không chỉ ảnh hưởng về sức khỏe và mà còn gây nguy hiểm khi tham gia giao thông. Nếu việc kiểm tra và giám sát việc thực hiện theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP được duy trì thì còn giúp bệnh viện giảm tải, giảm tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép", bác sĩ Vũ Xuân Hùng nói.

Theo bác sĩ Nguyễn Thành, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, trung bình mỗi ngày trung tâm tiếp nhận khoảng 90 ca cấp cứu, trong đó có 20% là tai nạn do lái xe có nồng độ cồn. Tuy nhiên, từ ngày 1 đến 6-1-2020, trong tổng số gần 530 ca cấp cứu, chỉ có 44 vụ là tai nạn giao thông do lái xe có nồng độ cồn (chiếm 8,3%). Bên cạnh đó, tình trạng ngộ độc rượu, bia cũng giảm hẳn.

Bác sĩ Lê Văn Dẫn, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Thanh Nhàn cho hay, những năm trước, cứ mỗi dịp giáp Tết như hiện nay, khoa phải cấp cứu nhiều trường hợp ngộ độc do rượu, bia. Từ khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực, tại khoa chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân nào ngộ độc do rượu, bia. Điều này cho thấy Luật có hiệu ứng tích cực đối với cộng đồng, xã hội cũng như giảm tải áp lực cho ngành y tế.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-song/955051/so-ca-tai-nan-giao-thong-do-ruou-bia-da-giam