Số ca tử vong do Covid-19 tại Anh xấp xỉ Italy
Tính đến ngày 2-5, số ca tử vong do Covid-19 tại Anh đã xấp xỉ con số này tại Italy. Cả hai quốc gia châu Âu này đến nay đã ghi nhận hơn 28 nghìn trường hợp tử vong.
Theo thống kê của hãng tin Reuters, đến nay Mỹ là nước có nhiều ca tử vong nhất trên thế giới (67.444 ca), sau đó là Italy (28.710 ca), Anh (28.131 ca) và Tây Ban Nha (25.100 ca).
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, Anh đã qua đỉnh dịch Covid-19, tuy nhiên vẫn còn quá sớm để nới lỏng lệnh phong tỏa ông đã ban bố vào ngày 23-3 vì vẫn có nguy cơ xảy ra đợt bùng phát thứ hai có khả năng làm sụp đổ hệ thống bệnh viện của nước này.
Anh, nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới, đang bị đình trệ do đại dịch Covid-19. Dự kiến, tuần tới ông Boris Johnson sẽ công bố kế hoạch đưa đất nước trở lại làm việc mà không gây ra đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ hai. Thủ tướng Anh đã đặt ra năm tiêu chí nước này phải đạt được trước khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa, trong đó hai tiêu chí then chốt là giảm số ca tử vong hằng ngày và ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch lần thứ hai.
Tại Italy, theo Cơ quan Bảo vệ dân sự nước này, số ca tử vong ghi nhận ngày 2-5 (474 ca) là mức tử vong trong ngày cao nhất kể từ ngày 21-4 vừa qua. Trong đó, riêng Lombardy, vùng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của đại dịch, đã ghi nhận 329 ca tử vong, tăng mạnh so với một ngày trước đó. Số ca bệnh mới tại Italy trong ba ngày qua ổn định ở mức khoảng 1.900 ca/ngày. Italy hiện là quốc gia đứng thứ ba thế giới về số ca bệnh Covid-19 (209.328 ca), chỉ sau Mỹ (1.160.774 ca) và Tây Ban Nha (245.567 ca). Tính đến thời điểm hiện tại, 1,43 triệu người tại đất nước có khoảng 60 triệu dân đã được làm xét nghiệm Covid-19.
Ngày 2-5 đánh dấu ngày đầu tiên trong bảy tuần qua người dân Tây Ban Nha được ra ngoài để tập thể dục. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho rằng: “Chúng ta đang tận hưởng những phần thưởng của sự hy sinh trong suốt những tuần qua”. Song ông lưu ý, khi đất nước dần mở cửa trở lại, người dân cần thể hiện sự bình tĩnh và trách nhiệm cá nhân để hạn chế nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát xuống mức thấp nhất. “Cho đến khi chúng ta có vaccine, vẫn có thể xuất hiện các đợt bùng phát mới. Điều quan trọng nhất là phải chắc chắn rằng những đợt bùng phát này không gây áp lực lên hệ thống y tế quốc gia”, ông Sanchez phát biểu tại một cuộc họp báo. Thủ tướng Tây Ban Nha nhắc lại, đeo khẩu trang khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng là quy định bắt buộc từ ngày 4-5.
Khi tỷ lệ lây nhiễm tại Tây Ban Nha đã giảm và hệ thống y đã tháo gỡ nhiều khó khăn do dịch bệnh gây ra, chính phủ của ông Sanchez bắt đầu chuyển hướng sang mục tiêu dần mở cửa trở lại đất nước và khôi phục kinh tế. Ông Sanchez thông báo chính phủ sẽ thông qua quỹ tái thiết trị giá 16 tỷ euro để giúp các vùng phục hồi sau đại dịch.
H.H
Theo Reuters, Guardian