Số ca tử vong do dịch COVID-19 tại Indonesia tăng mạnh trở lại
Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho sinh viên tại Surabaya, Đông Java, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 10/8, Lực lượng đặc nhiệm xử lý COVID-19 của Chính phủ Indonesia đã ghi nhận thêm 2.048 ca tử vong do COVID-19 trong vòng 24 giờ, cao thứ hai kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại quốc gia này.
Mốc cao nhất là 2.069 ca tử vong, được ghi nhận vào ngày 27/7 vừa qua. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Indonesia hiện là 110.619 ca.
Số ca tử vong ở Indonesia liên tục gia tăng kể từ tháng 7 và thường xuyên ở mức trên 1.000 ca mỗi ngày trong vài tuần qua. Nước này cũng ghi nhận 32.081 ca mắc mới trong ngày 10/8, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia đông dân thứ tư thế giới lên mức 3.718.821 ca.
Trong khi đó, truyền thông Indonesia ngày 10/8 cho biết Tổng thống Joko Widodo đã chỉ thị cho Bộ Y tế chuẩn bị lộ trình sống chung với COVID-19 trong trường hợp dịch bệnh này còn kéo dài trong nhiều năm nữa.
Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho hay chỉ thị nói trên được đưa ra xuất phát từ nhận định rằng dịch COVID-19 có khả năng còn tồn tại ở Indonesia trong một thời gian dài.
Ông Budi khẳng định trong lộ trình sống chung với COVID-19, các quy định phòng dịch cần đảm bảo việc vận hành các hoạt động kinh tế một cách bình thường. Theo đó, Bộ Y tế sẽ sớm thực hiện một dự án thí điểm áp dụng các quy định phòng dịch dựa vào công nghệ kỹ thuật số trong sáu lĩnh vực gồm thương mại, văn phòng và công nghiệp, giao thông, du lịch, tôn giáo và giáo dục.
Hiện Bộ Y tế Indonesia đã nhận được các chỉ đạo định hướng nhằm đảm bảo rằng các quy định phòng dịch sẽ "đồng hành với cuộc sống hàng ngày" của người dân trong giai đoạn tới dựa trên việc áp dụng công nghệ thông tin.
Theo ông Budi, Tổng thống Widodo đã quyết định rằng ứng dụng PeduliLindung hiện nay sẽ được phát triển thành nền tảng triển khai các quy định phòng dịch, bắt đầu trong tuần này, tại một số trung tâm thương mại với sự hợp tác của các hiệp hội ngành nghề.
Cùng ngày, chính quyền TP Jakarta thông báo đã nâng mục tiêu tiêm chủng ngừa COVID-19 lên 11 triệu người, từ mức 8,8 triệu người trước đó. Phó Thống đốc Jakarta - ông Ahmad Riza Patria cho biết việc nâng mục tiêu nói trên nhằm đảm bảo rằng tất cả người dân Jakarta đều được tiêm chủng. Theo ông Riza, mục tiêu mới hoàn toàn phù hợp với khả năng của chính quyền thành phố.
Sở Y tế Jakarta cho biết hiện thành phố này có thể cung cấp vắc xin cho 100.000 người/ngày. Tính đến chiều 10/8, đã có 8.507.635 người dân thủ đô đã được tiêm mũi thứ nhất vắc xin ngừa COVID-19, trong khi 3.532.646 người đã được tiêm đầy đủ hai mũi.
Trong khi đó, Timor Leste đã ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Delta trong cộng đồng, khiến Bộ Y tế nước này lo ngại về sự gia tăng đột biến số ca nhiễm. Trong bản phân tích gene mà Viện Doherty của Úc thực hiện tuần đầu tháng 8, có 12 trong số 28 mẫu nhiễm ở vùng Ermera là biến thể Delta. Ermera là nơi có số ca đang điều trị cao nhất và tỉ lệ tiêm phòng thấp nhất ở Timor Leste.
Các chuyên gia y tế cộng đồng nhận định số ca nhiễm ngày càng tăng ở nhiều nơi khác nhau chứng tỏ rằng biến thể Delta cũng có mặt ở đó. Báo cáo của bộ trên cho biết sự lây lan của biến thể Delta "có khả năng làm gia tăng đáng kể số ca nhiễm bệnh, bao gồm cả các ca bệnh nặng và số người tử vong," và việc cần làm hiện nay là tập trung thúc đẩy tiêm vắc xin tại các khu vực có tỉ lệ tiêm chủng thấp.
Tại Hàn Quốc, theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết nước này phát hiện thêm 1.540 ca COVID-19, trong đó có 1.476 ca lây nhiễm trong nước và 64 ca nhập cảnh, nâng tổng số ca nhiễm lên 213.987 ca.
Hàn Quốc cũng thông báo có thêm 9 người tử vong, nâng tổng số người tử vong do dịch COVID-19 lên 2.134 người. Trong số các trường hợp lây nhiễm tại địa phương, thủ đô Seoul ghi nhận 356 ca, tiếp theo là tỉnh Gyeonggi, bao quanh Seoul với 398 ca và 64 ca ở TP Incheon. Thành phố cảng Busan ghi nhận thêm 105 ca mắc. Hàn Quốc thông báo đã có thêm 9 người tử vong, nâng tổng số người tử vong do dịch COVID-19 lên 2.134 người.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhà chức trách quyết định gia hạn thực hiện giãn cách xã hội mức độ cao nhất (cấp độ 4) ở vùng thủ đô Seoul đến ngày 22/8 tới, trong khi đa số các khu vực khác áp dụng lệnh giãn cách ở cấp độ 3. TP Busan, miền nam Hàn Quốc, quyết định nâng mức giãn cách xã hội lên cấp độ 4, mức cao nhất, để phòng ngừa dịch COVID-19.
Theo đó, 7 bãi tắm nổi tiếng của thành phố đều phải tạm đóng cửa, dừng đón du khách. Dù chỉ tạm bị đóng cửa, nhưng chỉ 2 tuần nữa là qua đợt cao điểm nghỉ mát mùa hè, nên hoạt động của các bãi tắm này trong năm nay coi như đã kết thúc vào cuối tuần trước. Ngoài ra, chính quyền thành phố cũng giới hạn tụ tập riêng tư dưới 4 người cho tới 18 giờ, và chỉ 2 người vào ban đêm.
Cùng ngày 10/8, nhà chức trách Úc thông báo tăng cường thực thi biện pháp giãn cách để phòng chống dịch COVID-19 tại TP Sydney thuộc bang New South Wales (NSW) sau khi thành phố này ghi nhận số ca mắc mới trong một ngày cao nhất từ đầu dịch.
Chính quyền bang NSW cho biết cảnh sát đã được yêu cầu tăng cường kiểm tra số lượng người được phép ở trong các cửa hàng nhỏ và kiểm soát những người di chuyển trong trường hợp không cần thiết.
Hơn 5 triệu dân TP Sydney hiện đang thực hiện lệnh giãn cách trong hơn 6 tuần trong bối cảnh dịch bệnh tái bùng phát mạnh do biến thể Delta được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ có khả năng lây lan cao. Thành phố lớn nhất Úc công bố thêm 343 ca mắc ngày 10/8, tăng 66 ca so với một ngày trước.
Chính quyền bang NSW cũng ghi nhận thêm 3 ca tử vong, đều là những người chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19. Tổng cộng 357 ca mắc đang được điều trị tại bệnh viện, trong đó có 60 ca được điều trị ở khu chăm sóc đặc biệt với 28 ca cần thở máy.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, kết quả khảo sát của Cục Khoa học Y tế cho thấy biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đang nhanh chóng trở thành biến thể chính ở Thái Lan, với hơn 90% bệnh nhân COVID-19 nhiễm biến thể này.
Cục trưởng Cục Khoa học Y tế Supphakit Siriluck ngày 10/8 cho biết trong số 1.632 mẫu được khảo sát vào tuần trước, có 1.499 mẫu (tương đương 91,9%) đã nhiễm biến thể Delta, được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ; 129 mẫu (7,9%) nhiễm biến thể Alpha, được phát hiện đầu tiên tại Anh, và có 4 mẫu (0,2%) nhiễm biến thể Beta, được phát hiện đầu tiên ở Nam Phi. Ngoài 3 biến thể trên, chưa có biến thể nào khác được phát hiện ở Thái Lan.
Trong số 1.632 mẫu nói trên, 1.157 mẫu được thu thập ở Bangkok, với 95,4% bị nhiễm biến thể Delta và phần còn lại nhiễm biến thể Alpha. 475 mẫu còn lại được thu thập từ các tỉnh, trong đó 83,2% được phát hiện là bị nhiễm biến thể Delta và 16% bị nhiễm biến thể Alpha.
Tiến sĩ Supphakit nhận xét xu hướng lây nhiễm ở Thái Lan cho thấy biến thể Delta đang nhanh chóng trở thành biến thể phổ biến và có thể được tìm thấy ở tất cả các tỉnh, trong khi biến thể Alpha cuối cùng sẽ không tồn tại. Riêng biến thể Beta vẫn sẽ ở các tỉnh miền Nam và không lan ra các vùng khác. Hiện tại, có 354 bệnh nhân bị nhiễm biến thể Beta ở tỉnh Narathiwat, 4 bệnh nhân ở Phuket và 1 bệnh nhân ở tỉnh Phatthalung. Không giống như Delta, biến thể Beta lây lan chậm hơn và do đó, dễ kiềm chế hơn.
Thái Lan ngày 10/8 lại ghi nhận số ca tử vong theo ngày ở mốc cao mới. Số liệu của Bộ Y tế cho biết nước này có thêm 19.843 ca nhiễm và 235 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu dịch lên 795.951, trong đó có 6.588 người không qua khỏi. Thủ đô Bangkok vẫn là tâm điểm của làn sóng COVID-19 thứ ba ở Thái Lan, với 4.226 ca nhiễm mới cùng 111 ca tử vong được ghi nhận trong ngày 10/8.
Do tình hình hiện nay ở Thái Lan, Mỹ đã đưa nước này vào danh sách cảnh báo người dân tránh đi lại.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)