Số ca tử vong ở Mỹ vượt 2.000, TT Trump muốn phong tỏa New York

Ít nhất 215 triệu người được yêu cầu ở nhà, giữa lúc số ca tử vong vì dịch bệnh tại Mỹ đã lên đến 2.010, trong tổng số 121.117 ca nhiễm.

Theo thống kê vào lúc 18h ngày 28/3 (giờ miền Đông Mỹ), ít nhất 215 triệu người, tức khoảng 65% dân số Mỹ, được yêu cầu ở nhà theo lệnh đã có hiệu lực tại các bang.

Các bang cũng đã ban hành thêm các lệnh sẽ có hiệu lực từ cuối ngày 28/3 và từ ngày 30/3. Tính đến sáng 29/3, ít nhất 216,9 triệu người Mỹ sẽ được yêu cầu ở nhà và đến sáng 30/3, con số này sẽ tăng lên đến ít nhất 225 triệu.

 Một con đường gần như vắng bóng người xe ở Detroit, Michigan, hôm 24/3. Ảnh: AFP/Getty.

Một con đường gần như vắng bóng người xe ở Detroit, Michigan, hôm 24/3. Ảnh: AFP/Getty.

Số người chết vì virus corona chủng mới tại Mỹ đã tăng lên đến 2.010 hôm 28/3, gấp đôi trong vòng 3 ngày, theo dữ liệu được cập nhật liên tục của Đại học John Hopkins.

Con số này thấp hơn 10.013 ca tử vong ở Italy, 5.826 ca ở Tây Ban Nha, 3.299 ca ở Trung Quốc hay 2.317 ca ở Pháp, theo thống kê trên.

Số ca nhiễm virus tại Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, cũng đã lên đến 121.117. Không lâu trước đó, Mỹ đã chứng kiến số ca nhiễm tăng thêm 21.309, tương đương 23%, trong vòng 24 giờ, một kỷ lục mới.

Hàn Quốc tiếp tục cách ly xã hội, dù đã qua đỉnh dịch

Hàn Quốc ghi nhận thêm 105 ca nhiễm mới hôm 29/3, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 9.583. Số người chết tăng thêm 8, lên đến 152, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hàn Quốc.

Thành phố Daegu và tỉnh Gyeongsang Bắc lân cận - 2 địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất, báo cáo 25 ca mới. Tổng số người được xuất viện hiện tại là 5.033.

Số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc dao động ở mức trên dưới 100 ca/ngày trong hơn 2 tuần qua, giảm mạnh so với mức trên dưới 900 ca/ngày hồi tháng 2.

Hàn Quốc quyết định tăng cường thực hiện "cách ly xã hội" cho đến ngày 5/4, yêu cầu người dân ở nhà, tránh các hoạt động tụ tập đông người.

Seoul cũng áp dụng biện pháp cách ly 2 tuần và kiểm tra virus đối với người đến từ châu Âu với visa dài hạn, bất kể họ có triệu chứng hay không.

 Phun thuốc khử trùng trước cuộc họp báo của Thủ tướng Chung Se Kyun tại Seoul hôm 27/3. Ảnh: AFP.

Phun thuốc khử trùng trước cuộc họp báo của Thủ tướng Chung Se Kyun tại Seoul hôm 27/3. Ảnh: AFP.

Trung Quốc chỉ có 1 ca nhiễm nội địa mới

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc sáng 29/3 cho biết nước này ghi nhận 45 ca nhiễm mới trong ngày 28/3, trong đó chỉ có một ca phát sinh trong nước, còn lại đều là người vào từ bên ngoài.

Ca mới trong nước là ở tỉnh Hà Nam, trong khi tâm dịch Hồ Bắc có thêm một ngày không phát sinh ca mới, dù 5 ca tử vong mới trong ngày ở Trung Quốc đại lục đều là ở tỉnh này. Hồ Bắc cũng không ghi nhận thêm trường hợp nghi ngờ.

Tổng cộng, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận 81.439 ca nhiễm, trong đó 75.448 người đã khỏi bệnh, 3.300 người tử vong và 2.691 người đang được điều trị.

Trung Quốc đang chuyển hướng chống dịch sang kiểm soát ca bệnh "ngoại nhập", tức người nhiễm virus ở bên ngoài Trung Quốc được phát hiện thông qua hoạt động kiểm dịch tại các cửa khẩu. Đến hết ngày 28/3, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận 693 ca nhiễm thuộc diện này.

 Đội y tế tình nguyện từ Thiên Tân tạm biệt đồng nghiệp ở Vũ Hán. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Đội y tế tình nguyện từ Thiên Tân tạm biệt đồng nghiệp ở Vũ Hán. Ảnh: Tân Hoa Xã.

2.650 ca nhiễm và 49 ca tử vong tại châu Phi

47 quốc gia thuộc vùng châu Phi của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác nhận 2.650 ca nhiễm virus corona chủng mới, trong đó có 49 ca tử vong, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết.

Ông cũng cho biết WHO đã hỗ trợ các chính phủ tại châu Phi việc phát hiện sớm các ca nhiễm bằng việc cung cấp bộ thử nghiệm, huấn luyện nhân viên y tế, tăng cường hệ thống theo dõi và phát hiện ca nhiễm.

Tranh cãi chuyện phong tỏa New York

Bang New York tiếp tục là tâm điểm của dịch bệnh tại Mỹ, chiếm khoảng một nửa số ca nhiễm. Tổng thống Donald Trump hôm 28/3 nói ông đang cân nhắc cách ly bắt buộc 2 tuần đối với toàn bộ bang này cũng như một phần các bang New Jersey và Connecticut.

Phản ứng trước tuyên bố trên, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo nói việc phong tỏa các bang là bất hợp pháp và sẽ dẫn tới tình trạng "mất kiểm soát hoàn toàn". Ông nói gợi ý của ông Trump là "tuyên bố chiến tranh liên bang" đối với các bang.

"Tôi thậm chí không cho rằng việc đó hợp pháp", ông Cuomo nói với CNN. "Đó không phải là cách ly, đó sẽ là phong tỏa. Nếu bạn nói chúng ta sẽ giam hãm người dân xét theo địa lý, đó sẽ là phong tỏa. Rồi thì chúng ta sẽ là Vũ Hán, Trung Quốc và điều đó không hợp lý".

 Người đi bộ trên cầu Williamsburg ở Manhattan, New York, vào ngày 28/3. Ảnh: Reuters.

Người đi bộ trên cầu Williamsburg ở Manhattan, New York, vào ngày 28/3. Ảnh: Reuters.

Ông Cuomo nói New York là khu vực tài chính của đất nước và nó sẽ bị tê liệt nếu bang bị phong tỏa.

"Về mặt vận hành mà nói, làm sao bạn có thể ngăn chặn hàng hóa đến New York, New Jersey hay Connecticut?... Tôi không thể tin ông ấy (Trump) đang cân nhắc chuyện đó", thống đốc New York nói.

"Với tư cách thống đốc, tôi sẽ không đóng cửa biên giới bang tôi".

Tuy nhiên, Tổng thống Trump sau đó nói ông sẽ không cách ly vùng đô thị New York, sau khi tham vấn với thống đốc các bang liên quan cũng như nhóm chuyên trách chống dịch của Nhà Trắng.

"Tôi đã yêu cầu CDC ban hành một Cảnh báo Đi lại mạnh, sẽ được các thống đốc thực hiện, thông qua sự tham vấn với Chính phủ Liên bang", ông Trump nói trên Twitter.

"Việc cách ly sẽ không cần thiết".

Đông Phong

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/so-ca-tu-vong-o-my-vuot-2000-tt-trump-muon-phong-toa-new-york-post1065701.html