Số ca tử vong tại TPHCM xuống thấp nhất trong tháng
Trong ngày 23/9, TPHCM ghi nhận 140 ca tử vong vì COVID-19. Như vậy, số ca tử vong tại Thành phố đã giảm mạnh nhất so với trước thời điểm tăng cường giãn cách xã hội (ngày 22/8).
Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM Phạm Đức Hải đưa ra thông tin trên tại buổi họp báo định kỳ chiều 24/9. Theo đó, ngày 22/8, TPHCM có 340 ca tử vong. Như vậy, sau một tháng, số ca tử vong đã giảm 200 ca/ngày.
Ngoài ra, số bệnh nhân đang thở máy cũng có xu hướng giảm. Cụ thể, ngày 19/9, có 2.342 trường hợp, ngày 22/9 còn 2.056 trường hợp và giảm xuống 2.037 trường hợp trong ngày 23/9.
Trong ngày 23/9, TPHCM có 3.591 bệnh nhân nhập viện, 3.260 người xuất viện, 140 người tử vong.
Liên quan đến công tác tiêm vaccine, ông Phạm Đức Hải cho hay, tính đến hết ngày 23/9, TPHCM đã tiêm được tổng số 9.068.788 mũi vaccine, tăng 86.512 mũi so với ngày 22/9.
Cố gắng duy trì các điểm trung chuyển hàng hóa ở 3 chợ đầu mối
Thông tin về hoạt động của 3 điểm trung chuyển tại 3 chợ đầu mối, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, lượng hàng hóa đưa về các điểm trung chuyển có thời điểm tăng cao, có thời điểm giảm. Theo ông Phương, nguyên nhân chính là thị trường, đầu ra của hàng hóa. Hàng hóa về 3 chợ đầu mối và luân chuyển về các chợ truyền thống là chính, trong khi các chợ đang tạm ngưng hoạt động nên vấn đề đầu ra gặp khó khăn.
Hiện, các thương nhân tại 3 điểm trung chuyển chủ yếu đưa hàng hóa về các bếp ăn tập thể của công nhân đang thực hiện “3 tại chỗ”, nhu cầu thấp hơn bình thường nên chắc chắn, đầu ra sẽ bị giới hạn. Ngoài ra, theo phân tích của ông Phương, một số thương nhân e ngại dịch bệnh phức tạp nên chưa muốn hoạt động kinh doanh trở lại. Việc một số nhà cung cấp không có lao động trở về Thành phố cũng gây ảnh hưởng khi không có nhân sự để hoạt động. Trong khi đó, do các quy định tại các điểm tập kết như phải xét nghiệm, giãn cách, kiểm tra chặt chẽ nên còn tâm lí còn e ngại và chờ đợi các chợ truyền thống được mở trở lại bình thường thì các thương nhân tại các chợ đầu mối mới chính thức hoạt động.
Vì vậy, Sở Công Thương cùng với chủ quản 3 chợ đầu mối và các địa phương đang tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tiểu thương, thương nhân hoạt động. Ông Phương cho rằng đây là sự chuẩn bị để tới đây, khi Thành phố mở rộng hoạt động các chợ truyền thống thì sẽ nhanh chóng đưa hàng hóa vào phục vụ.
Shipper tự testCOVID-19, tự báo kết quả xét nghiệm và không thu phí
24/9 cũng là ngày đầu tiên các doanh nghiệp giao hàng công nghệ triển khai việc tự xét nghiệm cho shipper. Sở Công Thương đã làm việc với các doanh nghiệp và ghi nhận 2 đơn vị thu phí xét nghiệm 75.000 đồng/kit.
Sở đã làm việc với 2 đơn vị trên và yêu cầu không thu bất kỳ loại phí nào, yêu cầu shipper tự xét nghiệm, tự chịu trách nhiệm, sau đó chụp kết quả gửi cho công ty để nhập vào trang dữ liệu chung của Thành phố.
Ông Phương nhấn mạnh, công việc còn lại của các sở, ngành là giám sát, nếu phát hiện cố tình sai phạm sẽ có chế tài xử lý, cắt ứng dụng (app), không cho hoạt động. Với số kit của 2 đơn vị đã thu tiền của shipper thì Sở sẽ thu hồi kit xét nghiệm.
Ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM thông tin thêm, tính đến 10h ngày 23/9, đã có 30/34 đơn vị giao hàng công nghệ nhập dữ liệu với 18.600 kết quả của shipper vào hệ thống dữ liệu dùng chung của Thành phố.
Rà soát kết quả triển khai phòng, dịch ở các quận, huyện
Ông Phạm Đức Hải cho biết TPHCM đã lập 22 đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống dịch trên địa bàn các quận, huyện, TP. Thủ Đức. Tính đến 11h ngày 24/9, có 14 đoàn làm việc với các quận, huyện. Còn 8 đoàn sẽ tiếp tục làm việc, sau đó có đánh giá tổng thể toàn Thành phố đối với kết quả các tiêu chí kiểm soát dịch thực hiện theo quyết định 3919 của Bộ Y tế.
Cũng theo ông Hải, Thành phố đang khẩn trương xây dựng 14 chiến lược, trong đó có chiến lược phục hồi y tế, chiến lược lao động, việc làm có tính đến lực lượng lao động và chỗ lưu trú… Sở Y tế đang tính toán chi tiết, làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học, các bệnh viện trên cơ sở nghiên cứu thực tế để xây dựng các chiến lược ngưỡng điều trị, vấn đề kiểm soát dịch, vấn đề chuyển các bệnh viện dã chiến trở về công năng ban đầu khi quay lại trạng thái “bình thường mới”.