Số ca tử vong vì COVID-19 tại Mỹ được dự báo sẽ sớm lên 300.000 ca

Một điểm xét nghiệm COVID-19 ở bang Florida - Ảnh: AFP/TTXVN

Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) có trụ sở ở Seattle, bang Washington của Mỹ, đã điều chỉnh dự báo về số ca tử vong tại Mỹ theo hướng tiêu cực hơn.

IHME vừa đưa ra ước tính có 295.011 người Mỹ thiệt mạng vì COVID-19 tại thời điểm ngày 1/12/2020. Trước đó, Viện này dự báo Mỹ sẽ ghi nhận 230.822 ca tử vong COVID-19 tại thời điểm ngày 1/11/2020.

Theo giám đốc IHMD, Tiến sĩ Christopher Murray, một cách thức đơn giản nhất để chống bệnh dịch và, giảm số người tử vong là đeo khẩu trang. Ông cho biết, nếu 95% người Mỹ đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, sẽ có khoảng 66.000 người Mỹ được cứu sống.

“Khẩu trang và các độ bảo hộ chống lây nhiễm virus SARS-CoV-2 khác rất cần thiết để miễn nhiễm COVID-19. Thế nhưng việc người dân không nhất quán trong sử dụng biện pháp đơn giản này là vấn đề nghiêm trọng”, ông Murray chia sẻ.

Người đứng đầu IHMD cho biết, căn cứ vào số ca mắc, tỉ lệ nhập viện và số ca tử vong mới cập nhật, nhiều bang tại Mỹ sẽ phải đối diện với gia tăng lây nhiễm COVID-19 thời gian tới, trong đó có Colorado, Idaho, Kansas, Kentucky, Mississippi, Missouri, Ohio, Oklahoma, Oregon và Virginia.

Theo số liệu cập nhật của Đại học John Hopkins, tính đến sáng 7/8 (giờ Việt Nam), Mỹ ghi nhận 160.091 ca tử vong do COVID-19.

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, nhóm chuyên gia cố vấn của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) vừa cảnh báo: Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đang có xu hướng gia tăng trên toàn quốc và đặc biệt tăng nhanh ở một số khu vực. Vì vậy, họ khuyến cáo cần phải cẩn trọng trong tình hình hiện nay.

Nhóm chuyên gia cho biết tốc độ lây lan của virus chết người này đang tăng gần bằng tốc độ lây lan trong các tháng 3 và 4, thời điểm Nhật Bản đã chứng kiến số ca nhiễm tăng mạnh. Bên cạnh đó, số lượng bệnh nhân nguy kịch cũng đang tăng dần.

Trong tuần từ 30/7 - 5/8, tỉ lệ số người dương tính với SARS-CoV-2 trên 100.000 dân ở Nhật Bản là 7,33, tăng mạnh so với con số 4,88 trong tuần từ 23 - 29/7. Đáng chú ý, tỉ lệ này đã tăng đột biến ở một số tỉnh, thành lớn. Cụ thể, vào ngày 5/8, tỉ lệ này ở Tokyo là 17,41, ở tỉnh Aichi là 14,38, ở tỉnh Osaka là 14,37, ở tỉnh Fukuoka là 16,58 và tỉnh Okinawa là 30,32.

Trong khi đó, kết quả nghiên cứu của Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe và Y khoa Toàn cầu (NCGM) cho thấy tỉ lệ tử vong vì dịch COVID-19 trong số những bệnh nhân nhập viện ở Nhật Bản thấp hơn rất nhiều so với các nước khác. Cụ thể, trong khoảng 2.600 bệnh nhân tại gần 230 cơ sở y tế trong giai đoạn từ tháng 3 - 6, chỉ có 7,5% ca tử vong. Tỉ lệ này ở Trung Quốc là 28%, ở Anh 26% và bang New York (Mỹ) là từ 21-24%. Theo NCGM, tỉ lệ tử vong thấp ở Nhật Bản một phần do có ít bệnh nhân nhập viện trong tình trạng béo phì hoặc mắc bệnh tiểu đường.

NCGM nhận định kết quả nghiên cứu trên đã củng cố bằng chứng cho thấy các bệnh nhân COVID-19 nặng thường là những người già, với tiền sử hút thuốc hoặc có các bệnh mãn tính. Những người ở độ tuổi trên 60 thường có nguy cơ có các triệu chứng nặng hơn và cần sử dụng máy trợ thở.

Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, số ca nhiễm virus SARS CoV-2 tại Ấn Độ đã vượt ngưỡng 2 triệu. Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình cho biết tính đến ngày 7/8, tổng số ca nhiễm ở nước này đã lên tới 2.027.04 ca sau khi ghi nhận thêm 62.538 ca mới trong 24 giờ qua. Trong khi đó, số ca tử vong cũng tăng lên đến 41.585 ca, với 886 ca mới ghi nhận.

Có tới 50% tổng số ca nhiễm tại Ấn Độ tập trung ở 3 bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Maharashtra, Tamil Nadu và Delhi. Cho đến tháng 6, virus SARS-CoV-2 chủ yếu hoành hành ở các đô thị lớn và gây quá tải cho các hệ thống y tế. Nay tình hình tại Ấn Độ đang thực sự trở nên tồi tệ khi dịch lan đến các thành phố và thị trấn nhỏ hơn với cơ sở hạ tầng y tế nghèo nàn. Các chuyên gia y tế cộng đồng cho rằng với dân số khổng lồ, Ấn Độ sẽ có số ca nhiễm lớn, và các biện pháp phòng ngừa là lựa chọn duy nhất cho đến khi có vaccine, đồng thời hối thúc chính phủ cần lập tức hành động, chi mạnh cho hoạt động truy dấu và xét nghiệm, cũng như áp đặt lệnh phong tỏa tại những khu vực điểm nóng.

Ngày 6/8, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro ban hành sắc lệnh yêu cầu dành 1,9 tỉ reais (tương đương 356 triệu USD) để mua và tiến tới sản xuất vaccine phòng bệnh COVID-19 đang được hãng dược phẩm AstraZeneca PLC (Anh) và các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Oxford phối hợp phát triển.

Phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến hằng tuần của Tổng thống Bolsonaro phát trên Facebook, quyền Bộ trưởng Y tế Brazil Eduardo Pazuello cho biết loại vaccine nói trên là loại "có triển vọng nhất trên thế giới" và có khả năng người dân nước này sẽ được cung cấp vaccine vào tháng 12/2020 hoặc tháng 1/2021. Ông này cũng khẳng định vaccine là giải pháp để chấm dứt đại dịch đang hoành hành trên toàn cầu.

Ông Pazuello cho biết Brazil bước đầu sẽ nhận được 100 triệu liều vaccine của AstraZeneca, đủ để cung cấp cho khoảng 50% dân số nước này, trước khi sản xuất vaccine trong nước. Với gần 3 triệu ca dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, hiện Brazil đứng thứ 2 thế giới về tổng số ca nhiễm, chỉ sau Mỹ, trong khi số ca tử vong vì dịch bệnh tại quốc gia Mỹ Latinh này hiện mức hơn 98.000 ca. Ngày 6/8, Bộ Y tế Brazil thông báo thêm 53.139 ca mắc mới và 1.237 ca tử vong trong 24 giờ qua.

Sản phẩm của AstraZeneca được coi là ứng cử viên hàng đầu trong cuộc đua toàn cầu phát triển một loại vaccine phòng COVID-19 hiệu quả. Ngày 6/8, công ty dược phẩm của Anh này đã đạt thỏa thuận sản xuất vaccine tại Trung Quốc sau khi được cấp phép. Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản cũng đang hy vọng sẽ sớm đạt thỏa thuận để đặt mua hơn 100 triệu liều vaccine của hãng dược phẩm Anh.

Theo WHO, hiện có khoảng hơn 140 loại vaccine phòng COVID-19 được phát triển, trong đó có khoảng 13 loại đang được thử nghiệm trên người.

Tại Indonesia, Giáo sư Kusnadi Rusmil, chuyên gia nghiên cứu đầu ngành thuộc đại học Bandung Padjadjaran, cho biết quốc gia này sẽ tiến hành thử nghiệm vaccine COVID-19 trên người vào tuần tới trong khuôn khổ hợp tác giữa công ty dược phẩm quốc gia Indonesia Bio Farma với công ty Sinovac Bitotech Ltd của Trung Quốc. Theo đó, giai đoạn thứ 3 của chương trình thử nghiệm vaccine dự kiến tiến hành vào ngày 11/8 với sự tham gia của 1.620 tình nguyện viên, tuổi từ 18 đến 59. Một nửa số tình nguyện viên sẽ được tiêm vaccine trong vòng 6 tháng để theo dõi, số còn lại sẽ được dùng giả dược trong cùng giai đoạn. Cho đến nay, 800 tình nguyện viên đã ký tham gia.

Hiện Indonesia đứng thứ 2 ở Đông Nam Á về số ca mắc COVID-19, sau Philippines. Tình hình dịch bệnh tại nước này vẫn diễn biến phức tạp, số ca mắc bệnh vẫn tăng mạnh. Ngày 6/8, Indonesia thông báo thêm 1.882 ca mắc mới, đưa tổng số người mắc COVID tại nước này lên 118.753 trường hợp. Trong khi đó, số ca tử vong cũng tăng thêm 69 người lên 5.521 trường hợp.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/243174/so-ca-tu-vong-vi-covid-19-tai-my-duoc-du-bao-se-som-len-300-000-ca.html