Sở Công Thương Đà Nẵng: Triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp
Trong năm 2023, Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp có hiệu quả. Bên cạnh đó, vẫn còn một số khó khăn, vấn đề cần được xem xét, giải quyết.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng, tác động của tình hình phức tạp với diễn biến khó lường của kinh tế thế giới, khu vực và trong nước, ngay từ đầu năm, Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng đã chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình công tác phân công nhiệm vụ cụ thể đến các phòng, đơn vị trực thuộc và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan để triển khai kịp thời các công việc được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và Bộ Công Thương giao, nhằm đảm bảo việc thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu của ngành, cũng như triển khai Chủ đề năm 2023 của thành phố Đà Nẵng là "Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội".
Với sự đồng lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp; sự chỉ đạo, điều hành chủ động, kiên quyết, linh hoạt của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố; sự quan tâm và hỗ trợ tích cực từ Bộ Công Thương, Sở Công Thương Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả tích cực thông qua các hoạt động, nổi bật là trong công tác quy hoạch, xây dựng và triển khai các đề án, chiến lược của ngành; trong việc triển khai các chính sách, giải pháp, phát triển công nghiệp hỗ trợ phát triển Nhà máy thông minh, trong tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nằm trong chuỗi Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu, hội nhập kinh tế quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện giải pháp tiêt kiệm năng lượng theo Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2023 của Bộ Công Thương; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, thanh toán không tiền mặt, kết nối doanh nghiệp xuất khẩu với giải pháp thương mại điện tử xuyên biên giới, tham gia triển lãm các gian hàng số, ứng dụng và nhân rộng mô hình Chợ 4.0...
Nhìn chung, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trên các lĩnh vực công đã được triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả, góp phần tích cực trong quá trình khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng. Thị trường bán lẻ thành phố tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tương đối tốt; hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất khẩu dần phục hồi và lấy lại được đà tăng trưởng; tình hình cung cấp điện, cung ứng xăng dầu trên địa bàn luôn được đảm bảo ổn định, đáp ứng được hoạt động sản xuất và nhu cầu của nhân dân thành phố.
Những vấn đề cần được xem xét
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ ngành Công Thương năm 2023 diễn ra tại Hà Nội vừa qua, đại diện Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, Đà Nẵng còn một số khó khăn và vấn đề đặt ra cần được xem xét, giải quyết để có được sự chuyển biến thực chất, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Thứ nhất, đầu tư hạ tầng thương mại trong thời gian qua tại địa phương chưa thực sự đột phá, chưa có những công trình thương mại quy mô lớn, có tính lan tỏa, tác động lớn đến sản xuất, lưu thông, tiêu dùng... của vùng và khu vực; chưa thu hút được nguồn lực từ khu vực tư nhân vào xây dựng và quản lý, khai thác chợ. Hoạt động xây mới, nâng cấp các chợ (chợ hạng 1, 2) do thành phố quản lý chưa đáp ứng yêu cầu do không thế sử dụng nguồn vốn từ ngân sách để đầu tư.
Thứ hai, trong lĩnh vực phát triển dịch vụ logistics, việc triển khai các dự án thành lập các trung tâm, khu hậu cần dịch vụ logistics đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thu hồi đất, đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo quỹ đất sạch để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư, vì các dự án trên không thuộc các trường hợp thu hồi đất theo quy định tại Điều 62 của Luật Đất đai hiện hành.
Việc nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách để hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics còn lúng túng vì thiếu cơ sở pháp lý từ Trung ương. Mặc dù thành phố Đà Nẵng định hướng logistics là một trong những lĩnh vực mũi nhọn cần tập trung phát triển nhưng những hạn chế về nền tảng pháp lý và thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ đã ảnh hưởng đến sự phát triển lĩnh vực này trong thời gian qua.
Thứ ba, hệ thống hành lang pháp lý trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới chưa thống nhất giữa các thời kỳ gây ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước cũng như quá trình phát triển của lĩnh vực.
Một số đề xuất, kiến nghị của Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng
Để góp phần tháo gỡ, giải quyết những khó khăn nêu trên, Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng có một số đề xuất, kiến nghị.
1. Đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng đề xuất bổ sung loại dự án “Đầu tư xây dựng trung tâm logistics (khu vực thực hiện các hoạt động kho bãi, vận tải, các dịch vụ logistics chuyên sâu như gia công, đóng gói, phân loại, kiểm dịch, phân phối hàng hóa nội địa, quốc tế” là một trong các trường hợp được thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, góp phần khơi thông nguồn lực, thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng logistics.
Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng cũng đề xuất bổ sung các trường hợp sử dụng đất vào mục đích xây dựng chợ, công trình năng lượng, công trình thiết chế thương mại vào đối tượng được miễn, giảm tiền thuê đất vì các công trình này được xây dựng với mục đích phục vụ trực tiếp cho đời sống người dân, mang tính chất cộng đồng và an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp.
2. Phát triển logistics
Để phát triển các loại hình dịch vụ logistics với vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong phát triển thương mại và xuất nhập khẩu, phân phối hàng hóa, dịch vụ; nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng kính đề nghị Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, trong đó quy định rõ khái niệm cụ thể, rõ ràng, thống nhất về "trung tâm logistics", "hạ tầng logistics", "dịch vụ logistics" phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế, nhất là khái niệm đang phổ biến trên thế giới về loại hình này.
3. Về quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chuyên ngành trong lĩnh vực Công Thương
Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng kính đề nghị Bộ Công Thương sớm tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng trong lĩnh vực công thương (hạ tầng cụm công nghiệp, hạ tầng thương mại..), để có cơ sở thực hiện công tác quản lý, khai thác tài sản công theo đúng quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
4. Về lĩnh vực kinh doanh xăng dầu
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 80/2023/NĐ-CP ngày 17/11/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Nghị định mở ra nhiều điểm mới, thông thoáng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, một số nội dung của Nghị định chưa được hướng dẫn cụ thể, gây lúng túng cho cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương và doanh nghiệp trong quá trình tổ chức thực hiện. Vì vậy, để tạo điều kiện cho các Sở Công Thương trong công tác quản lý, thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai, Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng kính đề nghị Bộ Công Thương sớm ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện.
5. Về quản lý chợ
Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng kính đề nghị Bộ Công Thương báo cáo, đề xuất Chính phủ sớm ban hành Nghị định phát triển và quản lý chợ (thay thế Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009) để địa phương có cơ sở quản lý và hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp trong việc đầu tư, khai thác và phát triển chợ trên địa bàn.
6. Về lĩnh vực năng lượng
Hiện nay, công nghệ xe ô tô điện đã xuất hiện tại Việt Nam, là xu hướng chung của thế giới nhằm tiến tới sử dụng năng lượng xanh, sạch. Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng đã tham mưu UBND thành phố ban hành Đề án “Đề xuất các vị trí xây dựng trạm sạc xe ô tô điện, cơ chế khuyến khích phát triển xe ô tô điện". Tuy nhiên, hiện nay các quy định, hướng dẫn về Giấy phép hoạt động điện lực, giá bán điện, tiêu chuẩn kỹ thuật trạm sạc và phòng cháy chữa cháy… vẫn chưa được ban hành. Vì vậy, kính đề nghị Bộ Công Thương sớm ban hành các quy định hướng dẫn liên quan.
Ngoài ra, Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng rất mong Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm hỗ trợ thực hiện Chương trình Nhà máy thông minh cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố trong năm 2024.