Sở Công Thương Hà Nội: Cải cách hành chính vì người dân, vì doanh nghiệp
Để tạo điều kiện cho DN mở rộng sản xuất, kinh doanh hiệu quả, thời gian qua Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy thương mại, tăng cường cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin để DN, người dân tiếp cận giấy phép nhanh nhất.
Nhiều hoạt động thúc đẩy thương mại
Theo Sở Công Thương Hà Nội, tính đến hết 10 tháng, tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ trên địa bàn Hà Nội đạt 2.040 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2017. Dự kiến năm 2018, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra doanh thu dịch vụ ước đạt 2.520 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội ước đạt 509 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9% so với năm 2017.
Nhằm phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ văn minh, hiện đại giai đoạn 2018 - 2020, TP Hà Nội đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực thương mại, do đó thu hút được một số dự án có quy mô lớn. Cụ thể, có 4 trung tâm thương mại do Tập đoàn Vingoup đầu tư tại huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì với diện tích 30,2ha, tổng vốn đầu tư 6.300 tỷ đồng; ký Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Semmaris (Cộng hòa Pháp) triển khai lập dự án nghiên cứu tiền khả thi chợ đầu mối quốc tế nông sản tại huyện Gia Lâm, quy mô 155ha; thu hút đầu tư 52 dự án lĩnh vực thương mại…
Thực tế công tác cải cách TTHC của Sở khi vận hành cũng gặp không ít khó khăn. Hầu hết các dịch vụ công trực tuyến còn đang trong quá trình mới vận hành, chạy thử, trang thiết bị máy móc còn lạc hậu nên vẫn còn vướng mắc, số lượng hồ sơ lớn nên nhiều lúc gây ra tình trạng quá tải với cán bộ… Để khắc phục những tồn tại này, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục rà soát các TTHC để sửa đổi cho phù hợp; tăng cường tháo gỡ khó khăn cho DN; đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực; nâng cao trình độ, trách nhiệm trong công tác cho đội ngũ cán bộ, qua đó phục vụ người dân và DN tốt hơn.
Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng
Nhằm thúc đẩy phát triển thương mại dịch vụ hiện đại, UBNDTP Hà Nội đặt ra mục tiêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, phát triển 52 trung tâm mua sắm, trong đó có 9 trung tâm mua sắm cấp vùng, 10 trung tâm mua sắm hạng 1, 10 khu thương mại, dịch vụ tổng hợp; 23 đại siêu thị; 111 siêu thị hạng 2, 865 siêu thị hạng 3; 595 chợ, trong đó có 24 chợ hạng 1... Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, để hoàn thành mục tiêu trên Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN. Cụ thể, trên cơ sở rà soát quá trình triển khai Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ từ năm 2012 đến nay và căn cứ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới, Sở đã xem xét điều chỉnh, cập nhật vị trí phù hợp đối với những dự án có trong quy hoạch ngành thương mại nhưng thực tế không còn quỹ đất. Đồng thời bổ sung các dự án hạ tầng thương mại đáp ứng yêu cầu phát triển thương mại, dịch vụ văn minh, hiện đại. Tập trung thu hút đầu tư, phát triển các trung tâm bán buôn, mua sắm, trung tâm thương mại vùng, khu thương mại trung tâm, dịch vụ logistics...
Tăng cường cải cách hành chính
Cùng với các hoạt động xúc tiến, thúc đẩy thương mại... Sở Công Thương Hà Nội xác định cải cách thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là nhiệm vụ trọng tâm trong việc nâng cao chất lượng phục vụ DN.
Trong thời gian qua, các TTHC thuộc lĩnh vực công thương công khai trên trang thông tin điện tử của Sở Công Thương và màn hình điện tử tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Cổng giao tiếp điện tử TP Hà Nội công bố 100% các TTHC thuộc thẩm quyền. Thời gian tiếp nhận, chuyển giao, giải quyết hồ sơ giữa bộ phận tiếp nhận với bộ phận giải quyết TTHC được thực hiện bằng phiếu kiểm soát TTHC. Đã tổ chức thực hiện 4 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 để giải quyết 6 TTHC do UBND TP Hà Nội triển khai từ năm 2017... Nhờ vậy các DN, hộ kinh doanh luôn được trả kết quả đúng thời hạn hoặc trước thời hạn. Sở Công Thương Hà Nội cũng tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cải cách hành chính. Hiện, Sở đang cung cấp 26 dịch vụ công mức độ 3 để giải quyết 6 TTHC, đồng thời triển khai chạy thử 32 dịch vụ công trực tuyến mới. Công tác rà soát TTHC được thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay Sở Công Thương Hà Nội đã trình UBND TP công bố danh mục TTHC thuộc thẩm quyền của Sở và cấp huyện, công bố mới 110 TTHC, bãi bỏ 111 TTHC cũ. Sở còn đề xuất đơn giản hóa 19 TTHC, rút ngắn thời gian thực hiện từ 15 - 40% so với quy định... Nhờ đó, từ đầu năm đến nay trong số hơn 20.000 hồ sơ nhận, thì có tới 17.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến, trả kết quả đúng hạn số hồ sơ hợp lệ đạt tỷ lệ 100%.