Sở Công Thương Hà Nội: Đảm bảo đầy đủ các loại hàng hóa thiết yếu
Chiều ngày 18/7, Sở Công Thương Hà Nội đã có thông tin liên quan đến phương án đảm bảo hàng hóa thiết yếu sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19.
Được biết, tại thời điểm này Hà Nội tương đối yên tâm với nguồn hàng đang dự dự trữ với mức tăng trưởng từ 30% đến 50%. Nếu trong điều kiện sức mua tăng nóng trong 1 vài ngày thì khả năng cung ứng hàng hóa vẫn dồi dào, ít nhất trong 7- 9 ngày sau đó tiếp tục ổn định theo chuỗi cung ứng mới cho người dân.
Hầu hết các hệ thống đều có sự chủ động về nguồn hàng, kho dự trữ tại tỉnh, cũng như dự trữ 3 tại hệ thống phân phối, tăng dự trữ tối đa trực tiếp tại siêu thị đảm bảo cung ứng ngay khi sức mua tăng nóng.
Hà Nội sẽ đảm bảo đầy đủ các loại hàng hóa thiết yếu. Ảnh : TTBCT
Hiện nay các doanh nghiệp đang thực hiện dự trữ hàng hóa theo phương án 5 của Sở Công Thương Hà Nội trong thời gian 3 tháng và tăng gấp 3 lần so với thông thường với tổng giá trị hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng ( gồm 15 mặt hàng thiết yếu), và lượng hàng hóa dự trữ cho chương trình bình ổn thị trường năm 2021 là 5.698 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các siêu thị cũng đã chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ người dân mua sắm cũng như phương tiện vận chuyển đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Giá cả chưa có sự biến động. Các doanh nghiệp vẫn đang nằm trong chương trình bình ổn của thành phố và chưa có dấu hiệu tăng giá.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện thời điểm này vẫn đang chịu những áp lực. Theo đó, nguồn nhân lực vận chuyển, bán hàng, kho. Cùng với đó vấn đề lưu thông hàng hóa trong khâu vận chuyển, mỗi địa phương chỉ đạo một cách dẫn đến khó khăn cả trong công tác xét nghiệm, con người, phương tiện vận chuyển.
Một số áp lực về giá đối với mặt hàng phía Nam và đang vận chuyển từ phía Bắc vào như: sản phẩm rau ăn lá, trứng, mặt hàng thực phẩm chế biến. Áp lực chia sẻ nguồn cung cho các tỉnh thành phố miền Nam. Nếu không cân đối thì dẫn đến thiếu hàng cục bộ, giá sẽ tăng lên. Số nhân viên trong hệ thống phân phối chưa được tiêm vắn-xin, do đó, nếu tình trạng có F1, F0 đến thì dễ lây nhiêm, dẫn đến tạm dừng đóng cửa để đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Ghi nhận ý kiến đề xuất của hệ thống phân phối, bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội đề nghị các hệ thống phân phối đã chủ động rồi thì chủ động hơn nữa, nắm sát tình hình chống dịch của thành phố để chủ động nguồn cung, phục vụ nhu cầu, không để đứt gãy, thiếu hàng cho người dân. Đồng thời, có phương án cụ thể chi tiết về điều tiết hàng hóa trong hệ thống, vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh về, chủ động lấy thêm nhà cung cấp.
Sở Công Thương sẽ phối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cung cấp danh sách cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19, phân luồng cho người dân giãn cách khi vào siêu thị mua hàng.