Sở Công thương làm việc với các doanh nghiệp về tình hình dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024
Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Công thương và UBND tỉnh về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, chiều 25/1, Sở Công thương đã tổ chức đoàn công tác làm việc với các đơn vị, doanh nghiệp phân phối hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh.
Làm việc với Công ty TNHH Thủy Long Hà Nam, Siêu thị Lan Chi (Lý Nhân); siêu thị Winmart (thành phố Phủ Lý), đoàn đã nghe các đơn vị, doanh nghiệp báo cáo nhanh về kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm 2023, kế hoạch kinh doanh năm 2024; tình hình dự trữ hàng hóa, sự biến động về giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024…
Các doanh nghiệp cho biết, để đảm bảo bình ổn thị trường dịp Tết, ngay từ đầu tháng 11 âm lịch, các doanh nghiệp đã nhập về kho đủ lượng hàng hóa để tham gia chương trình bình ổn thị trường Tết. Các doanh nghiệp cũng đã làm việc với các đơn vị cung ứng để chủ động nguồn hàng khi cần bổ sung, đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân.
Cụ thể, dịp Tết này, siêu thị Lan Chi chuẩn bị nguồn hàng hóa dự trữ tăng khoảng 10% so với dịp Tết Nguyên đán 2023, bao gồm 0,5 tấn gạo; xấp xỉ 14 tấn bánh, kẹo; 2,3 tấn rượu, bia; trên 0,8 tấn thịt lợn, gà, bò, thủy hải sản; 9 tấn đường trắng, dầu ăn... Công ty TNHH Thủy Long Hà Nam dự trữ 20.000 tấn thóc và gạo các loại; siêu thị Winmart dự trữ 1 tấn gạo; 10.000 hộp, gói bánh, kẹo; 4.500 lon, chai bia, rượu; 3,6 tấn thịt lợn, gà, bò, thủy hải sản; 0,5 tấn đường ăn. Bên cạnh nguồn hàng hóa dồi dào, các siêu thị còn áp dụng nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá hấp dẫn nhằm kích cầu tiêu dùng.
Qua buổi làm việc, đoàn công tác của Sở Công thương đánh giá cao sự chủ động, tích cực của các doanh nghiệp trong việc dự trữ hàng hóa, tham gia chương trình bình ổn thị trường dịp Tết. Đồng thời đề nghị, trong thời gian tới, tùy thuộc vào tình hình thực tiễn mức độ tiêu thụ hàng hóa trên thị trường, các doanh nghiệp cần phương án điều chỉnh, bổ sung nguồn hàng với giá bán bình ổn, chất lượng đảm bảo, đẩy mạnh các chương trình khuyến mại, giảm giá để tăng sức mua, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.