Sở Công Thương tỉnh Thái Bình: Đồng hành cùng doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai kích cầu tiêu dung nội địa
Cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành cùng cộng đồng doanh nghiệp, đến giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, Sở Công Thương Thái Bình đã gặt hái được những thành tựu ấn tượng.
Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XX, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Sở Công Thương Thái Bình đã quán triệt, triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp theo đúng định hướng của tỉnh.
Chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Mới nhất, trong năm 2023, ngành Công Thương đã tích cực triển khai, thực hiện tốt các mặt công tác được giao của ngành, thực hiện nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo, kết luận của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh kịp thời, hiệu quả; chủ động thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo thẩm quyền và kịp thời tham mưu, đề xuất cấp trên xử lý các vấn đề phát sinh, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao của ngành Công Thương.
Cụ thể, về công nghiệp, với việc triển khai nhiều giải pháp linh hoạt và đồng bộ, sản xuất công nghiệp năm 2023 đã đạt được một số kết quả khả quan. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2023 ước đạt 103.750 tỷ đồng, tăng 8,5%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2023 ước tăng 10,55%. Tuy không đạt kế hoạch đề ra nhưng tính chung năm 2023, IIP tỉnh Thái Bình ( tăng 10,55%) cao hơn nhiều so với bình quân chung cả nước.
Một số lĩnh vực như: Sản xuất điện, sản xuất sản phẩm sắt thép, … tăng cao so với năm trước đã góp phần vào tăng trưởng ngành công nghiệp trên địa bàn. Một số vấn đề, dự án tồn đọng, kéo dài được tích cực xử lý; một số dự án đầu tư có quy mô lớn đi vào hoạt động: Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, nhà máy Lotes, nhà máy sợi An Ninh, nhà máy sợi công nghệ cao Dragontextiles2, …
Về thương mại, năm 2023, tình hình dịch Covid-19 về cơ bản đã được kiểm soát, các doanh nghiệp, nhà phân phối, các chợ truyền thống, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bách hóa tổng hợp… hoạt động bình thường trở lại, nguồn cung dồi dào, giá cả các mặt hàng thiết yếu cơ bản ổn định. Hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh cơ bản vẫn ổn định dù có nhiều thời điểm giá xăng tăng cao, nguồn cung vẫn đảm bảo, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu duy trì hoạt động kinh doanh đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Hệ thống chợ truyền thống, các siêu thị, trung tâm thương mại cửa hàng bán lẻ trên địa bàn tỉnh hoạt động có hiệu quả, thực hiện nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng, tháng khuyến mại tập trung, chương trình bình ổn thị trường nguồn cung hàng hóa dồi dào, đa dạng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân, bảo đảm hàng hóa lưu thông.
Ngoài giao dịch truyền thống, hiện nay nhiều cơ sở đã áp dụng số hóa, thương mại điện tử vào hoạt động kinh doanh góp phần đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.
4 nhóm giải pháp trọng tâm
Năm 2024, ngành Công Thương phát triển trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức hơn là thuận lợi khi kinh tế thế giới tiếp tục được dự báo sẽ tăng trưởng chậm hơn do lãi suất ở mức cao và giá năng lượng cao hơn trước những bất ổn về chính trị; cầu tiêu dùng thấp, lạm phát tăng cao… Trong khi đó, dư địa cho tăng trưởng ngành công nghiệp, thương mại của tỉnh trong năm 2024 tương đối thấp.
Để hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu năm 2024, tạo tiền đề cho các năm tiếp theo, ngành Công thương Thái Bình quyết tâm thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như:
Thứ nhất, nhóm giải pháp về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, hỗ trợ các dự án lớn đi vào hoạt động. Sở sẽ phối hợp với các ngành liên quan tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất công nghiệp hiện có, các dự án mới đầu tư đi vào sản xuất ổn định, khai thác tốt công suất thiết bị và hiệu quả đầu tư.
Hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ các dự án Công nghiệp chế biến, chế tạo để đưa vào hoạt động trong năm 2024: Nhà máy công nghệ Accelotech Vina, nhà máy công nghệ Hongxi Việt Nam, Nhà máy Ohsung Vina giai đoạn 2, nhà máy công ty TNHH Jiang Men Technology Bắc Việt…
Đôn đốc nhà đầu tư hạ tầng đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, nhất là xây dựng hệ thống xử lý chất thải, nước thải tập trung để thu hút đầu tư thứ cấp; tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình đầu tư, xây dựng và hoạt động trong cụm công nghiệp.
Đảm bảo tiến độ đầu tư, xây dựng các công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định. Hỗ trợ nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 hoạt động sản xuất ổn định; hỗ trợ các điều kiện cần thiết để triển khai Dự án điện khí LNG…
Thực hiện có hiệu quả các đề án Khuyến công từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương nhằm tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn, phát triển sản xuất.
Thứ hai, nhóm giải pháp về phát triển thương mại nội địa. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được UBND tỉnh giao tại: Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch số 85/KH-UBND ngày 23/6/2021 về triển khai thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Thường xuyên nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực thương mại để kịp thời đưa ra những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đẩy mạnh triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng trên địa bàn tỉnh (tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức các Chương trình khuyến mại, giảm giá, tri ân khách hàng nhằm kích cầu tiêu dùng…). Tăng cường công tác xúc tiến thương mại hỗ trợ các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu của tỉnh kết nối tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước; Quảng bá, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh trên sàn Giao dịch Thương mại điện tử của tỉnh, kết nối các kênh bán hàng trực tuyến, online cho các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh.
Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử nhằm hiện đại hóa quy trình kinh doanh, xây dựng chuỗi cung ứng thông minh, định hướng gắn kết đến thị trường khu vực, thị trường trong nước và quốc tế.
Phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai thực hiện các biện pháp nhằm bình ổn, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa.
Thứ ba, nhóm giải pháp về đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu. Sở sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn; tạo điều kiện thuận lợi và ưu tiên thu hút các dự án sản xuất hàng xuất khẩu mà tỉnh có lợi thế, hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của các sản phẩm nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trên địa bàn. Duy trì mối quan hệ với các thị trường truyền thống, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận với các thị trường mới, thị trường có tiềm năng.
Hỗ trợ cung cấp thông tin cho doanh nghiệp kịp thời tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản thâm nhập vào các thị trường mới.
Thứ tư, nhóm giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Sở phấn đấu nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và ý thức chấp hành gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; tiếp tục đổi mới lề lối, phương thức làm việc của cán bộ, công nhân viên chức. Đẩy mạnh cải cách hành chính lĩnh vực công thương, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số vào quản lý và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp để nâng cao vị trí xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI).
Thời gian tới, Sở Công Thương Thái Bình mong muốn Bộ Công Thương hướng dẫn việc triển khai thực hiện đối với các dự án điện mặt trời nói chung và điện mặt trời mái nhà nói riêng. Xây dựng cơ chế, chính sách về việc cho thuê phần mái của các công trình được đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công, cơ chế khuyến khích, hỗ trợ về tài chính nhằm thu hút các nguồn lực, nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia phát triển điện mặt trời mái nhà.
Đồng thời, sớm ban hành thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình kết cấu hạ tầng thương mại để thay thế Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM ngày 24/9/2004 của Bộ Trưởng bộ Thương Mại (nay là Bộ Công Thương) về ban hành quy chế siêu thị, trung tâm thương mại, và hướng dẫn tiêu chuẩn, quy chế quản lý một số loại hình kết cấu hạ tầng thương mại đã xuất hiện như: Cửa hàng xanh, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng outlet, trung tâm outlet…