Sơ cứu răng rơi khỏi ổ đúng cách khi gặp tai nạn chấn thương răng

Chấn thương răng khiến rơi răng vĩnh viễn khỏi ổ răng là một tình huống lâm sàng khá phổ biến trên thực tế. Việc xử trí cấp cứu và kế hoạch điều trị thích hợp rất quan trọng, điều này sẽ tiên lượng tốt, giúp người bệnh không bị mất răng.

Nhiều nguyên nhân khiến rơi răng vĩnh viễn khỏi ổ răng

Chấn thương răng khiến rơi răng vĩnh viễn khỏi ổ răng có thể gặp ở mọi đối tượng, mọi lứa tuổi, xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Nguyên nhân thường gặp là do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt hoặc sang chấn khi ăn nhai… Rơi răng vĩnh viễn khỏi ổ răng chiếm tỉ lệ từ 0,5 - 3% trong tất cả các loại chấn thương răng. Xử trí cắm lại răng vào xương ổ là điều trị được lựa chọn trong mọi tình huống, nhưng không phải lúc nào cũng thực hiện được ngay lập tức.

Việc xử trí cấp cứu và kế hoạch điều trị thích hợp rất quan trọng, điều này sẽ giúp tiên lượng tốt. Cũng có một số trường hợp cá biệt không có chỉ định cắm lại răng vào xương ổ ví dụ như: Người bệnh bị sâu răng nặng, bệnh nha chu, bệnh nhân không hợp tác, các bệnh lý toàn thân nghiêm trọng như tình trạng ức chế miễn dịch…

Cách sơ cứu đúng khi răng rơi khỏi ổ răng tại hiện trường

Trên thực tế cho thấy răng vĩnh viễn rơi khỏi ổ là một trong số ít những trường hợp cấp cứu thực sự trong nha khoa. Nếu như răng đã rơi ra khỏi ổ, phải chắc chắn đó là răng vĩnh viễn (không nên cắm lại răng sữa) thì cần phải xử trí đúng cách.

Trước hết khi va chạm, tai nạn, hay vấp ngã... người bệnh cần giữ bình tĩnh.

Sau đó tìm lại răng và nhặt lên bằng cách nắm vào thân răng (phần màu trắng). Tránh chạm vào chân răng.

Trường hợp nếu răng bị bẩn, rửa sơ dưới vòi nước chảy (tối đa 10 giây) và cắm lại vị trí cũ.

Một khi đã cắm lại răng vào vị trí thì giữ yên răng đúng vị trí.

Nếu không làm được hay vì những lý do khác mà không thể cắm lại răng vào ổ răng (ví dụ như người bệnh bất tỉnh), thì nên cho răng vào một cốc sữa hay vào một môi trường bảo quản thích hợp và mang theo cùng với bệnh nhân đến cơ sở y tế.

Nếu người bệnh còn tỉnh, có thể bảo quản răng trong miệng bằng cách giữ răng bên trong môi hoặc má (trừ bệnh nhi còn quá nhỏ, trẻ có thể nuốt luôn răng đã rơi) sau đó cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được xử trí đúng.

Chấn thương răng khiến rơi răng vĩnh viễn khỏi ổ răng có thể gặp ở mọi đối tượng.

Chấn thương răng khiến rơi răng vĩnh viễn khỏi ổ răng có thể gặp ở mọi đối tượng.

Điều trị răng vĩnh viễn rơi khỏi ổ răng

Nhiều người bệnh khi va chạm rơi mất răng thì không nhặt lại và nghĩ rằng sẽ cắm răng giả thay thế. Điều sai lầm này sẽ khiến người bệnh mất răng thật của mình. Trên thực tế nếu răng vĩnh viễn rơi khỏi ổ răng nếu được sơ cứu đúng, thì việc cắm răng lại ổ là hoàn toàn không khó.

Tuy nhiên, việc lựa chọn điều trị liên quan đến sự trưởng thành của chân răng (răng đã đóng chóp hay chưa) và tình trạng của các tế bào dây chằng nha chu. Tình trạng của các tế bào phụ thuộc vào môi trường bảo quản và thời gian răng tồn tại bên ngoài miệng.

Thời gian để răng khô đặc biệt quan trọng cho sự sống của các tế bào. Nếu răng để khô trong 60 phút hoặc hơn, các tế bào dây chằng nha chu bị chết.

Vì lý do này, thời gian để răng khô trước khi cắm lại hoặc cho vào môi trường bảo quản là rất quan trọng.

Việc cắm lại răng vĩnh viễn như thế nào là điều băn khoăn của nhiều người. Dưới đây là từng bước thực hiện của các bác sĩ nha khoa về vấn đề này.

Cắm lại răng được phân làm hai loại:

+ Cắm lại răng tức thì: Tức là khi dây chằng nha chu của răng rơi ra ngoài vẫn còn sống. Thời gian của cắm lại răng tức thì là trong vòng 1 tiếng sau khi răng bị rơi ra mà không được bảo quản, hoặc 6 - 12 giờ khi răng được bảo quản, thậm chí lên tới 24 giờ khi sử dụng dung dịch bảo quản chuyên dụng.

+ Cắm lại răng trì hoãn: Tức là khi dây chằng nha chu của răng rơi ra ngoài, nhiều khả năng đã bị hoại tử.

- Kiểm soát huyệt ổ răng

Các bác sĩ sẽ bơm rửa và làm sạch huyệt ổ răng, sau đó đánh giá và kiểm soát tình trạng huyệt ổ răng. Nếu mọi thứ thuận lợi các bác sĩ sẽ cấy răng trở lại vị trí ban đầu. Các nha sĩ sẽ dùng dụng cụ thích hợp lấy răng bị bật nhổ ra khỏi dung dịch nuôi dưỡng và đặt vào huyệt ổ răng theo giải phẫu ban đầu. Kiểm tra khớp cắn, đảm bảo răng không chạm mặt phẳng cắn.

- Cố định răng

Sau khi xử lý ổ răng, đặt răng vào ổ răng rồi cố định ngay càng sớm càng tốt. Tùy điều kiện có thể sử dụng phương pháp cố định nẹp vào các răng lân cận. Thời gian cố định từ 10 – 14 ngày. Có thể chụp phim để xác định răng đã đúng vị trí hay chưa trước khi cố định. Cố định bằng chỉ thép có ưu điểm điểm vững hơn, tuy nhiên khó vệ sinh răng miệng và đôi khi tạo thành túi nha chu.

Sau khi cố định cần lưu ý việc kiểm tra vướng cộm ở các tư thế vận động hàm và mài chỉnh các điểm vướng cộm.

Người bệnh cần lưu ý gì?

Tôi phải chăm sóc răng như thế nào, ăn uống ra sao… là câu hỏi của nhiều người bệnh băn khoăn sau khi cắm răng rơi khỏi ổ.

Trên thực tế, việc rơi răng ra khỏi ổ cũng là một trong tai nạn, vì vậy, người bệnh cần chăm sóc răng đúng cách sau khi cắm lại, để quá trình lành thương nhanh hơn, hạn chế các chấn thương sau đó.

- Không được nhai trên răng cắm ghép trong 1 tuần, vì răng cần nghỉ ngơi để hồi phục. Cần ăn các loại thức ăn được chế biến mềm, dễ nuốt cho đến 2 tuần. Sau đó thì ăn uống lại bình thường.

- Không dùng ngón tay để kiểm tra răng có cứng hay không.

- Sau khi cắm răng người bệnh vẫn có thể tập luyện thể thao nhẹ nhàng, nhưng tránh tham gia những môn thể thao đối kháng.

- Cần chải răng bằng loại bàn chải mềm sau mỗi bữa ăn, sử dụng nước súc miệng mỗi ngày 2 lần, người bệnh cần tái khám kiểm tra định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm 1 lần.

Mời độc giả xem thêm video:

Một ngày bạn nên ăn bao nhiêu hộp sữa chua để không bị tăng cân-

BS Lê Thị Thương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/so-cuu-rang-roi-khoi-o-dung-cach-khi-gap-tai-nan-chan-thuong-rang-169230616103916492.htm