Sợ dịch, nhiều hộ chăn nuôi lợn chưa dám tái đàn
Mặc dù giá thịt lợn ở một số siêu thị có nhỉnh hơn tại các chợ dân sinh nhưng nhiều người dân vẫn chấp nhận mua. Để bình ổn giá thị trường, Bộ NN&PTNT đã đưa ra nhiều phương án hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chăn nuôi lợn tái đàn…
Giá lợn hơi chỉ từ 72.000 đồng/kg
Ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, sau khi Bộ NN&PTNT đưa ra nhiều biện pháp để hạ giá thịt lợn hơi, đến nay, giá thịt lợn hơi trên thị trường đã hạ xuống mốc trên 70.000 đồng/kg.
Cụ thể, giá thịt lợn hơi của Tập đoàn Dabaco Việt Nam 76.000 đồng/kg thấp nhất là 73.000 đồng/kg, tùy theo vùng. Giá thịt lợn hơi của Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam cũng đã giảm 3.000 đồng/kg cho tất cả các khách hàng (từ ngày 15/2)…
Không chỉ riêng khối doanh nghiệp, qua khảo sát cho thấy, giá thịt lợn hơi tại các hộ chăn nuôi, vùng chăn nuôi đều đồng loạt giảm giá, cán mốc 72.000 đồng/kg hơi. Bà Trần Thị Hảo (43 tuổi, tiểu thương tại chợ Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, hiện nay, giá thịt lợn hơi tại khu vực Lập Thạch đã xuống mức 76.000 đồng/kg hơi. Còn giá bán thịt thành phẩm tại chợ thì đã giảm ít nhất 70.000 đồng/kg so với thời điểm giá thịt biến động mạnh do dịch tả lợn châu Phi.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Thiện, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam (từng là nơi nuôi lợn lớn nhất miền Bắc) cho biết: "Hiện nay, giá thịt lợn hơi tại địa phương chỉ từ 72.000 - 75.000 đồng/kg, tùy loại lợn. Lợn đẹp, có trọng lượng từ 130 – 150 kg và nhiều nạc thì có giá hơi là 75.000 đồng/kg, lợn có trọng lượng thấp hơn từ 80 – 125kg thì giá hơi là 74.000 đồng/kg. Trọng lượng thấp và ít nạc thì giá từ 72.000 – 73.000 đồng/kg. Thịt lợn hơi hạ giá thì giá thịt thành phẩm cũng hạ. Dao động từ 130.000 đồng/kg đối với thịt ba chỉ, thịt mông, sấn".
Mặc dù giá thịt lợn ở các chợ dân sinh đã xuống thấp, nhưng bà Lê Thị Ánh (56 tuổi, ở Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn tìm mua thịt ở siêu thị và các cửa hàng bán lẻ. Bà Ánh cho biết: "Giá thịt lợn bây giờ đã thấp và ổn định hơn nhiều so với thời điểm trước Tết Nguyên đán nhưng do vẫn lo ngại về dịch bệnh nên tôi vẫn tìm mua ở siêu thị cho an toàn, dù giá thịt lợn ở siêu thị, cửa hàng bán lẻ có đắt hơn. Đơn cử như thịt nạc đùi, ở siêu thị thịt mát Meatdeli là 158.900 đồng/kg thì ở chợ dân sinh chỉ 130.000 đồng/kg; cũng tại siêu thị thịt mát Meatdeli, giá móng giò là 183.900 đồng/kg, thịt xay loại 1 là 152.900 đồng/kg, thịt xay loại đặc biệt là 189.900 đồng/kg thì ở các chợ dân sinh, giá các loại thịt kể trên thấp hơn khoảng 40.000 – 50.000 đồng/kg".
Trong khi đó, tại các địa phương chăn nuôi lợn, nhiều hộ chăn nuôi sợ ảnh hưởng của dịch bệnh, nên vẫn chưa dám tái đàn. Bà Nguyễn Thị Thắm (54 tuổi, xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, Hà Nam) chia sẻ: "Dịch tả lợn châu Phi đã khiến đàn lợn hơn 300 con của gia đình tôi mắc bệnh, khi dịch được kiểm soát, gia đình tôi đã tái đàn 57 con. Thời điểm cận kề Tết Nguyên đán, tôi nhận định giá thịt lợn sẽ đi xuống nên đã xuất bán cả đàn 57 con. Thời điểm bán thì giá thịt lợn hơi đang dừng ở ngưỡng 82.000 đồng/kg. Tôi dự tính là sau Tết sẽ tiếp tục tái đàn nhưng do thấy có dịch COVID-19 (nCoV) và dịch cúm gia cầm A/H5N6 xuất hiện nên gia đình tôi tạm dừng kế hoạch, nghe ngóng tình hình".
Khuyến cáo của Bộ NN&PTNT
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, nhiều tỉnh, thành phố đã chủ động tăng đàn, tái đàn rất tốt như: Bắc Giang, Phú Thọ, Bình Định, Đồng Nai… Tuy nhiên, nhiều địa phương còn e ngại và thận trọng với công tác tái đàn nên chủ trương và các biện pháp kỹ thuật mà Bộ khuyến cáo chưa được triển khai triệt để; có nhiều địa phương đến thời điểm hiện nay vẫn chưa ký thông qua kế hoạch tái đàn, một số địa phương đã hết dịch nhưng chưa công bố hết dịch để thực hiện việc tái đàn.
Đối với công tác tái đàn trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT khuyến cáo: Chăn nuôi lợn gắn với an toàn sinh học ở mức độ cao vẫn sẽ là giải pháp hữu hiệu. Hình thức chăn nuôi trang trại, công nghiệp với thế mạnh của nó sẽ từng bước thay thế và vượt trội đối với hình thức chăn nuôi nông hộ về cả đầu con, sản lượng do những thế mạnh của hình thức chăn nuôi.
Chính vì vậy, muốn tiếp tục chăn nuôi lợn, các cơ sở chăn nuôi cần đầu tư bài bản và áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học gắn với sử dụng các chế phẩm sinh học để bổ sung. Nếu không đáp ứng được điều kiện này, Bộ NN&PTNT khuyến nghị cần phải chuyển đổi sang nuôi vật nuôi khác, hoặc chuyển đổi nghề khác để bảo đảm sinh kế bền vững hơn cho người dân.
Theo các chuyên gia, mặc dù dịch tả lợn châu Phi đã cơ bản được kiểm soát nhưng thời điểm này đang giao mùa nên nguy cơ lây nhiễm bệnh rất lớn. Để đảm bảo an toàn cho việc tái đàn, các địa phương cần tăng cường hướng dẫn người chăn nuôi mua con giống ở những địa chỉ uy tín. Đối với những loại gia súc, gia cầm giống nhập từ ngoại tỉnh cần phải kiểm tra, kiểm soát kỹ nguồn gốc xuất xứ, xác nhận giống đã được cơ quan thú y kiểm dịch. Đặc biệt, chỉ được tái đàn ở những cơ sở, trang trại trong vùng công bố hết dịch.