Sổ đỏ không còn xa
Có người sống cả đời trên mảnh đất của mình nhưng chưa từng dám gọi đó là 'tài sản'. Không phải vì thiếu đất, mà vì thiếu một tờ giấy. Không phải vì vô trách nhiệm, mà vì thủ tục quá xa vời, quá mỏi mệt. Một tờ giấy mỏng, nhưng là giấc mơ kéo dài suốt cả một đời người.
Từ ngày 1/7/2025, chính quyền cấp xã được trao quyền ký cấp sổ đỏ lần đầu. Một thay đổi tưởng như nhỏ trong thủ tục, nhưng là bước tiến lớn trong cải cách hành chính. Một bước quan trọng giúp bộ máy công quyền đến gần dân hơn, dễ tiếp cận hơn, dễ chịu trách nhiệm hơn.
Thay vì phải đi xa, lòng vòng qua nhiều cấp, người dân giờ có thể đến trụ sở xã - nơi có cán bộ có thể là người trong xóm ngoài làng để làm một trong những thủ tục pháp lý quan trọng nhất đời mình. Một thay đổi nhỏ, nhưng mang ý nghĩa lớn: chính quyền không phải ở tầng nấc xa vời mà hiện diện ngay trong cuộc sống thường ngày của dân.
Với người Việt, sở hữu quyền sử dụng đất không chỉ là tài sản. Đó là căn cước, là gốc gác, là nơi neo giữ bao thế hệ. Nhưng khi thủ tục pháp lý về đất quá phức tạp, thì cả gốc gác ấy cũng có thể bị xa khỏi tầm tay. Đã từng có thời, làm sổ đỏ là hành trình vòng vo: hỏi - nộp - bổ sung - chỉnh sửa - đợi. Một chuỗi khiến nhiều người mỏi mệt, đành chấp nhận sống cả đời trên mảnh đất từ đời cha ông mình nhưng vẫn “trắng tên” không vì thiếu ý thức pháp luật, mà vì không đủ sức đi hết thủ tục.
Tại sao một quyền vốn thuộc về dân lại từng khiến dân phải vất vả đi tìm? Câu hỏi ấy không dễ trả lời, nhưng chính sách hôm nay đang dần trả lời bằng hành động. Bằng việc xóa bỏ tầng trung gian, thu hẹp khoảng cách vô hình nhưng rất thật giữa người dân và công quyền. Khi sổ đỏ được ký ngay tại xã, nơi người dân có thể hỏi, phản ánh, giám sát… thì chính quyền đã gần gũi dân thêm một bước.
Một minh chứng là phường Trần Phú (tỉnh Hà Tĩnh), địa phương đầu tiên trong tỉnh hoàn tất cấp mới và trao sổ đỏ theo mô hình chính quyền hai cấp. Sau khi tiếp nhận 103 hồ sơ từ cấp thành phố (cũ) chuyển xuống, phường đã rà soát dữ liệu, hoàn thiện quy trình. Ngày 10/7, bảy hộ dân đầu tiên đã nhận sổ đỏ ngay tại địa phương. Một con số còn khiêm tốn, nhưng đủ để chứng minh rằng, cải cách không nằm ở khẩu hiệu, mà ở cách cán bộ hành động cụ thể ngay tại cơ sở.
Trao quyền cấp sổ đỏ về xã là một bước đi cụ thể của việc tinh gọn bộ máy hành chính hai cấp, làm rõ trách nhiệm và rút ngắn khoảng cách với người dân. Không còn tầng trung gian chồng chéo, không còn hồ sơ bị “treo” vì phải chuyển qua nhiều cấp. Chính quyền xã giờ là nơi trực tiếp tiếp nhận, xử lý và trả kết quả đúng người, đúng chỗ, đúng lúc.
Tuy nhiên, để chính sách không chỉ “đẹp” trên giấy, cần sự chuẩn bị nghiêm túc: đào tạo cán bộ, hoàn thiện dữ liệu, đầu tư hạ tầng, xây dựng quy trình minh bạch. Người dân cần biết hồ sơ của mình đi đến đâu, ai phụ trách, ai chịu trách nhiệm nếu chậm trễ. Họ cũng cần có quyền phản ánh, khiếu nại, giám sát một cách rõ ràng.
Ở chiều ngược lại, cán bộ cấp xã cũng cần rũ bỏ tư duy “làm theo chỉ đạo” để thực sự làm chủ công vụ. Một chữ ký lúc này không chỉ là thủ tục hành chính, mà là lời cam kết phục vụ tận tâm. Sẽ có xã thiếu người, thiếu dữ liệu, thiếu kinh nghiệm. Nhưng đó không thể là lý do để trì hoãn cải cách. Việc trao quyền không chỉ là sự tin tưởng, mà còn là cách buộc chính quyền cơ sở trưởng thành.
Một người dân nhận được sổ đỏ không chỉ có thêm giấy tờ, mà còn có thêm quyền an cư, quyền làm ăn, quyền sử dụng mảnh đất của mình. Một xã cấp sổ đúng hạn không chỉ hoàn tất thủ tục, mà đang khôi phục lại niềm tin, thứ tài sản vô hình nhưng vô cùng quan trọng trong quan hệ Nhà nước và Nhân dân.
Sổ đỏ không còn xa… vì chính quyền đã bước lại gần dân!
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/so-do-khong-con-xa-10310222.html