Số doanh nghiệp tái gia nhập thị trường tăng cao, nhưng 'làn sóng' trả mặt bằng vẫn còn

Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại các trung tâm thương mại, tuyến phố trung tâm tiếp tục phải sang nhượng, trả lại mặt bằng thuê. Quản lý kinh doanh trên môi trường điện tử vẫn là thách thức lớn, ảnh hưởng đến hàng hóa sản xuất trong nước.

Doanh nghiệp tái gia nhập thị trường tăng cao

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 6/2024, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tiếp tục cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, cả nước có gần 119,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước.

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tiếp tục tăng cả về số lượng, vốn đăng ký và số lao động so với cùng kỳ năm trước. Cả nước có gần 80,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 744,2 nghìn tỷ đồng.

 Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại các trung tâm thương mại, tuyến phố trung tâm tiếp tục phải sang nhượng, trả lại mặt bằng thuê. (Ảnh: ST)

Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại các trung tâm thương mại, tuyến phố trung tâm tiếp tục phải sang nhượng, trả lại mặt bằng thuê. (Ảnh: ST)

Có 9/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,2%; Sản xuất phân phối, điện, nước, gas tăng 15,7%; Xây dựng tăng 2,5%; Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy tăng 13,8%; Vận tải kho bãi tăng 20,8%.

Bên cạnh đó, một số ngành khác cũng có xu hướng tăng, như thông tin và truyền thông tăng 4,9%; Hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 1,4%; Nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 8,3%; Hoạt động dịch vụ khác tăng 6,2%.

Ở chiều ngược lại, các ngành còn lại có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2023, cụ thể: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm 2,3%; Khai khoáng giảm 15,5%; Dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 12,3%; Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm giảm 5,4%; Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ giảm 4,2%; Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ khác giảm 8,4%; Giáo dục và đào tạo giảm 1,2%; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm 15,1%…

Doanh nghiệp thành lập mới đa phần có quy mô nhỏ (từ 0 – 10 tỷ đồng) với 74.311 doanh nghiệp (chiếm 92,3%, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2023), chủ yếu thuộc nhóm ngành Dịch vụ với 60.670 doanh nghiệp, chiếm 75,4% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước.

Nhóm ngành Công nghiệp và Xây dựng có 19.031 doanh nghiệp gia nhập thị trường, chiếm 23,6% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2023. Khu vực Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản ghi nhận 781 doanh nghiệp thành lập mới, chiếm 1,0% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, giảm 2,3%.

"Làn sóng" trả mặt bằng vẫn còn

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm việc với 20 hiệp hội và khảo sát khoảng 30.000 doanh nghiệp và thấy rằng, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là nhu cầu thị trường thấp, áp lực cạnh tranh và chi phí sản xuất tăng cao. Một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp khó khăn về tài chính, lãi suất vay vốn và thủ tục hành chính.

“Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại các trung tâm thương mại, tuyến phố trung tâm tiếp tục phải sang nhượng, trả lại mặt bằng thuê. Quản lý kinh doanh trên môi trường điện tử vẫn là thách thức lớn, ảnh hưởng đến hàng hóa sản xuất trong nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lo lắng.

Chưa kể, nền kinh tế còn đối mặt với những khó khăn khác, như ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro; áp lực lạm phát lớn, trong khi lạm phát thường tăng vào cuối năm và có những yếu tố tác động rất khó dự báo, đặc biệt là biến động giá cả thế giới, tâm lý, kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp; áp lực tỷ giá có thể giảm bớt trong nửa cuối năm, nhưng vẫn là thách thức lớn, tỷ lệ nợ xấu nội bảng vẫn ở mức cao, yêu cầu chính sách tiền tệ phải dành nhiều nguồn lực hơn để ứng phó…

Bên cạnh đó, thể chế, pháp luật còn có những vướng mắc, bất cập, chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn. Một số quy định, thủ tục hành chính, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện kinh doanh còn rườm rà, ách tắc, chưa được cắt giảm triệt để…

“Khó khăn, thách thức trong các tháng còn lại rất lớn. Các cấp, ngành, địa phương cần phát huy hơn nữa sự chủ động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để giữ vững đà phục hồi của nền kinh tế, thực hiện nhất quán mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/so-doanh-nghiep-tai-gia-nhap-thi-truong-tang-cao-nhung-lan-song-tra-mat-bang-van-con-post302543.html