Số doanh nghiệp thành lập mới ở Việt Nam có xu hướng tăng cao
Chiều 10-7, tại Hà Nội, Bộ KH-ĐT đã công bố 'Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019', nhằm cung cấp thông tin toàn cảnh về thực trạng phát triển doanh nghiệp theo ngành kinh tế, loại hình doanh nghiệp và theo địa phương.
Phát biểu tại lễ công bố, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, “Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam” sẽ được biên soạn và công bố thường niên, kể từ năm 2019. Đây là cơ sở để Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương có thêm thông tin trong hoạch định chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển bền vững và hiệu quả doanh nghiệp trên phạm vi cả nước và từng địa phương.
Đồng thời, đây cũng là nguồn thông tin hữu ích cho các tổ chức quốc tế, các nước, các doanh nghiệp trong đánh giá và đưa ra các quyết định đầu tư, hợp tác tại Việt Nam. “Việc công khai thông tin quan trọng, là tiền đề xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, khẳng định nỗ lực thông tin minh bạch nhất, gồm đầy đủ các loại hình doanh nghiệp.” Bộ trưởng Bộ KH-ĐT nhấn mạnh.
Bộ KH-ĐT cho biết, trong những năm qua, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động, doanh nghiệp thành lập mới tăng lên nhanh chóng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế cả nước và địa phương. Đặc biệt, 3 năm qua kể từ năm 2016, số lượng doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm đều đạt trên 100.000 doanh nghiệp. Tại thời điểm ngày 31-12-2018, Việt Nam có 714.755 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 9,2% so với cùng thời điểm năm 2017 và số doanh nghiệp thành lập mới có xu hướng tăng qua các năm gần đây.
Riêng Hà Nội có 143.119 doanh nghiệp đang hoạt động ở thời điểm nói trên, xếp thứ hai cả nước. Có 26/63 địa phương có tốc độ tăng doanh nghiệp cao hơn mức bình quân cả nước, như Bình Dương, Bạc Liêu, Bắc Ninh... Tính bình quân, Việt Nam có 14,7 doanh nghiệp trên 1.000 người dân trong độ tuổi lao động. Một số đia phương có mật độ doanh nghiệp cao như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng...
Tại thời điểm ngày 31-12-2017, tính theo lĩnh vực thì khu vực dịch vụ có số lượng doanh nghiệp lớn nhất với hơn 390 nghìn doanh nghiệp; tiếp đến là khub vực công nghiệp và xây dựng và nông, lâm nghiệp, thủy sản. Tính theo sở hữu thì có 2.486 doanh nghiệp nhà nước, khu vực đầu tư nước ngoài có 16.178 doanh nghiệp và khu vực tư nhân có 541.753 doanh nghiệp. Tổng số lao động làm việc tại doanh nghiệp là 14,51 triệu người.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ghi nhận nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong nghiên cứu, biên soạn sách trắng nói trên và nhấn mạnh, doanh nghiêp là lực lượng quyết định tăng trưởng, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. Vì vậy thông tin về doanh nghiệp là rất quan trọng để là cơ sở đầu vào giúp Chính phủ, địa phương, các cơ quan cức năng làm tốt công tác điều hành, phát triển kinh tế-xã hội.
Vấn đề đặt ra làm có tài liệu tổng hợp, với bộ tiêu chí đánh giá doanh nghiệp một cách tổng thể và nhất quán về cách sử dụng, cách hiểu giữa các cơ quan, cá nhân sử dụng. Sách trắng doanh nghiệp 2019 là bức tranh toàn cảnh doanh nghiệp, chân thực về doanh nghiệp; đáp ứng yêu cầu quan trọng này.
Sách trắng sẽ là cơ sở để cơ quan hữu quan đối chiếu, nghiên cứu, cân nhắc ra quyết định liên quan đến việc điều hành; nhất là những vấn đề có liên quan đến doanh nghiệp... Mục tiêu tổng thể hướng tới hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng gợi ý Bộ KH&ĐT, Tổng cục Thống kê tiếp tục hoàn thiện, bổ sung một số chỉ số theo hướng sâu hơn, như: Phân tích điểm mạnh, yếu của các loại hình doanh nghiệp, tính theo địa phương, ngành nghề; mức đóng góp của doanh nghiệp vào ngân sách; nhấn mạnh thông tin về thu nhập của người lao động; tốc độ tăng trong đăng ký thành lập doanh nghiệp ở cấp quốc gia, địa phương; so sánh các chỉ số với mức tương ứng của các nước khác ...
Yêu cầu chung là “con số phải biết nói”, chứa đựng đầy đủ thông tin với chất lượng cao nhất. Từ đó, ấn phẩm này sẽ được bổ sung, xuất bản hằng năm.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/kinh-te/cong-bo-sach-trang-doanh-nghiep-viet-nam-nam-2019-552711/