Sở Du lịch nói gì về thông tin du khách Thái Lan không mua vé vào Đại Nội?

Tối 16/12, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế đã chia sẻ về thông tin du khách Thái Lan không mua vé vào Đại Nội vì không được chiêm ngưỡng ngai vàng.

Theo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế và Trung tâm Bảo tồn Di tích (BTDT) Cố đô Huế, sau khi nhận được những thông tin phản ánh du khách Thái Lan không mua vé vào tham quan Đại Nội mà chỉ chụp ảnh trước Ngọ Môn rồi rời đi, 2 đơn vị này cũng đã có trao đổi thông tin với một số đơn vị lữ hành...

“Qua trao đổi với một số đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành, hiện nay việc bán sản phẩm tour du lịch đưa khách Thái Lan đến miền Trung, có tăng khá nhiều chi phí, đồng thời lại có sự cạnh tranh về giá cả giữa các đơn vị tổ chức tour, nên một số doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí tổ chức để bán được tour đến miền Trung cũng như đến Thừa Thiên Huế nói riêng”, đại diện Sở Du lịch Thừa Thiên Huế và Trung tâm BTDT Cố đô Huế cho hay.

Sở Du lịch và Trung tâm BTDT Cố đô Huế vừa có những chia sẻ thêm về thông tin du khách Thái Lan không mua vé vào tham quan Đại Nội mà chỉ chụp ảnh trước Ngọ Môn rồi rời đi vừa qua - Ảnh tư liệu

Sở Du lịch và Trung tâm BTDT Cố đô Huế vừa có những chia sẻ thêm về thông tin du khách Thái Lan không mua vé vào tham quan Đại Nội mà chỉ chụp ảnh trước Ngọ Môn rồi rời đi vừa qua - Ảnh tư liệu

Bên cạnh đó, theo 2 đơn vị trên, qua thông tin trao đổi với một số du khách Thái Lan và hướng dẫn viên, theo suy nghĩ của nhiều khách du lịch Thái Lan khi đến thăm Cố đô Huế thì phải được xem tận mắt ngai vàng của triều Nguyễn, đây là một trong những yếu tố khá quan trọng để một số khách Thái Lan quyết định vào thăm kinh thành Huế.

Tuy nhiên, hiện nay điện Thái Hòa đang được đóng cửa để bảo tồn trùng tu, không tham quan được nên khách du lịch Thái Lan chỉ chụp ảnh công trình Ngọ Môn - Kỳ Đài và dành thời gian cho những trải nghiêm sản phẩm khác của Huế như: đi xích lô theo lộ trình dài hơn, khám phá ẩm thực đường phố và mua sắm tại chợ Đông Ba... để có dấu ấn kỷ niệm lưu lại chuyến thăm Hoàng cung Huế, rồi rời đi chứ không mua vé vào tham quan.

"Một lý do khác nữa, một số đơn vị lữ hành và du khách Thái Lan không nắm rõ thông tin rằng vé vào tham quan Đại Nội không chỉ có tham quan mỗi Ngọ Môn - điện Thái Hòa mà còn có các công trình cung điện, đền miếu cũng như dịch vụ bổ trợ tham quan khác: màn hình Led chiếu về lịch sử và kiến trúc điện Thái Hòa, tái hiện một số cảnh sinh hoạt hoàng cung...", Sở Du lịch và Trung tâm BTDT Cố đô Huế chia sẻ.

Cũng theo 2 đơn vị trên, điện Thái Hòa là một điểm đến quan trọng và đã xuống cấp trầm trọng nhiều năm, vừa qua Trung ương đặc biệt quan tâm nên đã hỗ trợ nguồn lực để trùng tu khẩn cấp. Việc điện Thái Hòa, cũng như một số công trình khác trong tương lai, được trùng tu để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị bền vững và phục vụ du khách tốt hơn, là điều cần thiết. Trước khi hạ giải điện Thái Hòa, Trung tâm BTDT Cố đô Huế đã có thông báo trước.

Trung tâm cũng có nhiều giải pháp, nỗ lực để nâng cao chất lượng phục vụ du khách như: chỉnh trang môi trường cảnh quan, lắp đặt đầy đủ các biển báo, tạo APP hướng dẫn tham quan các điểm trong Đại Nội, cho in hình điện Thái Hòa với tỷ lệ 1:1 dựng ở mặt trước và sau khuôn viên đang đóng cửa của ngôi điện. Lắp đặt 1 màn hình Led trình chiếu các nội dung liên quan đến điện Thái Hòa, tạo mã QR code để cung cấp thông tin cho du khách quan tâm tìm hiểu về công trình; trưng bày triển lãm Ấn tín triều Nguyễn ở lầu Ngũ Phụng; tổ chức lễ đổi gác hàng ngày; tổ chức biểu diễn nghệ thuật ở một số khu vực trước điện Thái Hòa, Nhật Thành Lâu, Duyệt Thị Đường... Hiện sắp khai trương hệ thống vé điện tử và các dịch vụ trải nghiệm công nghệ VA, XR. Đầu năm mới 2023 sẽ trưng bày nản sao ngai vàng trên lầu Ngũ Phụng...

Phía Sở Du lịch và Trung tâm BTDT Cố đô Huế cũng cho biết, từ trước đến nay, việc đón khách thăm quan di tích vẫn diễn ra song song với công tác trùng tu, bảo tồn.

Hai đơn vị trên cũng cho biết, mặc dù điện Thái Hòa đang được trùng tu, nhưng giá vé vẫn không thể giảm do quy định mức thu phí tham quan được xây dựng đầu năm 2020 và áp dụng đến nay vẫn còn phù hợp với tình hình thực tế, phù hợp với giá trị, tầm vóc, quy mô của một quẩn thể di sản văn hóa được UNESCO công nhận.

Đồng thời mong muốn du khách, các doanh nghiệp du lịch có sự chia sẻ, góp phần vào nguồn thu cho công tác bảo tồn trùng tu Di sản văn hóa Huế.

Ngoài ra, theo 2 đơn vị trên, mức phí tham quan được xây dựng trên cơ sở đảm bảo tương đồng với mức phí tại các khu di sản thế giới được UNESCO công nhận ở trong nước và trong khu vực Đông Nam Á (áp dụng mức thu phí tham quan theo Nghị quyết 14/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế và Quyết định 57/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh).

“Chúng tôi nhận thấy thông tin về du khách Thái Lan vừa qua chỉ là một bộ phận nhỏ chứ không phải là bức tranh toàn cảnh về du khách khi đến Thừa Thiên Huế nói chung và khu Di sản Huế nói riêng.

Trên thực tế cũng có nhiều đoàn khách Thái Lan vào bên trong Đại Nội không phải toàn bộ đứng ngoài như phản ánh”- Trung tâm BTDT Cố đô Huế và Sở Du lịch cho hay.

Phía 2 đơn vị này cũng cho biết, sẽ có sự phối hợp chặt chẽ trong thời gian tới để xây dựng thêm một số sản phẩm dịch vụ có tính tương tác cao, một số hình thức trải nghiệm tìm hiểu, khám phá di sản Huế có thưởng.

Tăng cường truyền thông quảng bá, cung cấp thông tin, hình ảnh về điểm đến, các hoạt động dịch vụ tại các điểm di tích đến công chúng, du khách và các đơn vị lữ hành, khách sạn.

Phối hợp với TP Huế triển khai các hình thức hỗ trợ du khách và cung cấp thông tin khi đến địa bàn các điểm tham quan di tích nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách tham quan và trải nghiệm...

Duy Lợi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/so-du-lich-noi-gi-ve-thong-tin-du-khach-thai-lan-khong-mua-ve-vao-dai-noi-d576394.html