Sở Du lịch TP.HCM - Nhân tố quan trọng đưa TP.HCM là điểm đến sống động hàng đầu châu Á
Sở du lịch TP.HCM là đơn vị chủ đạo góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của thành phố, thúc đẩy ngành Du lịch của TP giữ vững vị thế là trung tâm du lịch lớn của cả nước và là đầu tàu của ngành Du lịch Việt Nam, thu hút lượng lớn khách quốc tế đến Việt Nam.
Đó là nhận định của Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Sở Du lịch TP.HCM (25/8/1993 - 25/8/2023) vào tối ngày 23/8/2023.
Đầu tàu của ngành Du lịch Việt Nam
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, trải qua 30 năm, Sở Du lịch TP luôn khẳng định được vai trò và vị trí của mình trong quá trình phát triển của ngành du lịch Việt Nam.
Sở du lịch TP.HCM là đơn vị chủ đạo góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của thành phố, thúc đẩy ngành Du lịch của TP giữ vững vị thế là trung tâm du lịch lớn của cả nước và là đầu tàu của ngành Du lịch Việt Nam, thu hút lượng lớn khách quốc tế đến Việt Nam, đồng thời cũng mở ra cửa sổ rộng lớn để kết nối và hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ khác trên toàn thế giới.
Dịp này, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cũng đã trao cờ truyền thống của UBND TP và chúc mừng tập thể Sở Du lịch TP, biểu dương những nỗ lực của các thế hệ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành Du lịch Thành phố qua các thời kỳ; góp phần vào thành quả chung trong xây dựng và phát triển Thành phố.
Trong chặng đường 30 năm, Sở Du lịch đã tham mưu cho Thành phố triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp giúp cho quy mô phát triển của ngành tăng nhanh chóng, trở thành trung tâm du lịch dẫn đầu cả nước về lượng khách và doanh thu du lịch.
Ngành Du lịch Thành phố cũng là nơi đề xuất nhiều bước đi sáng tạo tiên phong của cả nước như thành lập cơ quan xúc tiến du lịch, tổ chức các hội thi nghiệp vụ hướng dẫn viên, đào tạo ngoại ngữ tiếng hiếm miễn phí, thành lập lực lượng bảo vệ khách du lịch, tổ chức sâu rộng hoạt động liên kết du lịch với với các tỉnh, thành, nhiều sự kiện du lịch lớn gắn với khai thác giá trị văn hóa đặc trưng như Lễ hội Áo dài, Hội chợ Du lịch quốc tế ITE…
Tạo những sản phẩm du lịch độc đáo
Trong 6 tháng đầu năm nay, TP.HCM đã đón trên 1,9 triệu lượt khách quốc tế, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2022; đón gần 16,5 triệu lượt khách nội địa, tăng khoảng 48% so với cùng kỳ. Từ nay đến cuối năm 2023, ngành du lịch TP.HCM tiếp tục làm mới hàng loạt sản phẩm để phục vụ du khách.
Sở Du lịch TP.HCM đã hoạt động tích cực để cùng TP Thủ Đức và các quận, huyện triển khai các sản phẩm du lịch đặc trưng, phát huy thế mạnh của từng địa phương.
Chẳng hạn như phối hợp với quận 1 giới thiệu sản phẩm “Hành trình đến các di tích lịch sử văn hóa”; công bố các điểm đến du lịch đặc trưng quận 7; giới thiệu “Quận 8 - Vùng đất của những câu chuyện”; hỗ trợ quận 10 công bố 2 sản phẩm du lịch đặc trưng “Nghe kể chuyện đông y”, “Lịch sử ghi dấu”; giới thiệu “Sắc màu du lịch quận Bình Tân”…
Riêng tại huyện Cần Giờ, nổi bật với sản phẩm du lịch cộng đồng ở ấp Thiềng Liềng (xã đảo Thạnh An). Đây là sản phẩm du lịch được đánh giá là sản phẩm du lịch cộng đồng đúng nghĩa đầu tiên của TP.HCM. Nỗ lực này đã và đang được “đền đáp xứng đáng” khi số lượng khách đến huyện Cần Giờ tăng mạnh từ 20-30% so với trước đây. Điểm đến du lịch cộng đồng Thiềng Liềng có 16 dịch vụ phục vụ du khách, với các sản phẩm du lịch mang đặc trưng hệ sinh thái rừng ngập mặn và văn hóa của người dân vùng biển.
Đặc biệt, Lễ hội sông nước lần thứ nhất vừa được tổ chức rất thành công, là một hoạt động du lịch độc đáo chưa từng có ở TP.HCM. Sự thành công này đã ghi dấu ấn cho sự phát triển và sáng tạo mạnh mẽ của Sở Du lịch TP.HCM.
Trong thời gian diễn ra lễ hội từ ngày 4-6/8, TP.HCM đón khoảng 100.000 lượt khách nội địa, 54.000 lượt khách quốc tế, tăng 112,4% so với dịp lễ 30/4 và 1/5 (48.000 lượt). Về công suất phòng tăng 15% so với bình thường. Tổng số lượng khách tham gia lễ hội hơn 51.000 lượt.
Chương trình nghệ thuật "Dòng sông kể chuyện" đã thực sự tạo điểm nhấn cho Lễ hội với sự tham gia của gần 7.000 khán giả, 700 diễn viên, 2.000 bộ trang phục biểu diễn. Sân khấu chương trình dài 140m, với 50 tàu thuyền các loại, kết hợp màn biểu diễn phản lực nước flyboard; 200 drone (thiết bị không người lái) cho màn trình diễn trên bầu trời.
Trên cơ sở thành công của Lễ hội Sông nước lần thứ nhất, Ban tổ chức đã thống nhất tiếp tục triển khai xây dựng kế hoạch tổ chức Lễ hội Sông nước lần thứ hai vào năm 2024, đưa Lễ hội này thành hoạt động văn hóa - du lịch định kỳ hàng năm, vào đầu tháng 6.
Bước vào tuổi 30, lãnh đạo Thành phố kỳ vọng Sở Du lịch sẽ tiếp tục đạt được nhiều thắng lợi mới, hoàn thành những trọng trách được Đảng bộ, Chính quyền Thành phố đặt ra, trong bối cảnh toàn Thành phố đang tập trung triển khai những Nghị quyết quan trọng của Trung ương; đồng thời, tin tưởng trong chặng đường tiếp theo, du lịch Thành phố sẽ thật sự trở thành điểm đến du lịch sống động hàng đầu châu Á như Chiến lược phát triển du lịch TP.HCM đến năm 2030 đã xác định.
Hữu Long