Số F0 trong ngày liên tục lập 'đỉnh', ca tử vong không tăng
Số F0 tăng cao nhưng lượng bệnh nhân nặng và tử vong vẫn giữ ở ngưỡng tương tự thời điểm Tết Nguyên đán.
Bộ Y tế chính thức công bố giá bán thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir.
Xem xét đưa kit test Covid-19 là mặt hàng bình ổn giá.
Cả nước ghi nhận 60.338 ca mắc mới tại 62 tỉnh, thành phố trong ngày 23/2. Hà Nội chạm kỷ lục mới với 7.419 F0.
35.952.404 liều vaccine mũi 3 đã được tiêm.
Giá bán lẻ của thuốc Molnupiravir
Chiều 23/2, Bộ Y tế đã chính thức công bố giá bán thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir. Sau khi có hướng dẫn bán thuốc từ Bộ Y tế, một chuỗi nhà thuốc đã mở bán loại thuốc này từ 17h cùng ngày.
Các loại thuốc Molnupiravir có mức giá cụ thể như sau:
Thuốc Molnupiravir (400 mg) dạng viên nang cứng do Công ty Cổ phần Dược phẩm Boston Việt Nam sản xuất có giá là 11.500 đồng/viên. Dạng hộp có 1, 2, 5 vỉ x 10 viên/vỉ.
Giá của thuốc Molnupiravir (200 mg) dạng viên nang của Công ty Cổ phần hóa - dược phẩm Mekophar có giá 8.765 đồng/viên. Dạng hộp 10 vỉ x 10 viên.
Đơn vị thứ 3 được Cục Quản lý Dược Bộ Y tế công bố giá bán là Công ty TNHH liên doanh Stellapharm chi nhánh 1 có giá 12.500 đồng/viên (dạng viên nang cứng), mỗi hộp 1 vỉ hoặc 2 vỉ x 10 viên.
Hiện tại, Molnupiravir được cấp phép sử dụng tại hơn 10 quốc gia như Mỹ, Anh, Nhật Bản và tại Việt Nam.
Bộ Y tế hướng dẫn Molnupiravir được sử dụng để điều trị Covid-19 mức độ nhẹ đến trung bình ở người trưởng thành dương tính với xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng.
Thuốc được dùng trên bệnh nhân có thời gian khởi phát triệu chứng dưới 5 ngày; không được sử dụng quá 5 ngày liên tiếp; không được sử dụng dự phòng sau hay trước phơi nhiễm để phòng Covid-19.
Ngoài ra, cơ quan này cũng nêu một số trường hợp thận trọng khi dùng thuốc, bao gồm phụ nữ có thai và cho con bú, chống chỉ định ở trẻ em F0 dưới 18 tuổi. Nam giới và phụ nữ cần sử dụng phương pháp tránh thai tin cậy trong thời gian điều trị và ít nhất 3 tháng sau liều cuối cùng.
Có hiện tượng đầu cơ, găm hàng để tăng giá bán thiết bị y tế
Số ca mắc Covid-19 tăng cao, đặc biệt tại Hà Nội. Trước tình hình này, việc mua bộ kít test nhanh Covid-19 trở nên cấp bách đối với nhiều gia đình. Tuy nhiên, thị trường xuất hiện tình trạng "loạn giá" bộ xét nghiệm nhanh Covid-19.
Ông Nguyễn Minh Lợi, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, cho hay Bộ Y tế đã nắm được thông tin hiện nay có tình trạng khan hiếm cục bộ và giá cả không thống nhất đối với kit test nhanh SARS-CoV-2. Đại diện Bộ Y tế nhận định thông tin từ các kênh cho thấy có hiện tượng đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán trang thiết bị y tế bất hợp lý.
Theo ông Lợi, trang thiết bị y tế, sinh phẩm chẩn đoán xét nghiệm SARS-CoV-2 lưu hành trên thị trường phải được cấp số lưu hành hoặc giấy phép nhập khẩu theo quy định của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP.
Đồng thời, các đơn vị kinh doanh phải thực hiện công bố đủ điều kiện mua bán trang thiết bị y tế loại C, D theo quy định của Nghị định 98/2021/NĐ-CP.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ làm việc với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan để báo cáo Chính phủ xem xét đưa kit test xét nghiệm SARS-CoV-2 vào mặt hàng bình ổn giá.
Bộ cũng sẽ đăng tải các thông tin, công khai giá, công khai kết quả trúng thầu; đăng tải công khai các sản phẩm đã được cấp số đăng ký lưu hành, giấy phép nhập khẩu cũng như các sản phẩm bị thu hồi.
ThS.BS Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho rằng việc test nhanh liên tục là không cần thiết. Người dân chỉ cần test nhanh khi có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 như sốt, ho, đau họng, đau ngực. Ngoài ra, người dân nên test nhanh khi có tiếp xúc với F0.
Bác sĩ Thái cũng khuyến cáo người dân xét nghiệm nhanh nhiều lần nhưng không đúng cách thì vẫn không phát hiện được bệnh mà còn gây lãng phí và tốn kém.
Việt Nam lần đầu vượt mốc 60.000 F0
Bộ Y tế cho biết số ca mắc mới cả nước tiếp tục tăng cao với 60.338 ca mắc mới tại 62 tỉnh, thành phố trong ngày 23/2. Liên tiếp 6 ngày qua (từ 18/2 đến 23/2), số ca nhiễm SARS-CoV-2 mới tại Việt Nam đã vượt mốc 40.000 người và vẫn trên đà tăng mạnh. Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 47.264 ca/ngày.
Tuy nhiên, số mắc tăng cao nhưng số bệnh nhân nặng và tử vong vẫn giữ ở ngưỡng tương tự giai đoạn nghỉ Tết Nguyên đán. Đây là những ngày có số mắc mới thấp. Ngoài ra, số ca tử vong còn giảm nhẹ so với thời điểm này.
Các tỉnh, thành phố tại miền Bắc tiếp tục duy trì là điểm nóng trong thời gian này. Hà Nội liên tiếp dẫn đầu tổng số ca mắc trong ngày nhiều tháng qua. Ngày 23/2, thành phố này cũng chạm kỷ lục mới với 7.419 F0.
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 ngày 23/2, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết tình hình dịch bệnh ở địa phương đang diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng nhanh, trung bình 5.128 ca/ngày.
Đáng lưu ý, kết quả giải trình tự gene các ca bệnh ở thành phố cho thấy 4 trường hợp tại Bệnh viện Bạch Mai nhiễm biến chủng Omicron.
“Điều này được thành phố dự báo từ trước và đã triển khai kế hoạch ứng phó cụ thể”, ông Dũng nói. Vị này cũng cho biết 97% ca trên địa bàn là bệnh nhẹ, không triệu chứng. Hà Nội đã chuẩn bị 8.500 giường bệnh, trong đó tăng thêm hơn 1.600 giường bệnh cho trẻ em, hiện còn trống 40%.
Bên cạnh các bệnh viện Trung ương còn nhiều giường dành cho bệnh nhân Covid-19, Hà Nội có thể kích hoạt bệnh viện chuyên điều trị ngoại vi ngay khi cần thiết. Trong đó, Bệnh viện Đức Giang có thể tập trung chuyên điều trị bệnh nhân tầng 3.
Theo thông tin từ Sở Y tế, số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội tăng cao, có ngày ghi nhận hơn 6.800 ca và dự báo tiếp tục tăng trong các tuần tiếp theo. Tuy nhiên, dịch bệnh ở thành phố vẫn được kiểm soát với tỷ lệ chuyển tầng ở mức 0,36%, tỷ lệ tử vong 0,19%, số ca mắc tăng cao nằm trong dự báo của thành phố.
Đứng thứ 2 sau Hà Nội, Bắc Giang ghi nhận 2.998 F0, tăng 489 ca so với ngày 22/2. Đây là ngày thứ 2 địa phương này ghi nhận trên 2.000 F0. Tín hiệu vui là số F0 tăng nhanh nhưng Bắc Giang không ghi nhận bệnh nhân tử vong.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương, ngày 23/2, địa phương này có 2.944 ca mắc Covid-19, tăng 459 ca so với ngày 22/2. Đây là ngày có số ca mắc cao nhất từ trước tới nay. Trong ngày, Hải Dương có 3 bệnh nhân mắc Covid-19 tử vong. Tuy nhiên, đây đều là người cao tuổi, có nhiều bệnh nền, trong đó 2 người chưa tiêm vaccine phòng Covid-19.
Trong ngày 23/2, TP.HCM ghi nhận 1.451 ca nhiễm. Đây là ngày thứ 2 địa phương này có trên 1.000 F0 sau 24h. Chuyển biến dịch có tín hiệu lạc quan khi số ca tử vong giảm sâu. Ngày 23/3, thành phố này chỉ ghi nhận 3 ca tử vong, trong đó 2 ca từ địa phương khác chuyển đến.
Ngày 22/2, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM thông tin kết quả tầm soát biến chủng mới trên địa bàn phát hiện 70/92 mẫu bệnh phẩm ngẫu nhiên là Omicron. Dữ liệu mới này cho thấy khả năng biến chủng Omicron đang dần chiếm ưu thế trên địa bàn thành phố.
Về tiến độ tiêm chủng, trong ngày 22/2, cả nước có 408.611 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 192.403.472. Trong đó, tổng số mũi 3 (bao gồm mũi bổ sung và mũi nhắc lại) là 35.952.404 liều. Hiện Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu thế giới về tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.
Theo Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, đa số các tỉnh, thành phố trên cả nước đều có tỷ lệ tiêm chủng vaccine rất cao. Bên cạnh đó, một số địa phương như Thanh Hóa, Bình Dương, Quảng Bình, Quảng Nam có tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi vaccine thấp nhất cả nước. Bộ Y tế đề nghị cần tổ chức đoàn kiểm tra giám sát các địa phương tiêm vaccine thấp để hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng.