Số F0 tử vong giảm trong một tháng nhiều nơi kéo dài giãn cách
Lần đầu tiên sau một tháng, số F0 trong ngày tại Việt Nam dưới ngưỡng 9.000 ca. Lượng người khỏi Covid-19 cũng tăng nhanh, trong khi số ca tử vong giảm dần.
Ngày 20/9, Bộ Y tế công bố tổng số ca mắc mới trong ngày là 8.668, ghi nhận tại 38 tỉnh, thành phố. Đây là con số thấp nhất trong suốt một tháng qua tại Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, nhận định theo biểu đồ về số lượng ca nhiễm mới hiện nay theo công bố hàng ngày của Bộ Y tế, chúng ta có thể thấy có lẽ đã qua đỉnh dịch.
Những con số khả quan
Làn sóng Covid-19 thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4, đến nay, đã gần 5 tháng trôi qua. Bộ Y tế thống kê từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 707.436 ca nhiễm, đứng thứ 47/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 156/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 7.189 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ 27/4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 702.972 người. Trung bình 7 ngày qua, mỗi ngày Việt Nam phát hiện thêm 10.330 bệnh nhân Covid-19 mới.
Từ ngày 21/8 đến 21/9, Việt Nam ghi nhận 381.761 F0, trong đó, các ổ dịch lớn nhất vẫn là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Trong vòng một tháng qua, ngày có số bệnh nhân Covid-19 cao nhất là 27/8 với 17.409 F0, gồm 4.508 ca bệnh bổ sung. Nếu không tính ca bổ sung, lượng F0 ghi nhận trong ngày 3/9 cao nhất với 14.193 người.
Theo dõi số liệu ca bệnh hàng ngày của Bộ Y tế có thể thấy trong vòng một tuần trở lại đây, lượng F0 có xu hướng giảm. Ngày 4/9, lần đầu tiên trong một tháng, số F0 ở mốc dưới 10.000 ca. Tuy nhiên, sau đó, số lượng bệnh nhân trong ngày tiếp tục cao vượt ngưỡng này.
Đến 20/9, lần đầu tiên trong suốt một tháng qua, số F0 trong ngày của nước ta chạm đáy, xuống mức 8.668 ca, giảm 1.357 người so với ngày 19/9. Trong ngày 20/9, các địa phương vốn có lượng bệnh nhân mới trong ngày cao cũng ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều sau 24 giờ: Bình Dương (-922), TP.HCM (-325), An Giang (-187).
Ngoài ra, lượng bệnh nhân Covid-19 xuất viện tăng và thường xuyên cao hơn F0 trong ngày. Theo Bộ Y tế, tổng số người khỏi Covid-19 tính đến hết 21/9 là 475.343 ca, tăng thêm 11.017 người so với một ngày trước đó.
Trong đó, từ 21/8 đến 21/9, số người hồi phục là 329.787. Riêng ngày 26/8, Việt Nam lập kỷ lục về số bệnh nhân khỏi Covid-19 với 18.567 ca. Trung bình một tháng qua, mỗi ngày nước ta có thêm 10.449 F0 khỏi bệnh. Riêng ngày 21/9 ghi nhận 11.017 người, cao hơn 4.196 ca so với hôm 20/9.
Theo Bộ Y tế, đến ngày 21/9, Việt Nam đã có 17.545 người tử vong vì Covid-19, chiếm 2,5% so với tổng số ca mắc. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 229 người. Con số này liên tục giảm trong suốt một tháng trở lại đây.
Riêng tại TP.HCM, khu vực có nhiều ca mắc Covid-19 nhất hiện nay, tình hình điều trị ở tầng 2 và 3 của ngành y tế TP.HCM có chuyển hướng tốt, tỷ lệ ca tử vong giảm. Tuy nhiên, theo Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng, tỷ lệ bệnh nhân cần sử dụng các biện pháp can thiệp trong điều trị nặng còn khá cao. Do đó, ông đánh giá "số tử vong có giảm nhưng không quá lạc quan".
Theo PGS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trước đây, ngành y tế triển khai cách ly tập trung với mục đích chính là giảm tỷ lệ F0 tử vong tại cộng đồng và hạn chế lây nhiễm. Hiện nay, tỷ lệ vong đang dần giảm bởi số lượng bệnh nhân ngày càng ít và người dân đã được tiêm vaccine phòng bệnh.
Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.133 ca, giảm 388 người so với một ngày trước đó. Trong đó, thở oxy qua mặt nạ: 3.210; thở oxy dòng cao HFNC: 892; thở máy không xâm lấn: 160; thở máy xâm lấn: 838; ECMO: 33. Nhìn chung, số bệnh nhân Covid-19 có diễn biến nặng, cần can thiệp ECMO, thở máy có xu hướng giảm trong nhiều ngày. Đặc biệt, số bệnh nhân thở oxy dòng cao HFNC giảm mạnh (từ 1.164 ca xuống 882 ca).
Tuy nhiên, số ca mắc đang điều trị vẫn giữ ở mức trên 5.000 ca, lượng bệnh nhân thở oxy không xâm lấn tăng, đến ngày 21/9 bắt đầu giảm mạnh.
Trước đó, Bộ Y tế nhận định song song với việc giảm số ca mắc, nhiệm vụ giảm tỷ lệ tử vong được đặt ưu tiên hàng đầu. Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 ngày 11/9, Bộ Y tế cho hay số lượng bệnh nhân Covid-19 tử vong trung bình theo ngày trên toàn quốc tuần qua cũng đã giảm 30%.
Tỷ lệ này tại một số điểm nóng của dịch cũng giảm như TP.HCM (giảm 30%), Đồng Nai (giảm 50%), Long An (giảm 30%), Tiền Giang (giảm 70%).
Trong một tháng qua, Việt Nam cũng áp dụng đồng loạt các biện pháp chống dịch cao nhất, từ việc tập trung tiêm vaccine phòng Covid-19, nhiều chiến lược giãn cách, khoanh vùng, cách ly phù hợp. Việc phân tầng điều trị cũng được áp dụng triệt để, khoa học hơn, tránh được tình trạng F0 diễn biến nặng chuyển tầng trên, gây quá tải cho các bệnh viện tuyến cao hơn.
Đặc biệt là giải pháp không tập trung cách ly F0, cách ly F1 và điều trị F0 không triệu chứng tại nhà. Đây là phương án hoàn toàn mới, lần đầu được áp dụng tại Việt Nam. Quyết định này dựa trên thực tiễn số F0 ngày càng nhiều, điều trị tại nhà cho các bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng là cách giảm tải áp lực cho hệ thống y tế.
Lựa chọn sống chung với Covid-19, mở cửa dần dần
Trong cuộc họp với các tỉnh, thành phố áp dụng Chỉ thị 16 chiều 29/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh "không để kéo dài giãn cách xã hội". Ngành y tế và hàng loạt cơ quan chính quyền cũng đang từng bước mở cửa từng phần, chung sống với Covid-19.
Theo GS Nguyễn Đức Khương, Phó giám đốc phụ trách nghiên cứu, IPAG Business School (Paris - Pháp) và Chủ tịch AVSE Global (Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu), hiện nay, rất khó để Việt Nam đưa lây nhiễm cộng đồng về mức 0, do đó nên tập trung vào 2 “mặt trận” phía sau: Chọn giảm thiểu tỷ lệ tử vong là trọng tâm, đồng thời chăm sóc những yếu tố về tinh thần, an sinh xã hội và khôi phục dần huyết mạch của nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh.
Vị chuyên gia cho rằng yếu tố then chốt quyết định việc mở cửa là các con số dịch tễ chứ không phải là áp lực về ngày tháng. Để sống chung với dịch an toàn thì đa số các nước đều hướng tới tiêm ngừa vaccine với độ bao phủ đủ lớn. Trước khi tiêm được nhiều, các nước có biện pháp thích ứng khác nhau.
GS Khương cho rằng phải xác định tâm lý sống chung và kiểm soát dịch bệnh, tránh thái độ kỳ thị với những người nhiễm bệnh, không nên quá tập trung nguồn lực vào F0 không triệu chứng mà nên quan tâm đến các bệnh nhân nặng.
Với ngành y tế, PGS Nguyễn Lân Hiếu đề xuất: "Trong chiến dịch tiếp theo, chúng ta cần thay đổi và triển khai cách ly tập trung, không phải trong khu cách ly mà là trong bệnh viện. Các khu cách ly sẽ giải tán và nơi nào đủ điều kiện sẽ trở thành bệnh viện tầng 1, tập trung thêm y bác sĩ và thuốc men, trang thiết bị, oxy. Người bệnh có triệu chứng, có yếu tố nguy cơ sẽ được điều trị sớm và tích cực”.
Các trường hợp được cách ly tại nhà bao gồm F0 không triệu chứng, đã tiêm vaccine và người bệnh không có yếu tố nguy cơ.
Về vấn đề xét nghiệm, ông cho rằng vấn đề lượng người nhiễm không đáng quan ngại bằng tỷ lệ dương tính. Nếu tỷ lệ dương tính qua xét nghiệm tại cộng đồng ở mức trên 1%, đây là tỷ lệ nguy hiểm. Lúc này, điều quan trọng nhất là phải lập tức khoanh vùng, đưa bác sĩ và điều dưỡng đến để kịp thời theo dõi.
Các vị chuyên gia cho hay ngay cả khi mở cửa trở lại, người dân vẫn cần bảo vệ triệt để vùng xanh bằng những biện pháp phòng dịch, tuân thủ 5K. Đây là chìa khóa để chúng ta chung sống an toàn, lâu dài với Covid-19.