'Sờ gáy' pháp nhân thương mại
Sắp tới đây, không chỉ đại diện pháp nhân thương mại mà pháp luật còn đưa ra hình thức chế tài rõ ràng đối với pháp nhân thương mại hoạt động sai phạm
So với luật cũ, pháp luật hình sự hiện hành - Bộ Luật Hình sự 2015 quy định 33 tội danh cụ thể mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự. Số tội danh trên tập trung trong nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và tội phạm môi trường. ThS Bạch Ngọc Du (chuyên gia pháp luật) nhận định quy định mới góp phần bảo đảm thực thi các cam kết, nghĩa vụ trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Phạt tiền và đình chỉ hoạt động
Theo chuyên gia Bạch Ngọc Du, quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại bảo đảm tính thống nhất chung trong hệ thống pháp luật hiện hành. Lần đầu tiên, luật hình sự nước ta nêu rõ hệ thống hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội, với 2 hình phạt chính: phạt tiền, đình chỉ hoạt động (có thời hạn hoặc vĩnh viễn). Ngoài ra, pháp nhân thương mại phạm tội có thể chịu nhiều hình phạt bổ sung, như: cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn…
Bên cạnh hệ thống chế tài, những người thi hành luật còn quan tâm đến vấn đề thi hành án. Dự thảo Luật Thi hành án hình sự nhắc tới việc thi hành án đối với pháp nhân thương mại tại điều 160 - điều 168. Góp ý dự thảo, Phó Chánh án TAND TP HCM Đỗ Khắc Tuấn nhất trí nội dung dự thảo, giao cơ quan thi hành án hình sự làm đầu mối, quản lý thi hành án. Thẩm phán Đỗ Khắc Tuấn nhấn mạnh đây là nội dung mới, chưa có thực tiễn, chủ thể thi hành án là đặc thù. Vì vậy, cơ quan chức năng nên cẩn trọng. Về quy định cụ thể các hình phạt đối với pháp nhân thương mại, thẩm phán góp ý dự thảo luật chỉ cần quy định chung, bởi luật quy định quá chi tiết về vấn đề chưa xuất hiện trong thực tế sẽ khiến quá trình thi hành gặp khó khăn. Những quy định chi tiết về thi hành án đối với pháp nhân thương mại sẽ do Chính phủ đảm nhiệm ban hành.
Đã xử nghiêm đại diện pháp nhân
Từ trước tới nay, tùy tính chất từng vụ việc, mức độ sai phạm và khoản tiền hưởng lợi (nếu có), cơ quan pháp luật đưa ra hình thức xử lý khác nhau về hành vi sai phạm.
Mới đây, TAND TP kiến nghị cơ quan công an xử lý hình sự đối với hai chủ doanh nghiệp cho mượn pháp nhân doanh nghiệp trong một vụ án buôn lậu. Từ năm 2014, bà Nguyễn Thị Minh Hà làm giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Phương Luxury (trụ sở tại quận 3, TP HCM). Khi pháp luật "sờ gáy" trong một vụ buôn lậu, giám đốc Nguyễn Thị Minh Hà giải thích bà không nắm quyền hành. Thực tế, mọi hoạt động tại công ty đều do ông Nguyễn Thanh Phương chi phối. Ông Phương cùng đồng phạm sử dụng pháp nhân Công ty TNHH MTV Nam Phương Luxury làm thủ tục hải quan, nhập khẩu trái phép hàng hóa. Cùng mục đích thông quan hàng hậu, nhóm tội phạm do Phương cầm đầu còn mượn thêm pháp nhân Công ty Hiệp Bình Phước do ông Nguyễn Đoàn Anh Vỹ làm đại diện pháp luật. Ông Vỹ thừa nhận bản thân đóng dấu khống trên giấy tờ, giao chữ ký số. "Họ (nhóm tội phạm - PV) hứa trả phí 1 triệu đồng/container" - giám đốc Vỹ khai nhận.
Tuy nhiên, thẩm phán Ngô Ngọc Thắng, chủ tọa phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án buôn lậu, phân tích: "Mặc dù bà Hà và ông Vỹ đều cho rằng bản thân không biết ba bị cáo thực hiện hành vi nhập khẩu hàng hóa trái pháp luật nhưng bà Hà và ông Vỹ là người đại diện pháp luật của công ty, cho các đối tượng dùng tư cách pháp nhân công ty nhập lậu hàng hóa, đưa chữ ký số cho các đối tượng mở tờ khai hải quan điện tử. Như vậy, hai giám đốc doanh nghiệp đã bỏ mặc hậu quả xảy ra".
Gây hậu quả nghiêm trọng hơn, ba bị cáo từng lãnh đạo doanh nghiệp cùng lãnh án về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", gồm: Phạm Văn Chính, Hoàng Văn Cường, Đỗ Minh Quang. Tòa án khẳng định là đại diện pháp nhân doanh nghiệp ký hợp đồng tín dụng và nhiều giấy tờ liên quan, ba bị cáo phải bồi thường khoản tiền thiệt hại bên cạnh án phạt tù. Ba bị cáo ký khống nhiều giấy tờ nhằm hợp thức hóa hồ sơ vay vốn, khiến ngân hàng thiệt hại gần 200 tỉ đồng. Tại tòa, ba bị cáo đồng loạt khai rằng một người đàn ông (hiện đã xuất cảnh) ra mặt thuê họ đứng tên pháp nhân công ty.
Pháp nhân thương mại được hiểu thế nào?
Điều 75, Bộ Luật Dân sự năm 2015, quan niệm pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Pháp nhân thương mại gồm: doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại thực hiện theo quy định của bộ luật này, Luật Doanh nghiệp và những quy định khác có liên quan.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/phap-luat/so-gay-phap-nhan-thuong-mai-20190717210732657.htm