Sở GD&ĐT HN thí điểm mô hình giáo dục thông minh: 'Người trong cuộc' chia sẻ gì?

Sở, Phòng GD đã và đang quan tâm bồi dưỡng đội ngũ GV, song cần tăng cường tập huấn chuyên sâu để sử dụng phần mềm, ứng dụng hiệu quả, không còn bỡ ngỡ.

Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã thực hiện thí điểm mô hình giáo dục thông minh tại 5 trường học trên địa bàn thành phố, gồm: Trường Mầm non B (quận Hoàn Kiếm), Trường Tiểu học Lê Văn Tám (quận Hai Bà Trưng), Trường Trung học cơ sở Chu Văn An (quận Long Biên), Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (quận Đống Đa), Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng).

Giáo dục thông minh là mô hình sử dụng công nghệ thông tin để thay đổi giáo dục với việc mở rộng thời gian, không gian, tài liệu học tập và phương pháp học tập. [1]

Mô hình giáo dục thông minh qua ứng dụng STEAM, Robotics đã mang đến bước đột phá

Cô Nguyễn Thị Tuyết Mai - Hiệu trưởng Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Nhà trường rất vinh dự khi được lựa chọn thực hiện thí điểm mô hình giáo dục thông minh của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Khi tham gia thực hiện đề tài thí điểm này, đội ngũ giáo viên và học sinh của nhà trường được làm quen với các thiết bị dạy, học thông minh, các chuyên gia sẽ hướng dẫn cụ thể về đổi mới phương pháp dạy học, đặc biệt là cách ứng dụng các phần mềm vào công tác dạy và học.

Thêm vào đó, các thầy, cô giáo của nhà trường cũng được nâng cao nhận thức trong việc phải tự chuyển đổi mình để đáp ứng những yêu cầu của chuyển đổi số giáo dục”.

 Cô Nguyễn Thị Tuyết Mai - Hiệu trưởng Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: Thúy Quỳnh.

Cô Nguyễn Thị Tuyết Mai - Hiệu trưởng Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: Thúy Quỳnh.

Nữ hiệu trưởng nhấn mạnh, mô hình giáo dục thông minh sẽ mang lại rất nhiều tác động tích cực trong công tác dạy và học của các nhà trường. Mô hình này giúp thầy cô giáo tiệm cận với các phương pháp dạy học mới, giáo viên sẽ sử dụng bảng tương tác, thường xuyên áp dụng bài giảng E-learning, ứng dụng phần mềm mô phỏng, phần mềm thực hành, thí nghiệm ảo trong dạy học. Việc tổ chức thi, kiểm tra sẽ được thực hiện trên máy tính hoặc thiết bị cầm tay cá nhân.

Đối với học sinh, được học trong môi trường trực tuyến, có sách giáo khoa, thư viện điện tử,... giúp các em có nhiều cơ hội rèn luyện năng lực tự học, trang bị nhiều hơn kỹ năng thực hành, kỹ năng làm việc nhóm để trở thành những công dân toàn cầu.

Theo cô Nguyễn Thị Tuyết Mai, mô hình giáo dục thông minh góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong giáo dục, phát triển giáo dục số, giáo dục thông minh, giáo dục cá nhân hóa, giáo dục sáng tạo, giáo dục thích ứng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo.

Đồng thời, trang bị cho học sinh các kỹ năng thiết yếu để thích ứng học tập, làm việc hiệu quả, an toàn trong không gian số.

 Giờ học ứng dụng mô hình giáo dục thông minh của cô và trò Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: NTCC.

Giờ học ứng dụng mô hình giáo dục thông minh của cô và trò Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: NTCC.

Nữ hiệu trưởng cũng cho biết thêm, nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học, đồng thời, để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong giáo dục, trước khi tham gia thực hiện đề án thí điểm của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu đã đảm bảo các điều kiện cơ bản như: hệ thống đường truyền internet, phòng tin học, ngoại ngữ, thiết bị thực hành thí nghiệm, phòng thư viện, phòng học theo phương pháp STEM,...

Ngoài ra, nhà trường đã và đang tổ chức tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ giáo viên với các chuyên gia để được tập huấn về đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin. Trong đó, tập trung vào việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng AI và các phần mềm như Classroom, Quizizz,....

"Để việc ứng dụng công nghệ thông tin tại nhà trường phát huy tối đa hiệu quả, phải kể đến sự ủng hộ, đồng hành của phụ huynh học sinh. Hiện nay, với các lớp đang tăng cường học STEM và học tiếng Nhật, tiếng Anh, nhà trường đã thống nhất với phụ huynh trong thời gian sớm nhất sẽ trang bị cho các em máy tính bảng, máy tính cá nhân để phục vụ học tập.

Cùng với đó, nhà trường sẽ tiếp tục chuẩn bị các điều kiện cần thiết như: tủ đồ dùng cá nhân cho học sinh để lưu trữ thiết bị thông minh, đường truyền internet riêng cho các lớp học tăng cường,...", Hiệu trưởng Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu cho biết.

Cùng chung đánh giá đó, cô Nguyễn Hương Giang - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non B (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhận định, mô hình giáo dục thông minh của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội hứa hẹn mang lại nhiều thuận lợi cho ngành giáo dục thành phố nói chung và Trường Mầm non B nói riêng.

Theo đó, Trường Mầm non B sẽ nâng cao chất lượng quản lý của cán bộ và giáo viên trong việc triển khai và ứng dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến, ứng dụng chuyển đổi số một cách đồng bộ và có hiệu quả.

Với mô hình này, giáo viên và trẻ sẽ được trải nghiệm, học tập trong thế giới công nghệ hiện đại, phát huy tính tích cực và tư duy sáng tạo, đáp ứng sự phát triển của xã hội. Đồng thời, nâng cao chất lượng giáo dục, khẳng định thương hiệu của nhà trường.

Bên cạnh đó, mô hình giáo dục thông minh còn mang lại cho trẻ sự phát triển về tư duy, khả năng sử dụng thiết bị công nghệ an toàn và hiệu quả.

Theo cô Nguyễn Hương Giang, nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong giáo dục, Trường Mầm non B đã triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy.

“Bước đầu, các giáo viên nhà trường được làm quen với công nghệ AI để xây dựng và thiết kế các bài giảng, tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với trẻ mầm non.

Đặc biệt, mô hình giáo dục thông minh qua ứng dụng STEAM và Robotics đã mang đến một bước đột phá trong phương pháp giáo dục của nhà trường.

Trước đây, nhà trường tập trung chủ yếu vào dạy kiến thức cơ bản, trong đó, có áp dụng đổi mới hình thức và phương pháp dạy học, nhằm phát huy tính tích cực của trẻ thông qua các hoạt động khám phá, trải nghiệm, chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho trẻ.

Nhưng với mô hình này, trẻ được tiếp cận với cách học mang tính tương tác cao hơn, sử dụng công nghệ để học các kỹ năng mềm như: tư duy toán học, lập trình, giải quyết vấn đề,... Từ đó, giúp trẻ phát triển toàn diện hơn, không chỉ về kiến thức mà còn về kỹ năng thực hành và tư duy logic”, cô Giang cho biết.

Khó khăn chung về đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất và nhân lực công nghệ thông tin

Theo cô Nguyễn Thị Tuyết Mai, bên cạnh những thuận lợi, Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu nói riêng và các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Hà Nội nói chung đều đang gặp phải một số khó khăn trong quá trình triển khai mô hình trường học thông minh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo,... Trong đó, khó khăn đầu tiên đó là nguồn ngân sách để đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, màn hình thông minh, các thiết bị phục vụ cho dạy và học.

Bên cạnh khó khăn về nguồn ngân sách, nhân lực về công nghệ thông tin cũng là bài toán khó đối với các nhà trường.

"Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng như Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện đã và đang quan tâm đến công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, tôi cho rằng, cần phải tăng cường tập huấn chuyên sâu hơn nữa để giáo viên có thể sử dụng thành thạo các phần mềm, ứng dụng một cách hiệu quả, không còn bỡ ngỡ, lúng túng.

Nhà trường đã thực hiện những hoạt động như: bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ giáo viên; tổ chức ngày hội STEM,... đã đem lại hiệu quả nhất định. Nhưng theo tôi là chưa đủ, trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc bồi dưỡng đội ngũ, ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong công tác giảng dạy.

Ban Giám hiệu nhà trường đã yêu cầu các thầy cô cần tăng cường đổi mới ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra, đánh giá; tăng thời lượng học sinh được luyện tập, thực hành trên lớp thông qua các thiết bị thông minh như máy tính cá nhân và các phần mềm", cô Tuyết Mai thông tin thêm.

Tương tự, để khắc phục những khó khăn trên, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non B cũng chỉ ra: “Nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng mô hình giáo dục thông minh với trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy, nhà trường có kế hoạch xây dựng phòng giáo dục thông minh khi được trang cấp các thiết bị công nghệ để phục vụ các hoạt động giáo dục chất lượng cao của nhà trường ngày càng hiện đại và khẳng định thương hiệu.

Ngoài ra, nhà trường tiếp tục xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao trình độ ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ giáo viên.

Đặc biệt, đẩy mạnh khai thác công nghệ AI, giúp giáo viên có thể xây dựng các hoạt động trên nền tảng công nghệ số phù hợp với trẻ mầm non thông qua các hoạt động lồng ghép học và chơi, không ngừng sáng tạo để trở thành những công dân toàn cầu, đáp ứng với sự phát triển của xã hội.

Bên cạnh đó, nhà trường đã xây dựng các hoạt động kết nối với phụ huynh nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong chăm sóc, giáo dục trẻ, tăng cường sự trao đổi, đồng hành với phụ huynh trong các hoạt động giáo dục của nhà trường”, cô Nguyễn Hương Giang cho biết.

Trước những khó khăn trong điều kiện thực tế, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non B bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ, đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ đồng bộ để đảm bảo điều kiện xây dựng, triển khai phòng học thông minh.

Đồng thời, cô Hương Giang đề xuất cần tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao trình độ của đội ngũ giáo viên các nhà trường về công nghệ thông tin, ứng dụng chuyển đổi số sao cho phù hợp với cấp học mầm non để việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy đạt hiệu quả tối đa.

 Cô giáo hướng dẫn trẻ sử dụng bảng tương tác thông qua các trò chơi phát triển trí tuệ. Ảnh: Trường Mầm non B (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Cô giáo hướng dẫn trẻ sử dụng bảng tương tác thông qua các trò chơi phát triển trí tuệ. Ảnh: Trường Mầm non B (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Đó cũng là mong muốn của các cơ sở giáo dục nói chung khi triển khai thực hiện mô hình này. Hiệu trưởng Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu cũng chia sẻ: "Không riêng nhà trường, mà tôi cho rằng tất cả các trường đều mong muốn nhận được nhiều sự quan tâm hơn nữa của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân các quận, huyện đầu tư để đảm bảo sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị. Tăng cường tổ chức các buổi tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ giáo viên để các thầy, cô giáo hiểu mô hình một cách tường minh, khai thác và sử dụng hiệu quả, thành thạo, tránh trường hợp giáo viên phải tự xoay sở, lúng túng.

Ngoài ra, Ban Giám hiệu các trường cần truyền cảm hứng cho đội ngũ giáo viên, xây dựng cơ chế thi đua, khen thưởng và tuyên dương các cách làm hay, các giáo viên có nhiều sáng kiến trong đổi mới dạy và học nhằm khích lệ, động viên đội ngũ không ngừng học hỏi, đổi mới và sáng tạo".

Cần kết hợp linh hoạt phương pháp giảng dạy truyền thống và hiện đại

Cô Nguyễn Thị Tuyết Mai - Hiệu trưởng Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: "Trong các giờ dạy, giáo viên cần chủ động ứng dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy khác nhau để tăng tính tương tác, tính thi đua, sự hào hứng, sôi nổi của lớp học.

Dù là giáo dục thông minh nhưng vẫn phải kết hợp linh hoạt các phương pháp từ truyền thống đến hiện đại. Ví dụ như môn Toán, Ngữ văn, đòi hỏi học sinh phải có kỹ năng tính toán, kỹ năng phân tích, kỹ năng viết, làm bài tự luận..., các thầy cô sẽ phải kết hợp song song cả 2 phương pháp làm bài trên giấy và làm bài trên các phần mềm, đặc biệt, ứng dụng ở những nội dung nhất định của bộ môn để đem lại hiệu quả cao nhất".

Tài liệu tham khảo:

[1]: https://hanoi.edu.vn/tin-tuc-su-kien/ha-noi-nhan-rong-mo-hinh-giao-duc-thong-minh-su-dung-tri-tue-nhan-tao/ctmb/525/15733

Thúy Quỳnh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/so-gddt-hn-thi-diem-mo-hinh-giao-duc-thong-minh-nguoi-trong-cuoc-chia-se-gi-post246861.gd