Sở GD&ĐT TP.HCM nhận trách nhiệm trong vụ bạo hành tại mầm non Tí Bo
Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM sẽ rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, giám sát cũng như không để xảy ra những sự việc tương tự như tại trường mầm non Tí Bo vừa qua.
Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết, TP.HCM luôn dành sự quan tâm đến cả nhóm trẻ, giáo viên, cơ sở vật chất. Tuy nhiên sự việc cơ sở mầm non Tí Bo vừa qua là một vụ việc đáng tiếc với ngành.
Sở đã nhanh chóng có giải pháp là đình chỉ nhóm lớp này, đồng thời động viên gia đình yên tâm, thông cảm cũng như tạo điều kiện chuyển các trẻ sang cơ sở khác tiếp nhận.
Qua sự việc này, Sở Giáo dục và Đào tạo nhận thấy trách nhiệm cần nâng cao hơn nữa trong công tác kiểm tra giám sát. Hiện nay nhóm trẻ có hơn 2.000 cơ sở toàn thành phố, do đó mà công tác kiểm tra, giám sát cần nâng cao hơn nữa để không xảy ra vụ việc tương tự.
Tuy nhiên, theo ông Nam việc quản lý theo quy định chưa đủ mà còn phải nâng cao nhận thức của đội ngũ làm công tác giáo dục mầm non. Phải thường xuyên để không xảy ra những sự việc đang tiếc như vừa qua.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP.Thủ Đức cho biết, TP.Thủ Đức hiện có 273 nhóm lớp, 210 trường, phường Linh Đông có 6 trường ngoài công lập và 6 nhóm lớp. Ngoài công tác kiểm tra quản lý thì vẫn cần nâng cao nhận thức của giáo viên, bảo mẫu.
Để xảy ra sự việc như vừa qua tại cơ sở Tí Bo, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP.Thủ Đức sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác kiểm tra cũng như có giải pháp tốt hơn để tuyên truyền cho đội ngũ, có kỹ năng tốt nhất trong công tác tham gia và xây dựng cho trẻ. Câu chuyện xảy ra ở phường Linh Đông là trường hợp cá biệt, không phải là xu hướng chung của các lớp nhóm trẻ ngoài công lập.
Về việc lắp camera giám sát, tại các trường mầm non công lập của TP.Thủ Đức và các trường phổ thông, bà Hiền cho rằng việc lắp đặt hệ thống camera đã được thực hiện để phục vụ cho công tác quản lý, đảm bảo an ninh, camera được lắp đặt ở những khu vực chung, không khuyến khích việc lắp camera trong lớp học để bảo đảm sự riêng tư, tránh tạo áp lực cho người giáo viên đứng lớp và cũng nhằm mục tiêu bảo vệ hình ảnh của học sinh.
Thực tế hiện nay, đối với các trường mầm non ngoài công lập, việc lắp camera trong lớp học để phụ huynh có thể theo dõi hoạt động của con em trong lớp do thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường.
“Đứng ở góc độ ngành, để hạn chế tối đa việc bạo hành trẻ vẫn chính ở ý thức, nhận thức của các thầy cô khi tham gia công tác chăm sóc và giáo dục trẻ. Trong thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ cố gắng nỗ lực hơn nữa trong việc phối hợp với chính quyền địa phương, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát”, bà Hiền cho biết thêm.