Số ghế của Nhật Bản, Trung Quốc tại các tổ chức quốc tế ngày càng tăng

Cuộc cạnh tranh quyền lực mềm dường như đang diễn ra mạnh mẽ giữa hai quốc gia châu Á.

Theo Nikkei Asia, việc Nhật Bản thúc đẩy tiếng nói tại Liên hợp quốc và các tổ chức toàn cầu khác, đã góp phần khiến số vị trí do công dân nước này nắm giữ tăng lên mạnh mẽ trong thời gian qua. Nhưng nếu xét về tốc độ, số vị trí của người Trung Quốc tại các tổ chức này lại đang tăng nhanh hơn.

Cụ thể, người Nhật đảm nhiệm 912 vị trí chuyên gia hoặc các vị trí cấp cao hơn tại các tổ chức quốc tế, tính đến cuối năm 2019, tăng 23% so với năm 2015 và gần gấp đôi so với năm 2001. Trong khi đó, người Trung Quốc có 829 vị trí, tăng 41% từ năm 2015 đến 2019.

Bà Izumi Nakamitsu (phải), người Nhật, Phó Tổng Thư ký kiêm Đại diện cấp cao về giải trừ quân bị của Liên hợp quốc. (Ảnh: U.N. Geneva)

Bà Izumi Nakamitsu (phải), người Nhật, Phó Tổng Thư ký kiêm Đại diện cấp cao về giải trừ quân bị của Liên hợp quốc. (Ảnh: U.N. Geneva)

Theo Nikkei Asia, Nhật Bản xem những vị trí này là nền tảng chính để thúc đẩy các giá trị như dân chủ và thượng tôn pháp luật. Nước này hướng tới đạt 1.000 vị trí tại các tổ chức quốc tế, tính đến năm 2025.

Cuộc đua vào vị trí lãnh đạo Tổ chức thương mại thế giới (WTO) gần đây cho thấy việc chọn người cho những vị trí này có thể gây tranh cãi thế nào. Ngozi Okonjo-Iweala, cựu bộ trưởng tài chính Nigeria, trở thành tổng giám đốc WTO năm nay. Bà đã có được sự ủng hộ của Mỹ.

Phương Tây, dù sao vẫn chiếm số lượng vị trí vượt trội ở các tổ chức quốc tế so với Nhật Bản và Trung Quốc. Người Mỹ nắm giữ gần gấp 3 số vị trí của người Nhật, tính đến cuối năm 2019, trong khi đó người Pháp hơn gấp đôi. Chỉ có điều số vị trí của hai quốc gia châu Á đang tăng nhanh hơn.

Trong diễn biến liên quan, Nhật Bản được cho là đang “thiếu” người có vị trí dẫn dắt tại một cơ quan như WTO. Dù người Nhật từng giữ các vị trí hàng đầu tại Tổ chức y tế thế giới (WHO) và UNESCO, họ không có vị trí đứng đầu nào tại 15 cơ quan chuyên môn thuộc “gia đình” Liên hợp quốc hiện nay.

Để cải thiện tình hình, nước này dự kiến có ứng cử viên cho vị trí tổng giám đốc Liên minh bưu chính thế giới (UPU), khi cuộc bỏ phiếu diễn ra vào mùa hè này. Nỗ lực diễn ra sau khi Trung Quốc đưa công dân của mình vào vị trí dẫn đầu 4 trong số 15 cơ quan chuyên môn Liên hợp quốc, bao gồm Tổ chức lương thực và nông nghiệp (FAO), Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).

Trung Quốc cũng đang tăng cường vai trò của mình trong việc cung cấp tài chính cho ngân sách của Liên hợp quốc. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã trở thành nền kinh tế đóng góp lớn thứ hai sau Mỹ vào năm 2019, vượt qua nước giữ vị trí số 2 lâu năm là Nhật Bản.

Phương Anh (Nguồn: Nikkei Asian Review)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/so-ghe-cua-nhat-ban-trung-quoc-tai-cac-to-chuc-quoc-te-ngay-cang-tang-ar614904.html