Sở Giáo dục TPHCM hợp thức hóa việc dạy thêm, học thêm?
Sau khi Thông tư 17/2012 của Bộ GD&ÐT về quản lý dạy thêm, học thêm hết hiệu lực, Sở GD&ÐT TPHCM đã có tờ trình gửi UBND TP về việc ra Quyết định ban hành quy định dạy thêm, học thêm, trong đó có đề xuất tổ chức các buổi dạy thêm trong nhà trường, mỗi học sinh học thêm không quá 6 tiết/môn học/tuần và không quá 18 tiết/tuần.
Động thái này của Sở GD&ĐT TPHCM đưa ra được cho là giúp quản lý chặt chẽ quá trình hoạt động dạy thêm của giáo viên, tuy nhiên, một số nhà giáo dục lại lo ngại động thái này liệu có hợp thức hóa cho dạy thêm, học thêm trong nhà trường…
Dạy thêm vẫn tràn lan
TPHCM được xem là một trong những điểm “nóng” của dạy thêm, học thêm. Nếu chiếu theo quy định về dạy thêm, học thêm của Thông tư 17 khi đang còn hiệu lực thì việc vi phạm này vốn diễn ra tràn lan như không dạy thêm đối với học sinh học 2 buổi/ngày; không dạy thêm với học sinh tiểu học; không dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh của mình khi chưa có sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó…
Theo khảo sát của phóng viên (PV), xung quanh các trường học nhất là trường tiểu học đều có các điểm dạy thêm do giáo viên của trường thuê để hoạt động sau giờ học chính khóa. Cụ thể, xung quanh trường Tiểu học Trương Công Định, quận 6, theo ghi nhận của PV có không dưới 5 điểm dạy thêm, bán kính cách trường chỉ vài trăm mét. Chị Nguyễn Thị Hoa (tên nhân vật được thay đổi), có con học lớp 2 của trường cho biết, đây là năm thứ 2 chị cho con học thêm với cô giáo chủ nhiệm nhưng cùng ở một địa điểm. Theo chị Hoa, địa điểm dạy thêm này cách trường chỉ vài trăm mét, là một căn nhà có nhiều tầng lầu, mỗi tầng dạy một khối được các cô giáo của trường thuê chung. “Mỗi tuần con học 2 buổi, sau giờ tan trường, các cô dẫn học sinh đi bộ đến lớp học thêm. Trước khi vào học, cô giáo gọi cho mỗi em học sinh một tô hủ tiếu để ăn. Học phí mỗi tháng là 600 ngàn đồng”, chị Hoa kể.
Nói về việc học của con ở lớp học thêm, chị Hoa cho biết, có đi học thêm thì kiến thức của con cũng tốt hơn chút, song phần nhiều ủng hộ các cô là chính chứ tiểu học thì kiến thức chưa có gì cao siêu để phải đi học thêm.
Tương tự, xung quanh trường Tiểu học Phạm Văn Chiêu, quận 12, TPHCM cũng có hàng loạt điểm dạy thêm do các giáo viên của trường mở lớp dạy. Chị Nhàn, có con mới vào lớp 1 của trường cho biết, đầu năm cô giáo chủ nhiệm có gợi ý cháu học chậm so với các bạn, phụ huynh nên cho cháu đến nhà cô học thêm nhưng chị từ chối. “Tuy nhiên, nhiều phụ huynh khác trong lớp vẫn cho con học thêm ở nhà cô giáo. Có người thì cho học vì nhu cầu nâng cao kiến thức cho con, có người vì nhu cầu gửi con là chính, cũng có người vì nể nang cô giáo…”, chị Nhàn nói.
Dạy thêm trong trường học là hình thức biến tướng?
Theo cách luận giải trong tờ trình của Sở GD&ĐT TPHCM gửi UBND TP, các quy định trong Thông tư 17/2012 của Bộ GD&ĐT đã hết hiệu lực từ ngày 26/8/2019, trong khi quy định kèm theo Quyết định 21/2014 của UBND TPHCM có một số điều khoản không còn phù hợp với quy định chung của Bộ GD&ĐT, do đó, Sở GD&ĐT TPHCM đã trình UBND TP quyết định thay thế nhằm “quản lý chặt chẽ quá trình hoạt động dạy thêm của giáo viên”.
Tờ trình này đưa ra nhiều “thuyết minh” để chứng minh việc dạy thêm, học thêm trong trường là cần thiết. Cụ thể, đối với dạy thêm trong nhà trường, việc thu tiền để chi trả thù lao cho giáo viên trực tiếp dạy, các công tác quản lý của nhà trường, chi tiền điện, nước và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm - học thêm, mức thu tiền học thêm... không được quá mức trần cho phép.
Tổ chức các buổi dạy thêm trong nhà trường trên nguyên tắc không gây ảnh hưởng, đan xen với các lớp chính khóa, không tổ chức dạy thêm - học thêm vào chủ nhật, ngày nghỉ lễ. Mỗi học sinh học thêm không quá 6 tiết/môn học/tuần và không quá 18 tiết/tuần. Học sinh được lựa chọn giáo viên và môn học mình mong muốn (?).
Đối với dạy thêm ngoài nhà trường, việc thu tiền học thêm phải đạt được thỏa thuận của phụ huynh học sinh, thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành về quản lý tài chính đối với tiền học thêm, công khai và cấp biên lai mức thu tiền. Phải cam kết với UBND phường, xã về việc bảo đảm an toàn cho người học, người dạy, phòng cháy chữa cháy, không gây ách tắc giao thông, giữ gìn trật tự, an ninh, đảm bảo môi trường. Sở GD&ĐT có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, báo cáo UBND TP HCM, Bộ GD&ĐT khi kết thúc năm học hoặc theo yêu cầu đột xuất.
Ông Nguyễn Thành Trung, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, căn cứ văn bản pháp lý có thay đổi nên phải điều chỉnh để cho đúng với quy định của pháp luật. “Theo luật, Sở GD&ĐT TPHCM là đơn vị cấp dưới, triển khai theo cấp trên nên có những cái cấp trên ghi chung chung nhưng do đặc thù của thành phố nên mình phải tham mưu thêm trong thẩm quyền cho phép”, ông Trung nói.
Theo bà Tô Thị Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục Toàn Cầu, việc quản lý học thêm, dạy thêm lâu nay luôn là vấn đề nan giải của các cấp quản lý. Việc học thêm trong nhà trường cũng cần đặt câu hỏi là học cái gì, chất lượng ra sao nếu không sẽ có biến tướng bởi học sinh hiện giờ đã học quá nhiều, chủ yếu là các môn văn hóa mà rất ít các môn phát triển thể dục, thể thao. “Ở thế kỷ 21, kiến thức không còn là mục tiêu, kỹ năng mới là thứ chính, mục tiêu của việc học là lấy người học làm trung tâm chứ không phải là kiến thức. Do đó, làm sao để học sinh hứng thú, có thêm kỹ năng, thể lực và trí tuệ đó mới là điều quan trọng. Để làm được điều này, nên chăng ở buổi học thứ 2 hay học thêm trong nhà trường thì cũng cần chú ý đến sở thích của học sinh, tăng cường giáo dục thể chất, kỹ năng cho học sinh”, bà Quyên đề xuất.
Bà Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục Toàn cầu, cũng từng là giáo viên nhiều năm dạy học cho rằng, việc dạy thêm, học thêm dù là trong hay ngoài nhà trường đều là không cần thiết song nó vẫn tồn tại vì nhiều nguyên do. “Thứ nhất là việc thi cử ở nước ta quá nặng nề, học sinh không học thêm thì hầu như không có đủ kiến thức để thi. Thứ hai là tâm lý sinh bằng cấp, phụ huynh muốn con học giỏi, bằng cấp cao và thứ ba là vì vấn đề kinh tế, nhiều giáo viên gò ép, buộc học sinh phải đi học thêm…”, bà Quyên phân tích.