Sở Giáo dục và Đào tạo sơ kết giai đoạn 2 Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non dân tộc thiểu số

Sáng 25/6, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị sơ kết giai đoạn 2, Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại hội nghị

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại hội nghị

Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số được triển khai theo Quyết định số 1008 ngày 2/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ và được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai chia làm 2 giai đoạn thực hiện: giai đoạn 1 “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2020”, triển khai từ năm 2016 đến năm 2020; giai đoạn 2 tiếp tục thực hiện Đề án “Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025”, thực hiện từ năm 2021 đến năm 2025.

Đại diện Phòng Giáo dục Tiểu học – mầm non báo cáo kết quả triển khai đề án

Đại diện Phòng Giáo dục Tiểu học – mầm non báo cáo kết quả triển khai đề án

Thực hiện giai đoạn 2, thời gian qua Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non tiếp tục thực hiện việc lồng ghép các nội dung tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non người dân tộc thiểu số vào giảng dạy và các hoạt động giáo dục nhà trường.

Bằng những việc làm thiết thực, việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non dân tộc thiểu số giai đoạn 2 trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, cụ thể: toàn tỉnh hiện có 230 trường mầm non với hơn 52.200 trẻ; trong đó trẻ mầm non người dân tộc thiểu số là trên 45.800 trẻ, ghi nhận từ năm 2021 đến nay, 100% cơ sở giáo dục mầm non đã thực hiện tăng cường lồng ghép nội dung tăng cường tiếng Việt vào hoạt động học, hoạt động chơi và các hoạt động trong ngày của trẻ; 100% trẻ mầm non dân tộc thiểu số được tham gia hoạt động trải nghiệm, khám phá thông qua môi trường giao tiếp, trải nghiệm tại các trường tiểu học; 100% trẻ mẫu giáo 5 tuổi có đủ kiến thức, kỹ năng sẵn sàng tâm thế bước vào lớp 1 phổ thông.

Các đại biểu tham dự tại hội nghị

Các đại biểu tham dự tại hội nghị

Tại hội nghị, đại biểu đại diện các phòng giáo dục và đào tạo, các trường mầm non trên địa bàn tỉnh đã tham luận, thảo luận về những thuận lợi, khó khăn và kinh nghiệm trong thực hiện đề án.

Trên cơ sở kết quả đạt được và ý kiến trao đổi tại hội nghị, để thực hiện đề án hiệu quả trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu để nâng cao chất lượng tổ chức các hoạt động tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non người dân tộc thiểu số tại các điểm trường, lớp ghép; đồng thời, tăng cường hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ đội ngũ giáo viên mầm non. Đối với các trường mầm non, tiếp tục phối hợp và huy động nhiều lực lượng tham gia tạo môi trường tiếng Việt, nâng cao khả năng sử dụng tiếng Việt của trẻ; xây dựng và duy trì môi trường tiếng Việt trong các cơ sở giáo dục mầm non có trẻ người dân tộc thiểu số.

HOÀNG TÙNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/so-giao-duc-va-dao-tao-so-ket-giai-doan-2-de-an-tang-cuong-tieng-viet-cho-tre-mam-non-dan-toc-thieu--5012776.html