Sở Giáo dục và Đào tạo tích cực triển khai kế hoạch cải cách hành chính
Để thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 204 ngày 24/12/2021 của UBND tỉnh về kế hoạch cải cách hành chính nhà nước tỉnh Quảng Trị năm 2022, ngày 10/1/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch số 45 về cải cách hành chính ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị năm 2022. Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các đơn vị của ngành ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính năm 2022, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền kế hoạch này đến cán bộ, giáo viên, nhân viên trong tỉnh.
Để triển khai công tác cải cách hành chính (CCHC) đạt kết quả cao, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) gắn nội dung này với công tác thi đua, khen thưởng, qua đó kịp thời biểu dương, khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ về CCHC. Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra công vụ, kiểm tra công tác CCHC; đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của UBND tỉnh, của Chủ tịch UBND tỉnh giao. Qua đó nâng cao việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính của ngành. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, chỉ đạo, điều hành của ngành.
Cùng với đó, Sở GD&ĐT không ngừng nâng cao chất lượng công tác xây dựng, tham mưu tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với lĩnh vực GD&ĐT đảm bảo tính hợp pháp, đồng bộ, cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của ngành trên địa bàn tỉnh. Thực hiện đầy đủ việc đánh giá tác động của chính sách, đồng thời thường xuyên kiểm tra, rà soát văn bản kịp thời tham mưu đề xuất Bộ GD&ĐT, tỉnh sửa đổi, bổ sung, thay thế văn bản hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp, nhất là các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức, chế độ, chính sách đối với giáo viên, nhân viên trường học. Công khai, minh bạch văn bản quy phạm pháp luật, về chủ trương, chế độ, chính sách của ngành và địa phương tạo sự đồng thuận trong việc triển khai thực hiện. Triển khai kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan có thẩm quyền từ trung ương đến địa phương liên quan đến ngành GD&ĐT.
Sở GD&ĐT tiếp tục thực hiện tốt Nghị định số 92 ngày 7/8/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC). Kịp thời cập nhật, sửa đổi, bổ sung các TTHC phù hợp với quy định do trung ương ban hành mới, trình UBND tỉnh công bố danh mục theo đúng quy định, niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan hành chính các cấp và trên cổng thông tin điện tử của ngành, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức tiếp cận thực hiện và giám sát việc thực hiện TTHC của ngành.
Rà soát, đánh giá TTHC trong quá trình thực hiện; đề xuất, kiến nghị loại bỏ các thủ tục rườm rà, chồng chéo gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; tiếp tục đề xuất cắt giảm các mẫu đơn, tờ khai, giấy tờ không cần thiết hoặc có nội dung thông tin trùng lặp trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và các cơ sở dữ liệu điện tử sẵn có. Triển khai thực hiện Nghị định số 107 ngày 6/12/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 61 ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết TTHC; tập trung hoàn thiện các quy trình TTHC, rõ thời gian, rõ trách nhiệm của từng cá nhân, cơ quan, đơn vị trong từng bước của quy trình giải quyết TTHC.
Triển khai đổi mới việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết TTHC theo Quyết định số 468 ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Nâng cao trình độ, năng lực và thái độ làm việc của cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện TTHC. Tham gia hiệu quả hoạt động tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Triển khai Kế hoạch số hóa kết quả giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành giai đoạn 2020- 2025 theo Nghị định số 45 ngày 8/4/2020 của Chính phủ về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử.
Nâng cao chất lượng, đẩy mạnh thực hiện tiếp nhận và giải quyết TTHC mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công của tỉnh. Có cơ chế, giải pháp để khuyến khích, bắt buộc các phòng thuộc sở đăng ký và gia tăng thực hiện số TTHC mức độ cao. Phấn đấu đến cuối năm 2022, tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ cao đạt tối thiểu 82%, đến cuối năm 2025, tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ cao đạt 100%, trong đó tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt tối thiểu 90%. Tiếp tục thực hiện Nghị định số 20 ngày 14/2/2018 của Chính phủ về tiếp nhận, xử lý, phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính và việc giám sát thực hiện TTHC của các cơ quan hành chính. Thực hiện nghiêm quy định về xin lỗi trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC đối với cá nhân, tổ chức nếu để xảy ra sai sót.
Trên lĩnh vực cải cách tổ chức bộ máy, sở tham mưu sửa đổi, bổ sung quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở GD&ĐT, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của trung ương. Sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập không đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị định số 120 ngày 7/10/2020 của Chính phủ quy định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Hoàn thành việc điều chỉnh, phê duyệt vị trí việc làm các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc sở theo Nghị định số 62 ngày 1/6/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm, biên chế công chức và Nghị định số 106 ngày 10/9/2020 về vị trí việc làm và số người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Thực hiện nghiêm các quy định về phân cấp quản lý; triển khai thực hiện nghị quyết của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực; các nhiệm vụ quy định phân cấp theo kế hoạch của UBND tỉnh; thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá đối với các nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của tỉnh đã thực hiện phân cấp cho Sở GD&ĐT. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về tổ chức bộ máy, biên chế vị trí việc làm của các cơ quan đơn vị cũng như cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công… đúng quy định để nâng cao chất lượng GD& ĐT.