Sở Giao thông - Vận tải An Giang: Đảm bảo hạ tầng giao thông đáp ứng yêu cầu phát triển
Nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) An Giang đã lãnh đạo thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, đảm bảo hạ tầng giao thông thông suốt phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), quốc phòng - an ninh và du lịch.
Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Phú Tân cho biết: "Xác định hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy phát triển góp phần quan trọng phát triển KTXH của tỉnh, Đảng bộ, Ban Giám đốc Sở GTVT đã tham mưu UBND tỉnh tranh thủ các bộ, ngành Trung ương; phối hợp Viện Quy hoạch GTVT thực hiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hệ thống đường bộ và đường thủy tỉnh An Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; quy hoạch mạng lưới giao thông nông thôn và giao thông biên giới nhằm đảm bảo chiến lược phát triển KTXH, giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh, an toàn giao thông”.
5 năm qua, đã tham mưu UBND tỉnh tranh thủ với Bộ GTVT đầu tư các công trình cầu, đường, kè chống sạt lở Quốc lộ (QL) 91 và các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh, đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng tốt, đóng góp rất lớn thúc đẩy địa phương phát triển.
Điển hình như các dự án do Trung ương đầu tư vốn: xây dựng mới thay thế 14 cầu yếu trên QL91; cầu Cây Me (Tỉnh lộ 948); dự án kiên cố hóa sạt lở QL91 (đoạn qua xã Bình Mỹ, Châu Phú); cầu số 13 (Tỉnh lộ 941); dự án Lramp (xây dựng 39 cây cầu dân sinh trên địa bàn tỉnh); dự án xây dựng cầu Long Bình (QL91C), dự án nâng cấp các Tỉnh lộ 955A, 948, 945, 957, 952 và cầu Tân An...
Ngân sách tỉnh đầu tư thực hiện hoàn thành và đưa vào sử dụng hàng chục dự án trọng điểm, tạo điều kiện thuận lợi phát triển KTXH địa phương như: nâng cấp các Tỉnh lộ: 941, 942, 943, 944, 960... Gia cố mở rộng cầu Tôn Đức Thắng từ 9m lên 11,5m, nâng tải trọng từ 18,5 tấn lên 20 tấn, đến tối đa 35 tấn. Phối hợp nước bạn Campuchia vận hành khai thác cầu Long Bình (An Phú) nối liền Campuchia. Tỉnh được Bộ GTVT thống nhất chủ trương chuyển các tuyến Tỉnh lộ: 848 (Đồng Tháp), 942, 954, 952 (An Giang) thành Quốc lộ 80B.
Khánh thành cầu Tân An kết nối giao thông thuận lợi.
Thực hiện đầu tư xây dựng các công trình, dự án từ nguồn vốn ngoài ngân sách thông qua mời gọi đầu tư theo hình thức PPP, Sở GTVT đã tham mưu xây dựng cơ chế chính sách mời gọi đầu tư 2 dự án: BOT cầu Vĩnh Lộc (An Phú) kết nối hệ thống giao thông địa phương với QL91C và dự án nâng cấp bến khách Đa Phước, Châu Phong với tổng kinh phí đã huy động được 235 tỷ đồng từ nguồn vốn của doanh nghiệp và vốn vay.
Nhiều dự án trọng điểm của tỉnh được đẩy nhanh tiến độ triển khai như: dự án cầu Châu Đốc bằng hình thức BOT với tổng mức đầu tư khoảng 821 tỷ đồng, cơ bản thực hiện hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; dự án tuyến nối QL91 và đường tránh Long Xuyên có tổng chiều dài 17,3km, tổng kinh phí dự kiến 2.200 tỷ đồng. Duy tu sửa chữa 2 tuyến QL91C, N1 và 18 tuyến Tỉnh lộ, với tổng chiều dài 513km, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.
Đến nay, 83/119 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông trong chương trình xây dựng nông thôn mới; 61/119 xã được công nhận xã nông thôn mới. Đặc biệt, đã huy động các nguồn lực trong xã hội được 806 tỷ đồng thực hiện hoàn thành Đề án số 426/ĐA-UBND của UBND tỉnh về xã hội hóa cầu giao thông nông thôn giai đoạn 2016-2020; nhân dân đóng góp 117.164 ngày công và 1.523m2 đất làm cầu; hoàn thành 581/481 cầu giao thông (vượt 100 cầu). Giao thông nông thôn toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng mới và nâng cấp được 1.212km, tổng vốn đầu tư 1.714 tỷ đồng (huy động trong dân 162 tỷ đồng).
Toàn tỉnh có 301 tuyến đường thủy với tổng chiều dài 2.338,5km, phục vụ tốt nhu cầu đi lại, giao lưu trao đổi hàng hóa của người dân trong khu vực. Lãnh đạo công tác vận tải ngày càng đi vào trật tự, nền nếp; công tác đào tạo, sát hạch chất lượng được nâng lên. Kiểm định phương tiện thủy, bộ các phương tiện được kiểm tra đạt tiêu chuẩn đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Lĩnh vực thanh tra, kiểm tra luôn được tăng cường tuần tra, kiểm tra đảm bảo trật tự an toàn giao thông và bảo vệ công trình hạ tầng giao thông.
Tai nạn giao thông được kiềm chế cả 3 tiêu chí so chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra (toàn tỉnh đã xảy ra 471 vụ, chết 447 người, bị thương 284 người); khắc phục "điểm đen", đầu tư các chốt đèn cảnh báo giao thông. Công tác cải cách hành chính được Đảng bộ Sở GTVT thực hiện đạt kết quả nằm trong tốp đầu của tỉnh. Đặc biệt là đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính đạt mức độ 3, 4.
Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Phú Tân cho biết, nhiệm kỳ 2020-2025, với quan điểm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nhằm mục tiêu phục vụ du lịch và phát triển kinh tế, ngành giao thông đề xuất tỉnh ưu tiên đầu tư 8 công trình trọng điểm, chiều dài 188,8km với tổng mức đầu tư dự kiến 15.894 tỷ đồng. Phát triển hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy phù hợp với phương hướng phát triển KTXH của tỉnh, kết nối các điểm tập trung dân cư, các vùng sản xuất nông nghiệp, các khu công nghiệp, đầu mối giao thông, khu du lịch và đảm bảo quốc phòng - an ninh. Xây dựng hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy liên hoàn kết nối hợp lý giữa các trục quốc lộ, đường liên tỉnh với các đường liên huyện.
Công tác vận tải hàng hóa và hành khách được đảm bảo trật tự và thông suốt; chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe được nâng cao. Từng bước tạo ra một hệ thống giao thông vận tải đồng bộ và liên hoàn, có khả năng phát triển bền vững. Đảm bảo lưu thông thuận tiện và an toàn, đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngày càng gia tăng và đa dạng hóa phục vụ chiến lược phát triển KTXH của tỉnh, đảm bảo quốc phòng - an ninh.