Sở Giao thông Vận tải điều chỉnh tuyến vận tải cố định liên tỉnh sẽ kế thừa, 'không phá vỡ' luồng tuyến!
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) khẳng định việc phân cấp cho Sở GTVT điều chỉnh tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh không làm phá vỡ luồng tuyến mà vẫn kế thừa các tuyến đã được Bộ GTVT, UBND các tỉnh, thành phố đã công bố để đảm bảo tổ chức thực hiện thường xuyên liên tục.
Tuyến vận tải hành khách cố định đã ổn định rồi thì giữ ổn định
Như báo Nhà báo và Công luận đã thông tin trước đó về việc, gần đây, Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) đang lấy ý kiến xung quanh Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (Nghị định 10).
Trong đó, đáng chú ý là sửa đổi điểm a khoản 3 Điều 4 về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định của Nghị định 10 như sau: “4. Xây dựng và công bố: Danh mục mạng lưới tuyến xe buýt nội tỉnh và liền kề; các điểm dừng đỗ phục vụ cho phương tiện kinh doanh vận tải đón, trả khách trên địa bàn. Chỉ đạo Sở GTVT: xây dựng, điều chỉnh, bổ sung danh mục mạng lưới tuyến cố định nội tỉnh; thống nhất với Sở GTVT đầu tuyến bên kia để xây dựng, điều chỉnh, bổ sung danh mục mạng lưới tuyến cố định liên tỉnh; cập nhật danh mục mạng lưới tuyến phần mềm quản lý tuyến vận tải khách cố định của Bộ GTVT”. Việc sửa đổi này được xem là tăng tính phân cấp, phân quyền cho các Sở GTVT các địa phương.
Trước việc sửa đổi nêu trên, nhiều ý kiến của các nhà xe, doanh nghiệp vận tải, các bến xe bày tỏ băn khoăn liệu rằng có “phá vỡ” mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định hiện có (tại Quyết định số 927/QĐ-BGTVT ngày 15/7/2022 công bố Danh mục chi tiết mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030)?
Có ý kiến cho rằng, việc sửa đổi này sẽ gián tiếp “giúp sức” cho xe khách chạy xuyên tâm đón trả khách; hay tình trạng dù, bến cóc mọc lên tràn lan (đặc biệt tại các thành phố lớn). Trong khi đó, một số doanh nghiệp vận tải cho biết, nếu không quản lý chặt chẽ sau khi sửa đổi sẽ dẫn đến tình trạng “mua bán lốt xe khách”, rất dễ xuất hiện tình trạng “cơ chế xin cho” trong việc sắp xếp xe ở các tuyến…
Liên quan đến hoạt động vận tải hành khách đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, ông Nguyễn Văn Thanh – Chuyên gia giao thông cho rằng, hiện nay, cần phải giải quyết được việc trung chuyển hành khách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hành khách từ nhà đến các bến xe.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Thanh, hiện hoạt động vận tải hành khách với các luồng tuyến đã đi vào ổn định thì không nên làm xáo trộn quá mức. Quan trọng nhất là tổ chức giao thông đô thị tốt, phục vụ được cho người dân đi lại một cách thông suốt.
Mới đây, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam vừa có văn bản góp ý dự thảo sửa đổi Nghị định số 10 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Cụ thể, Hiệp hội đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa, làm rõ nội dung thống nhất với Sở GTVT đầu tuyến bên kia để xây dựng, điều chỉnh, bổ sung danh mục mạng lưới tuyến cố định liên tỉnh, theo nguyên tắc giữ nguyên các tuyến đã thực hiện ổn định.
Đối với những tỉnh, thành phố đã đầu tư xây dựng các bến xe để phục vụ hợp lý cho các tuyển vận tải đi theo hướng tuyến cần tuần thủ nguyên tắc tuyến vận tải đi về hướng nào thì điểm đầu và điểm cuối là bến xe hướng đó. “Điều này để tránh việc các doanh nghiệp vận tải hiểu nhầm là cho phép các đơn vị được vận tải chạy xuyên tâm thành phố, không cần thực hiện theo quy hoạch tuyến theo quyết định 927 của Bộ GTVT”, Văn bản của Hiệp hội hội Vận tải Ô tô Việt Nam nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, việc đề xuất với Bộ GTVT đưa 2 nội dung khi phân cấp điều chỉnh mạng lưới xe khách tuyến cố định cho các sở GTVT đó là cần giữ nguyên những tuyến vận tải tuyến cố định đã ổn định rồi thì giữ ổn định. Thứ nhất là vừa đảm bảo hoạt động vận tải được thuận lợi, thứ hai là đảm bảo được tình hình trật tự ATGT. Cùng với đó, phải giữ nguyên nguyên tắc nơi xuất phát và kết thúc, ở những nơi đã quy hoạch bến xe đi các hướng thì phải giữ nguyên.
Sửa quy định đảm bảo tính kế thừa, không làm phá vỡ luồng tuyến
Trả lời báo Nhà báo và Công luận liên quan đến sự việc trên, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ vận tải - Bộ GTVT cho biết, trong quá trình tiếp thu ý kiến gióp ý của các cơ quan, đơn vị, Sở GTVT, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Bộ GTVT đã tiếp thu điều chỉnh nội dung trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (đang gửi Bộ Tư pháp thẩm định) như sau: “10. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 33 như sau: “4. Xây dựng và công bố: Danh mục mạng lưới tuyến xe buýt nội tỉnh và liền kề; các điểm dừng đỗ phục vụ cho phương tiện kinh doanh vận tải đón, trả khách trên địa bàn”.
Đồng thời rà soát điều chỉnh nội dung quy định: Tại khoản 2 Điều 2 (sửa đổi bổ sung điểm a khoản 3 Điều 4 Nghị định 10) như sau:
“2. Sửa đổi điểm a khoản 3 Điều 4 như sau: “a) Xây dựng, điều chỉnh, bổ sung và công bố danh mục mạng lưới tuyến. Sở GTVT: xây dựng, điều chỉnh, bổ sung danh mục mạng lưới tuyến cố định nội tỉnh; thống nhất với Sở GTVT đầu tuyến bên kia để thực hiện xây dựng, điều chỉnh, bổ sung danh mục mạng lưới tuyến cố định liên tỉnh theo nguyên tắc giữ nguyên các tuyến đã thực hiện ổn định; đối với các tỉnh, thành phố có bến xe đảm bảo tổ chức vận tải theo hướng tuyến cần tuân thủ nguyên tắc tuyến vận tải đi theo hướng nào thì điểm đầu, điểm cuối là bến xe hướng đó”.
Tại điểm c khoản 6 Điều 2 (sửa đổi bổ sung điểm c khoản 2 Điều 20 Nghị định 10) như sau: “c) Sở GTVT (nơi đơn vị kinh doanh vận tải đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh) chủ trì cập nhật và bổ sung vào danh mục chi tiết tuyến theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 Điều 4 của Nghị định này, cấp phù hiệu cho phương tiện và báo cáo về Bộ GTVT, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để tổ chức thực hiện cập nhật, bổ sung và công bố danh mục mạng lưới tuyến theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ GTVT.”
Ông Trần Bảo Ngọc khẳng định, theo các nội dung quy định trong dự thảo đã điều chỉnh như trên nhằm phù hợp tình hình thực tế, đồng thời tạo thuận lợi cho đơn vị vận tải, bến xe và công tác quản lý tại địa phương. “Quy định này cũng không làm phá vỡ mà vẫn kế thừa các tuyến đã được Bộ GTVT, UBND các tỉnh, thành phố đã công bố để đảm bảo tổ chức thực hiện thường xuyên liên tục”, ông Ngọc nêu rõ.
Như vậy, có thể thấy rằng, trước các ý kiến của các nhà xe, bến xe, Sở GTVT các địa phương, Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, các chuyên gia và đặc biệt là báo chí, Bộ GTVT đã tiếp thu, chỉnh sửa điểm a khoản 3 Điều 4 Nghị định 10 đảm bảo tính kế thừa, không làm phá vỡ luồng tuyến đã ổn định, giúp hoạt động vận tải hành khách được thuận lợi hơn trong thời gian tới.