Số hóa các tài liệu kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh, giúp nông dân nắm bắt và làm chủ công nghệ
Khảo sát nông dân trồng cây ăn quả và rau của Việt Nam, 42% cho biết muốn áp dụng số hóa trong nông nghiệp – đây là tỷ lệ cao nhất khi so với 3 quốc gia ASEAN trong cùng khảo sát. Đã có 63% nông dân Việt Nam học hỏi các kiến thức và kỹ năng mới thông qua YouTube...
Họp báo công bố phát hành chuỗi vIdeo về bảo vệ thực vật.
Cục Bảo vệ thực vật và CropLife Việt Nam (CropLife) vừa công bố phát hành chuỗi video về hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật dựa trên các quy định hiện hành trong nước cũng như phù hợp với các quy tắc chung về sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả được công nhận rộng rãi.
Đây là một hoạt động trong dự án hợp tác dài hạn về “Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm”.
NÔNG DÂN VIỆT NAM RẤT QUAN TÂM ĐẾN SỐ HÓA
Ông Đặng Văn Bảo, Chủ tịch Hiệp hội CropLife Việt Nam cho biết, CropLife Việt Nam đã và đang phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật triển khai rất nhiều các chương trình liên quan, như hỗ trợ xây dựng phần mềm tra cứu Thuốc Bảo vệ thực vật trên điện thoại thông minh. Gần đây nhất là chương trình hợp tác dài hạn về hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại tỉnh Đồng Tháp, Sơn La.
Trong khi đó, theo một khảo sát bởi tổ chức CropLife Châu Á, khi hỏi 130 nông dân trồng lúa, cây ăn quả và rau của Việt Nam, có 42% trong số họ cho biết họ muốn áp dụng số hóa trong nông nghiệp – đây là tỷ lệ cao nhất khi so với 3 quốc gia ASEAN trong cùng khảo sát. Vì vậy, có thể thấy rằng nông dân Việt Nam rất quan tâm đến số hóa.
Theo một báo cáo của Google thực hiện vào năm 2020 mang tên “Vietnam’s search for tomorrow” – tạm dịch là “Tìm kiếm ngày mai của Việt Nam”, tỷ lệ sử dụng Internet ở nông thôn Việt Nam là 77% với 91% trong số đó lên mạng hàng ngày, đặc biệt 97% người dân nông thôn dùng YouTube hàng tuần và 63% người dân nông thôn học hỏi các kiến thức và kỹ năng mới thông qua YouTube.
Từ những cơ sở đó, CropLife và Cục Bảo vệ thực vật đã thực hiện ý tưởng chuyển các tài liệu truyền thống sang dạng video minh họa dưới dạng hoạt hình ngắn nhằm truyền tải các nội dung một cách sinh động và dễ nhớ, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận các kiến thức mọi lúc mọi nơi, đồng thời việc cập nhật thông tin tới người dân cũng có thể được thực hiện một cách linh hoạt và nhanh chóng hơn.
Nói về quá trình thực hiện chuỗi video tài liệu này, ông Bảo chia sẻ: Kể từ khâu lên ý tưởng đến khi hoàn thiện, chuỗi video đã nhận được sự cố vấn, góp ý và hỗ trợ nhiệt tình từ các cán bộ và lãnh đạo của Cục Bảo vệ thực vật, các chuyên gia về thuốc bảo vệ thực vật từ các công ty thành viên trong hiệp hội.
Từ việc sản xuất và phát hành chuỗi video này, trong thời gian tới đây hiệp hội CropLife Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện số hóa các nội dung khác liên quan tới lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật.
SỬ DỤNG THUỐC BẢO VỀ THỰC VẬT AN TOÀN, CÓ TRÁCH NHIỆM
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết việc sản xuất và phát hành các video lần này được triển khai với mục tiêu mở rộng và đa dạng hóa kênh giao tiếp thông tin tới nông dân. Qua đó, giúp nông dân tiếp cận thông tin, tài liệu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật một cách nhanh chóng, trực quan, dễ hiểu và thuận tiện hơn.
Chuỗi video gồm có 15 tập, mỗi tập sẽ hướng dẫn các khía cạnh khác nhau trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm, từ những nguyên tắc chung trong hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật, quyền lợi và nghĩa vụ của người sử dụng thuốc; cho tới các hướng dẫn cụ thể như Nguyên tắc 4 đúng, 5 Quy tắc vàng trong sử dụng thuốc.
Cùng với đó là các phương thức thực hành quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và quản lý tính kháng; các hướng dẫn về thu gom, xử lý bao gói sau sử dụng, cách thức sử dụng các thiết bị bảo hộ; và cả các thông tin liên quan tới những hành vị bị cấm và hình thức xử phạt khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách….
Mỗi video được giới hạn thời lượng trong khoảng 3 phút để nông dân có thể tập trung và nắm bắt thông tin một cách nhanh chóng.
Ý tưởng thể hiện nội dung video dưới hình thức animation (hình động) trong loạt video clip không chỉ giúp minh họa hiệu quả các thông tin hướng dẫn (đặc biệt là các thao tác, quy trình khi sử dụng thuốc) mà còn tăng tính hấp dẫn và sự chú ý từ người xem.
Bên cạnh đó, với định hướng sẽ hiện đại hóa và số hóa dần các tài liệu liên quan tới sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, việc lựa chọn hình thức video này cũng giúp việc biên tập, chỉnh sửa và lưu trữ có thể được triển khai linh hoạt và hiệu quả hơn.
Đây cũng được xem là nguồn tài liệu giúp các cán bộ kỹ thuật và đại lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật có thể tiếp cận để cùng đồng hành và hướng dẫn trong việc lựa chọn, quyết định và sử dụng thuốc đúng cách, có trách nhiệm, hướng tới hình thành thói quen canh tác an toàn bền vững.