Số hóa chậm, doanh nghiệp sẽ thua
Trong đại dịch Covid-19, số hóa, chuyển đổi số đã giúp nhiều doanh nghiệp (DN) giữ được sản xuất, kinh doanh với các đối tác trong nước, nước ngoài. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu giúp cho chuỗi cung ứng toàn cầu hạn chế đứt gãy. Do đó, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giảm bớt được tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, gây những biến động và bất ổn. Đặc biệt, trong đỉnh điểm của đại dịch Covid-19, nhiều chủ DN về nước không thể trở lại Việt Nam, nhưng nhờ ứng dụng công nghệ vào trong sản xuất, kinh doanh nên các chủ DN vẫn có thể điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN từ xa.
Bên cạnh đó, ngay từ khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19 vào đầu năm 2020, nhiều DN ở Đồng Nai cũng như cả nước đã nhanh chóng đầu tư thiết bị công nghệ đồng bộ hiện đại để tăng khả năng cạnh tranh. Vì thế, giai đoạn giãn cách xã hội vào quý III-2021, nhiều nhà máy vẫn hoạt động được 100% công suất, đáp ứng được đơn hàng của đối tác trong và ngoài nước.
Theo các chuyên gia kinh tế, chuyển đổi số được xem là cứu cánh của nhiều DN trong hơn 3 năm qua. Những DN đi đầu trong số hóa, ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, kinh doanh sẽ tăng được khả năng cạnh tranh với các mặt hàng cùng loại đến từ các quốc gia trên thế giới. Thực tế này đã xảy ra với ngành dệt may Việt Nam khi đã đánh mất vị trí xuất khẩu thứ 2 thế giới và phải nhường lại cho Bangladesh. Nguyên nhân là do các DN dệt may Việt Nam chậm ứng dụng công nghệ hiện đại vào trong sản xuất để chuyển đổi xanh.
Hiện nay, các nhãn hàng quốc tế đều ưu tiên đơn hàng cho các nhà máy có ứng dụng chuyển đổi số để sản xuất xanh hướng đến phát triển bền vững. Vì thế, ngoài ngành dệt may thì giày dép, sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng, phương tiện vận tải, máy tính, linh kiện điện tử… nếu không nhanh chân trong chuyển đổi số để sản xuất xanh thì nguy cơ mất đơn hàng và giảm khả năng cạnh tranh sẽ luôn chực chờ.