Số hóa đến từng người dân

Hà Nội đã hoàn thành 9/15 mục tiêu, trong đó có 7 mục tiêu hoàn thành vượt mức và 6 mục tiêu đang trong quá trình tiếp tục triển khai thực hiện.

Khách hàng giao dịch ngân hàng số trên địa bàn TP Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Khách hàng giao dịch ngân hàng số trên địa bàn TP Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Trong vòng 2 năm trở lại đây, đặc biệt là 2024, Hà Nội đã có bước nhảy vọt về chuyển đổi số khi hoàn thành được hàng loạt mục tiêu được đề ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Hà Nội đã hoàn thành 9/15 mục tiêu, trong đó có 7 mục tiêu hoàn thành vượt mức và 6 mục tiêu đang trong quá trình tiếp tục triển khai thực hiện.

Cụ thể, đối với chính quyền số, Hà Nội đã xây dựng được hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số hiện đại, an toàn đáp ứng các nhiệm vụ về chuyển đổi số, xây dựng Thành phố thông minh. Đáng chú ý, vào đầu tháng 12/2024 vừa qua, Trung tâm Dữ liệu chính Thành phố tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã chính thức được Hà Nội đưa vào hoạt động. Đây được xem là hạ tầng công nghệ cốt lõi nhằm giúp chính quyền nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành, tăng cường tính minh bạch cũng như đồng bộ hóa và chia sẻ dữ liệu.

Đối với người dân sẽ hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ công, đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa; tăng cường bảo mật thông tin cá nhân. Đối với DN là thúc đẩy đổi mới sáng tạo và kinh tế số; hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; tăng cường kết nối và hợp tác…

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã hoàn thành việc có 90% trở lên các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; bảo đảm kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, đăng ký DN, thống kê tổng hợp về dân số, tài chính, bảo hiểm… Thực hiện chia sẻ dữ liệu cung cấp dịch vụ công và dần hình thành hệ sinh thái chính quyền số, lấy sự phục vụ người dân và DN là trung tâm thông qua các nền tảng số và dịch vụ dữ liệu mở. Cho phép chính quyền, DN và người dân khai thác các nguồn tài nguyên dữ liệu mở để phát triển kinh tế - xã hội.

Sau một năm tăng tốc chuyển đổi số trong toàn bộ các lĩnh vực, Hà Nội đã triển khai nhiều ứng dụng, dịch vụ nhằm phục vụ người dân hiệu quả hơn. Có thể kể đến như: 1.389 thủ tục hành chính triển khai dịch vụ công trực tuyến tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; ứng dụng “Công dân Thủ đô số - iHaNoi với hơn 1,6 triệu tài khoản đăng ký và sử dụng; Hồ sơ sức khỏe điện tử với hơn 10 triệu người dân được khởi tạo dữ liệu và 7,2 triệu người có dữ liệu tiêm chủng; ứng dụng “Thẻ vé giao thông Hà Nội” cho vận tải hành khách công cộng…

Với những kết quả đáng ghi nhận nói trên, quá trình chuyển đổi số của Hà Nội đã tạo ra những dấu ấn quan trọng khi tăng 19 bậc (từ năm 2020 năm 2022) trong bảng xếp hạng chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) do Bộ TT&TT đánh giá. Theo Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT năm 2022, Hà Nội xếp thứ nhất Bảng xếp hạng chung về chỉ số công nghiệp CNTT. Theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm 2023, Hà Nội tiếp tục đứng thứ 2 trong 7 năm liên tiếp về Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam…

Với việc hoàn thiện Đề án “Xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Hà Nội cũng đặt ra hàng loạt nhiệm vụ cụ thể triển khai trong thời gian tới nhằm hoàn thiện mô hình Thành phố thông minh. Trong đó, quan điểm xuyên suốt gồm: Kết hợp tư duy toàn cầu, giải pháp địa phương, hành động Hà Nội; Thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy và hành động; Phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của Thủ đô; Hoàn thiện hệ thống pháp luật, có chế chính sách phát triển Thành phố thông minh; Đổi mới phương pháp quy hoạch đô thị thông minh; Ưu tiên hạ tầng thông tin thông minh; Xây dựng hạ tầng dữ liệu tích hợp, chia sẻ, dùng chung, hạ tầng kết nối đồng bộ; Hội nhập quốc tế, học tập kinh nghiệm xây dung Thành phố thông minh.

Trong quá trình xây dựng xây dựng Thành phố thông minh, Hà Nội sẽ ưu tiên các vấn đề như: giao thông đô thị, bảo tồn và phát triển di sản, văn hóa, du lịch và bảo vệ môi trường nước, không khí. Đi đôi với đó là nhanh chóng hoàn thiện các cơ chế chính sách, kết hợp quy hoạch, quy chế và quy chuẩn trong xây dựng Thành phố thông minh bền vững. Xây dựng nền tảng chính quyền số minh bạch, hiệu quả và nền tảng hạ tầng thông tin đô thị thông minh. Ngoài ra là tăng cường đào tạo và tuyển dụng đủ nhân lực cần thiết, chất lượng cao.

Hà Thanh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/so-hoa-den-tung-nguoi-dan.html