Số hóa dữ liệu dân cư

Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được ứng dụng vào thực tiễn, tác động trực tiếp đến cuộc sống người dân, doanh nghiệp và nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội; đồng thời giúp các ngành chức năng quản lý thống nhất, tập trung, minh bạch, thuận lợi và tiết kiệm,… hướng tới xây dựng Chính phủ số, công dân số, xã hội số.

Công nghệ đi vào cuộc sống

Khi chúng tôi đến, Thiếu tá Nguyễn Tiến Dương - Phó Trưởng Công an phường Phước Long (TP. Nha Trang) đang tiến hành kiểm tra, đối chiếu số liệu cư dân đăng ký tạm trú, thường trú đã được cập nhật trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công an. Chỉ tay vào màn hình máy tính, Thiếu tá Nguyễn Tiến Dương vui vẻ nói: “Thông qua hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, người dân ở bất cứ đâu, chỉ cần có điện thoại thông minh được kết nối mạng Internet là có thể đăng ký tạm trú, tạm vắng hoặc thường trú rất nhanh chóng, chính xác và thuận tiện. So với trước đây, người dân thực hiện các thủ tục đăng ký tạm trú, thường trú đã rút ngắn được một nửa thời gian. Từ đây, số liệu dân cư biến động sẽ được cập nhật thường xuyên, liên tục, chính xác. Có thể thấy, việc triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) trên địa bàn cả nước nói chung, Khánh Hòa nói riêng mang tính đột phá rất lớn”.

Việc số hóa dữ liệu dân cư đã giúp các ngành chức năng tạo bước đột phá trong thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.

Việc số hóa dữ liệu dân cư đã giúp các ngành chức năng tạo bước đột phá trong thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.

Chỉ bấm con trỏ chuột vài cái trên màn hình máy tính, Thiếu tá Nguyễn Tiến Dương đã có kết quả thống kê rõ ràng, trong năm 2024, có hơn 1.000 công dân của nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước tới phường Phước Long tạm trú, thường trú. Khi được hỏi về việc số hóa dữ liệu dân cư có ý nghĩa như thế nào đối với lực lượng công an địa phương trong quản lý nhà nước về dân cư, Thiếu tá Nguyễn Tiến Dương so sánh: Trước đây, cơ sở dữ liệu dân cư phải làm thủ công, với nhiều công đoạn, nhất là công tác lưu trữ; còn hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã thay thế hoàn toàn sổ sách truyền thống, được lưu trữ trên không gian mạng, giúp cán bộ công an xử lý chính xác, hiệu quả.

Hiện nay, mỗi người dân có một mã định danh duy nhất, vì thế việc triển khai đăng ký tạm trú, thường trú trên Cổng Dịch vụ công Bộ Công an được triển khai đồng bộ tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Qua đó, đã giúp giảm thiểu thời gian, chi phí tiền bạc cho người dân và giúp lực lượng chức năng áp dụng công nghệ vào thực tiễn trong quản lý dân cư địa phương một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Số hóa để phục vụ nhiệm vụ của từng ngành

Tại phòng làm việc tọa lạc tại tầng 3, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh), Thiếu tá Đinh Thị Tú Trinh - Đội phó Đội Hướng dẫn đăng ký, quản lý cư trú; cấp, quản lý căn cước, cùng các cán bộ đang miệt mài làm việc trên từng máy tính để bàn. Theo chia sẻ của Thiếu tá Đinh Thị Tú Trinh, tính đến ngày 22-11-2024, toàn tỉnh có 370.790 hộ, với 1.440.366 nhân khẩu thường trú; 17.082 hộ, với 35.576 nhân khẩu tạm trú, được cập nhật đầy đủ, chính xác lên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Để số liệu dân cư được số hóa “đúng, đủ, sạch, sống”, lực lượng công an các địa phương trong tỉnh đã nỗ lực không ngừng nghỉ trong những năm qua, kể cả trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Việc số hóa dân cư giúp thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công sang hiện đại, thông qua mã định danh cá nhân, đã khắc phục tình trạng thiếu thống nhất trong quản lý thông tin cơ bản của công dân giữa các ngành, địa phương. Qua đó, giúp giảm kinh phí thực hiện những cuộc điều tra xã hội liên quan đến dân cư, giảm việc nhập, duy trì các trường thông tin trùng lặp về công dân, gây lãng phí cho ngân sách nhà nước khi xây dựng và vận hành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Trong đó, việc làm trên hồ sơ, sổ sách truyền thống đã bị thay thế hoàn toàn bằng những tiến bộ của công nghệ trong thời kỳ số hóa. “Giờ đây, các ngành chức năng có thể khai thác dữ liệu để phục vụ mọi mặt của đời sống. Các ngành từ y tế, giáo dục, giao thông - vận tải đến du lịch... đều có thể khai thác dữ liệu dân cư đã được số hóa để phục vụ nhiệm vụ của từng ngành. Đây cũng là chìa khóa giúp giải quyết cơ bản vấn đề định danh, xác thực điện tử cho công dân trong thực hiện các dịch vụ công trực tuyến”, Thiếu tá Đinh Thị Tú Trinh cho biết.

Công an đến nhà làm thẻ căn cước cho công dân.

Công an đến nhà làm thẻ căn cước cho công dân.

Thiếu tá Đinh Thị Tú Trinh dẫn chứng, chỉ tính trong 10 tháng năm 2024, Công an tỉnh tiếp nhận trực tuyến 3.207.657 hồ sơ/tổng số 3.228.485 hồ sơ tiếp nhận, đạt tỷ lệ 99,35%. Khánh Hòa là 1 trong 6 tỉnh đầu tiên hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch (từ ngày 10-10-2023); hoàn thành số hóa 100% thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; là 1 trong 3 địa phương đầu tiên (cùng với TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) ban hành chính sách thu phí “0 đồng” để thu hút người dân, doanh nghiệp tham gia dịch vụ công trực tuyến; 100% cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip, thẻ căn cước; 100% cơ sở giáo dục, cơ sở khám, chữa bệnh thanh toán không dùng tiền mặt; 100% đối tượng bảo trợ xã hội đã được cập nhật dữ liệu… Từ những số liệu này có thể khẳng định, việc áp dụng công nghệ trong số hóa dữ liệu dân cư đã thực sự đi vào cuộc sống.

THÀNH LONG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/bao-xuan-2025/202502/so-hoa-du-lieu-dan-cu-ded7272/