Số hóa- giải pháp cho doanh nghiệp phát triển
Chủ động ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo để số hóa quy trình sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động là giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tăng tính cạnh tranh.
Cơ hội ngàn năm
Số liệu của Ngân hàng Thế giới, kinh tế số tăng trưởng nhanh hơn đáng kể so với kinh tế truyền thống và có tốc độ tăng trưởng bằng 2-3 lần tăng trưởng GDP. Theo báo cáo “e-Economy SEA 2022” do Google và Temasek thực hiện tại một số quốc gia Đông Nam Á, kinh tế số nền tảng của Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực trong giai đoạn 2022 – 2025 với khoảng 31%/năm, đạt mức 50 tỷ USD vào năm 2025 và gấp 4 lần vào năm 2030 với khoảng 200 tỷ USD.
Theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế số. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số đã giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; vượt qua những giới hạn cả về khoảng cách thời gian và địa lý để tìm kiếm, mở rộng thị trường; đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
Các chuyên gia cho rằng, trong quá trình chuyển đổi số, doanh nghiệp đối diện với rất nhiều thách thức, trong đó, thách thức lớn nhất là thay đổi phương pháp tư duy và tập quán sản xuất kinh doanh đã hình thành từ nhiều chục năm, để đón nhận cách nghĩ, cách làm hoàn toàn mới. Tuy nhiên, mọi thách thức đều là nhỏ bé trước cơ hội “ngàn năm có một” của từng doanh nghiệp và của cả nền kinh tế.
Bởi, chuyển đổi số đem lại trải nghiệm khách hàng tốt hơn; Tăng hiệu suất làm việc của nhân viên và tinh gọn hơn, giảm chi phí để tăng lợi nhuận thông qua cách thức gồm thuê dịch vụ nền tảng số, sử dụng công nghệ đám mây và tự động hóa. Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tận dụng chuyển đổi số để khắc phục các hạn chế bằng việc sử dụng các nền tảng số xuất sắc như thuê dịch vụ và quy trình chuẩn.
Cốt lõi cho tăng trưởng
Trong bối cảnh đó, kinh tế số góp phần tạo ra không gian tăng trưởng mới, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời là động lực cốt lõi cho tăng trưởng quốc gia, tham gia giải các bài toán kinh tế - xã hội… Thực tế, các hoạt động kinh tế số đang diễn ra sôi động, ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài cho hay, Hiệp hội đã phát triển một số nền tảng số, qua đó để truy xuất nguồn gốc được đến tận cư dân, của người dân và trục hành trình vận chuyển gỗ. Đây là cơ sở dữ liệu để thực hiện các sản phẩm xanh và năng lượng xanh. Hiện Việt Nam nổi lên như một trung tâm chế biến, thương mại gỗ lớn của thế giới, cần thay đổi mô hình tăng trưởng đề giữ được vị thế và tiếp tục phát triển. Thương mại xanh, sản phẩm xanh và tăng trưởng xanh là xu hướng tất yếu, doanh nghiệp gỗ Việt cần thích ứng để duy trì và mở rộng thị trường.
Sụt giảm kim ngạch xuất khẩu hiện nay cũng là dịp để doanh nghiệp gỗ Việt nhìn nhận lại và cải thiện quản trị doanh nghiệp, tăng cường năng lực phòng vệ thương mại và hiệu quả sản xuất/kinh doanh. Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu khoa học và công nghệ gỗ, chủ yếu là nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, tăng cường năm bắt xu hướng phát triển của thế giới và hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường chế biến tạo giá trị gia tăng nhiều hơn.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Ao Vua Nguyễn Mạnh Thản cho biết, chuyển đổi số hiện là công cụ, phương tiện nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao tính minh bạch trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, quan trọng nhất là xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
“Đây là nền tảng cho doanh nghiệp phát triển bền vững, là cơ sở để doanh nghiệp huy động các nguồn lực bên trong và bên ngoài. Nếu không tạo dựng nền tảng văn hóa, doanh nghiệp khó phát triển” – doanh nhân này khẳng định. Song song đó, cần phát triển văn hóa thực thi trong các cơ quan Nhà nước, cán bộ công chức; hoàn thiện thể chế chính sách, quy định pháp luật liên quan tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền nhận định, chuyển đổi số được triển khai sâu rộng và sớm trong ngành vận tải và thu được các kết quả tích cực. Tuy nhiên, ông đưa ra kiến nghị để nâng cao hiệu quả áp dụng chuyển đổi số cho doanh nghiệp, về mặt quản lý Nhà nước nên nghiên cứu có chủ trương, kế hoạch cụ thể nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình. Hiện nay trung tâm được sử dụng vẫn còn là phần mềm thí điểm, chưa đủ độ thông minh, tiện lợi để khai thác dữ liệu; phần cứng chưa được nâng cấp cũng khó đáp ứng được nhu cầu phát triển phương tiện.
Do đó, nên có kế hoạch nâng cấp hàng năm để duy trì, nâng cấp cơ sở quản lý dữ liệu. Đồng thời nghiên cứu hình thành cơ chế chính sách, đổi mới, thúc đẩy chuyển đổi số trong các cơ quan quản lý. Cũng như có ngân sách để thúc đẩy chuyển đổi số vào trong các doanh nghiệp như phục vụ cho các công tác tập huấn, tổ chức đánh giá chuyển đổi số… Còn doanh nghiệp nên gắn với chuyển đổi số trong công tác quản lý Nhà nước để nâng cao hiệu quả quản lý và tạo ra môi trường minh bạch cho các hoạt động vận tải.
Phát triển kinh tế số là chặng đường dài, hiệu quả của hội nhập kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như của các doanh nghiệp. Vì vậy, việc tiếp tục các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp là nội dung cấp bách. Đây chính là chìa khóa để chúng ta thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, qua đó nắm bắt và tận dụng tốt hơn các cơ hội từ kinh tế số.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/so-hoa-giai-phap-cho-doanh-nghiep-phat-trien.html