Số hóa giúp nâng chất lượng quản lý truyền tải ở nơi hẹp nhất cả nước
Chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong quản lý vận hành lưới điện ở Truyền tải điện Quảng Bình đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Truyền tải điện Quảng Bình trực thuộc Công ty Truyền tải điện 2 (PTC2) được giao nhiệm vụ quản lý vận hành lưới điện truyền tải quốc gia đi qua địa bàn tỉnh Quảng Bình, có nhiệm vụ cung cấp điện phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng và dân sinh trên địa bàn tỉnh, kết nối hệ thống điện 2 miền Bắc - Nam nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho cả nước.
Ngoài công tác quản lý kỹ thuật, đơn vị còn phối hợp với các địa phương trong công tác tuyên truyền, bảo vệ an toàn lưới điện, chú trọng công tác phòng, chống cháy rừng ngoài hành lang cháy lan vào tuyến đường dây, thả diều vật bay vướng vào đường dây, cây cao ngoài hành lang gãy, đổ vào đường dây, các phương tiện cơ giới thi công các công trình giao thông vi phạm khoảng cách an toàn...
Để quản lý vận hành an toàn 793 km đường dây 220kV - 500 kV và 3 trạm biến áp 220 kV, 500 kV với tổng dung lượng 500 MVA, Truyền tải điện Quảng Bình đã áp dụng nhiều biện pháp tổ chức, quản lý và tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương trong triển khai các hoạt động. Một trong những bài học kinh nghiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ của đơn vị đó là chú trọng triển khai thực hiện tốt công tác chuyển đổi số và nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ.
Trong công tác ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số, đơn vị đã áp dụng các chương trình điều khiển xa camera giám sát đường dây; ứng dụng các phần mềm về bản đồ, định vị cùng các thiết bị thông minh để hỗ trợ xác định đường vào các vị trí tuyến đường dây; sử dụng mã QR để thực hiện chương trình họp không giấy; triển khai đo nhiệt độ các điểm tiếp xúc trên cao bằng thiết bị UAV.
Truyền tải Quảng Bình cũng đã hoàn thiện cập nhật cơ sở dữ liệu, đảm bảo dữ liệu đúng, đầy đủ trên hệ thống PMIS, MDMS, eDOC theo đúng tiến độ đề ra; triển khai phần mềm quản lý vận hành đường dây; triển khai văn phòng số D-office, 100% dữ liệu công tơ được cập nhật MDMS..v..v..
Bên cạnh đó hàng năm Truyền tải điện Quảng Bình đề có từ 15- 20 giải pháp sáng kiến được nhận, riêng năm 2023 đơn vị có 17 giải pháp sáng kiến được EVNNPT công nhận. Nổi bật trong đó có sáng kiến: “Giải pháp thiết kế mạch khống chế dải giới hạn làm việc của hệ thống điều khiển OLTC khi vận hành song song hai máy biến áp không tương ứng nấc” được EVN công nhận.
Truyền tải điện Quảng Bình cũng đã tiến hành triển khai xây dựng mô hình và tổ chức sản xuất Đội đường dây ứng dụng khoa học công nghệ. Điển hình như việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong phân tích hình ảnh và đánh giá tình trạng thiết bị lưới truyền tải điện, lắp đặt 17 bộ camera tích hợp AI trên cột cao để giám sát an ninh, an toàn đường dây và các camera này khi phát hiện đám cháy tự động gửi cảnh báo về người vận hành thông qua tin nhắn trên điện thoại smartphone.
Từ đầu năm, đơn vị đã hoàn thành ứng dụng toàn diện UAV trong công tác kiểm tra định kỳ hàng tháng, kiểm tra chuyên đề, kiểm tra sự cố và nghiệm thu các công trình đường dây trước khi đưa vào sử dụng. Đến nay, đã hoàn thành lập đường bay tự động 3D các tuyến đường dây và trạm biến áp thuộc đơn vị quản lý.
Ngoài ra, đơn vị thường xuyên áp dụng vệ sinh cách điện đang mang điện bằng nước áp lực cao (hotline); sử dụng các thiết bị đo hiện đại, tiên tiến để kiểm tra các thông số kỹ thuật của thiết bị đang vận hành, như: corocam, camera hồng ngoại, máy đo tổng trở. Đây là những thiết bị cho kết quả đo có độ chính xác cao, giúp người quản lý vận hành đánh giá được chính xác tình trạng của thiết bị; hay ứng dụng hệ thống quan trắc sét để thu thập dữ liệu về giông sét,…
Nhiều nội dung về ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số đã được đơn vị ứng dụng vào công tác quản lý vận hành đã mang lại hiệu quả thiết thực, đảm bảo vận hành an toan lưới truyền tải điện trên địa bàn và đã góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ do Công ty Truyền tải điện 2 giao.