Số hóa hồ sơ vụ án, bước cải cách trong xét xử
Áp dụng số hóa hồ sơ vụ án trong phiên xử bị cáo Trần Duy Thành. Ảnh: VĂN TÀI
Số hóa hồ sơ vụ án là bước đột phá lớn trong công tác phối hợp giải quyết án giữa Viện KSND và TAND các cấp ở Phú Yên. Những phiên tòa sử dụng hồ sơ, vụ án được số hóa và chứng cứ điện tử đều cho thấy hiệu quả rõ rệt, giúp các cơ quan tiến hành tố tụng dễ khai thác, nghiên cứu, bảo đảm chính xác, nghiêm minh trong xét xử…
Những phiên tòa số hóa
Mới đây, Viện KSND TX Sông Cầu phối hợp với TAND cùng cấp tổ chức phiên tòa sơ thẩm số hóa hồ sơ đối với vụ án Trần Duy Thành (SN 1982, trú TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) về tội cướp giật tài sản.
Theo hồ sơ vụ án, vào khoảng 9 giờ ngày 23/10/2019, Trần Duy Thành điều khiển mô tô biển kiểm soát 79V1-094.26 từ TP Quy Nhơn vào thôn Diêm Trường (xã Xuân Lộc, TX Sông Cầu) chơi. Đến khoảng 11 giờ cùng ngày, Thành điều khiển xe về lại TP Quy Nhơn. Khi đến khu vực quán cơm Nhật thuộc thôn Long Thạnh (xã Xuân Lộc), Thành phát hiện bà Võ Thị Thảo điều khiển xe đạp lưu hành ở phần đường ngược chiều, trên cổ đeo một sợi dây chuyền vàng nên nảy sinh ý định cướp giật. Thành điều khiển xe quay lại, áp sát phía bên trái xe bà Thảo rồi dùng tay giật sợi dây chuyền của bà Thảo và nhanh chóng tẩu thoát về Quy Nhơn.
Ngoài ra, qua điều tra, Thành còn khai nhận, khoảng 7 giờ 30 ngày 5/11/2019, khi điều khiển mô tô đến thôn 4 (xã Xuân Hải, TX Sông Cầu), thấy chị Nguyễn Thị Thăm điều khiển mô tô đi ngược chiều, trên cổ đeo một sợi dây chuyền vàng, Thành quay xe lại chạy cùng chiều với xe chị Thăm, áp sát và dùng tay giật sợi dây chuyền rồi điều khiển xe về Quy Nhơn. Kết luận định giá hai sợi dây chuyền mà Thành đã cướp giật là hơn 13 triệu đồng.
Tại phiên xử, Viện KSND TX Sông Cầu tổ chức áp dụng phiên tòa số hóa hồ sơ vụ án và chứng cứ điện tử. Trong đó, việc xét xử, làm rõ chứng cứ được áp dụng thiết bị công nghệ thông tin để trình chiếu tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh, video. Kết thúc phiên xử, TAND TX Sông Cầu tuyên phạt bị cáo Thành 4 năm tù về tội cướp giật tài sản; tổng hợp hình phạt của bản án 1 năm 3 tháng tù về tội trốn khỏi nơi giam, giữ của TAND huyện Đồng Xuân, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung 5 năm 3 tháng tù.
Trước đó, Viện KSND tỉnh phối hợp với Viện kiểm sát và TAND TP Tuy Hòa tổ chức phiên tòa sơ thẩm sử dụng số hóa hồ sơ và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa. Đồng thời tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến nối điểm cầu từ phòng xử án TAND TP Tuy Hòa đến điểm cầu Viện KSND tỉnh và 9 điểm cầu ở Viện KSND cấp huyện, thị xã, thành phố.
Theo cáo trạng truy tố, trong quá trình sống chung với nhau như vợ chồng, Trần Văn Dũng (SN 1993, trú xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa) và Trần Xuân Tuyết (SN 1996, trú xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa), thiếu nợ nhiều người nên Dũng nảy sinh ý định rồi rủ Tuyết trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt mô tô bán lấy tiền trả nợ và tiêu xài cá nhân thì Tuyết đồng ý.
Từ tháng 8-10/2019, bằng thủ đoạn gửi xe của mình tại các nhà xe, sau đó lén xóa số xe mô tô người khác rồi lấy phấn ghi số trong thẻ gửi xe của mình để chiếm đoạt, Dũng đã 5 lần lừa đảo để chiếm đoạt 5 mô tô với tổng trị giá 91 triệu đồng; Tuyết tham gia cùng Dũng 4 lần lừa đảo chiếm đoạt 4 mô tô, với tổng trị giá là 63 triệu đồng.
Điểm đặc biệt của vụ án này, ngay từ khi tiếp nhận và thụ lý kiểm sát tin báo, Văn phòng Viện KSND tỉnh đã phân công một cán bộ thuộc bộ phận công nghệ thông tin đến Viện KSND TP Tuy Hòa để phối hợp ứng dụng số hóa hồ sơ vụ án xuyên suốt quá trình giải quyết vụ án.
Theo đó, khi nghiên cứu tài liệu, chứng cứ, kiểm sát viên không quá phụ thuộc vào hồ sơ vụ án (hồ sơ giấy) và sử dụng hồ sơ điện tử bằng ứng dụng số hóa đảm bảo rút ngắn thời gian nghiên cứu, trích cứu tài liệu của kiểm sát viên.
Trước tài liệu, chứng cứ được công bố bằng hình ảnh tại phiên tòa, các bị cáo đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Tại tòa sơ thẩm, trên cơ sở đề nghị của viện kiểm sát và các quy định của pháp luật, hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Trần Văn Dũng 5 năm tù và Trần Xuân Tuyết 3 năm 3 tháng tù về hai tội trộm cắp tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp
Theo đánh giá của lãnh đạo TAND và Viện KSND tỉnh, việc tiến hành số hóa hồ sơ vụ án, công bố các tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa đã góp phần nâng cao tính thuyết phục đối với những người tham gia tố tụng. Đồng thời được hội đồng xét xử ghi nhận, đánh giá cao về kỹ năng tranh tụng của kiểm sát viên và hiệu quả tuyên truyền, giáo dục pháp luật sâu rộng đến quần chúng nhân dân.
Bên cạnh đó, việc thực hiện số hóa hồ sơ sẽ không phải in ấn, chuyển hóa các chứng cứ điện tử thành giấy tờ, tiết kiệm chi phí cũng như thuận lợi cho việc lưu trữ. Đồng thời, việc số hóa hồ sơ còn giúp chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan tiến hành tố tụng thuận lợi hơn.
Theo ông Nguyễn Kim Hoàng, Viện trưởng Viện KSND TX Sông Cầu, việc kiểm sát viên sử dụng và trình chiếu hồ sơ, tài liệu đã số hóa và bảo đảm việc xét xử, tranh tụng khách quan, chính xác và có tính thuyết phục cao. Việc số hóa hồ sơ tạo điều kiện thuận lợi cho kiểm sát viên tiếp cận, khai thác, cập nhật tài liệu và tiết kiệm thời gian hơn so với trước. Đồng thời việc xét hỏi, công bố tài liệu, chứng cứ được trình chiếu đảm bảo cho bị cáo và những người tham gia phiên tòa nhận thấy được sự công khai, khách quan trong quá trình thu thập chứng cứ, tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự trong giải quyết vụ án.
Còn theo Viện trưởng Viện KSND tỉnh Lê Trung Hưng, việc trình chiếu công khai các tài liệu, chứng cứ được số hóa tại phiên tòa không chỉ có hiệu quả trong việc chứng minh tội phạm mà còn giúp nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của kiểm sát viên. “Áp dụng số hóa vụ án, trình chiếu tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa cũng giúp việc tranh luận trong phiên tòa được dân chủ, khách quan, việc xét xử được công khai, minh bạch. Đây cũng là bước đột phá của Viện KSND tỉnh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp”, ông Lê Trung Hưng nhấn mạnh.
Được biết, sau quá trình thực hiện thí điểm việc số hóa ở một số đơn vị, các cơ quan tiến hành tố tụng ở Phú Yên sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình số hóa hồ sơ, trình chiếu tài liệu, chứng cứ điện tử trong toàn tỉnh.
Áp dụng số hóa vụ án, trình chiếu tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa giúp việc tranh luận trong phiên tòa được dân chủ, khách quan, việc xét xử được công khai, minh bạch. Đây cũng là bước đột phá của Viện KSND tỉnh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp.