'Số hóa' quy trình nghiệp vụ và hệ thống thông tin ngành tài chính trong kỷ nguyên số

Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân sách là một nhiệm vụ cấp bách, quan trọng cần tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả. Trong đó, tập trung vào 3 vấn đề tập trung là thể chế, công nghệ và con người; thể chế đi trước, công nghệ, con người là nền tảng tạo tiền đề để phát triển.

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng tại Hội thảo về tài chính số trong quản lý ngân sách nhà nước năm 2024 (Vietnam Digital Finance 2024). Hội thảo do Cục Tin học và Thống kê tài chính cùng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đồng tổ chức với chủ đề “Đổi mới quy trình nghiệp vụ và hệ thống thông tin ngành tài chính trong kỷ nguyên số”.

Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

Triển khai cấp bách 3 vấn đề

Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, đối với thể chế, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân sách cần tập trung vào việc rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách trong các lĩnh vực trọng tâm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính để làm cơ sở cho việc chuyển đổi số tại Bộ Tài chính.

Bên cạnh thể chế, ngành tài chính đã tập trung nâng cao năng lực hạ tầng số, hoàn thiện dữ liệu số, đẩy mạnh phát triển các ứng dụng, dịch vụ số, an toàn, an ninh mạng; tăng cường triển khai, thử nghiệm các công nghệ mới như AI, Bigdata,.. nhằm phục vụ các hoạt động chuyên ngành cốt lõi (tài chính nhà nước, thuế, hải quan, thị trường tài chính…) và các hoạt động phục vụ người dân, doanh nghiệp (nâng cao năng lực dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh các ứng dụng có tương tác với người dân, doanh nghiệp …).

Đối với nhân lực, chú trọng vào việc nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm với tinh thần quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt trong quá trình chuyển đổi số của toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức ngành tài chính.

“Việc tổ chức Hội thảo - Triển lãm VDF 2024 nhằm khẳng định quyết tâm của ngành Tài chính trong việc thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Sự kiện này cũng hỗ trợ triển khai Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử để phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng cho biết.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng tại Hội thảo

Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng tại Hội thảo

Đuổi kịp các doanh nghiệp về công nghệ

Theo Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính Đoàn Thanh Tùng, Bộ Tài chính đã đạt được những kết quả đáng kể trong việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06. Một trong những thành tựu nổi bật là việc xây dựng thành công Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, cho phép họ thực hiện đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế trực tuyến. Đến nay, đã có 101 nhà cung cấp nước ngoài từ nhiều quốc gia thực hiện đăng ký và nộp thuế qua cổng này, với tổng số tiền thuế thu được trong năm 2024 là 4.039 tỷ đồng.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, TS. Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, quá trình chuyển đổi trong ngành tài chính cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất của ngành tài chính là đuổi kịp với các doanh nghiệp về áp dụng khoa học công nghệ, nền tảng mới, để có thể bao quát hết được các hình thức kinh doanh, các nguồn thu của doanh nghiệp.

“Việc thu thập, quản lý và phân tích, xử lý dữ liệu còn hạn chế. Các hệ thống đôi chỗ chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Ngoài ra, còn tình trạng thiếu hụt nhân lực trình độ cao, hiệu quả công tác tuyên truyền, tâm lý chưa sẵn sàng thay đổi cũng là những rào cản”, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính nêu.

Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính

Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã thảo luận và đề xuất nhiều giải pháp nhằm xây dựng nền tài chính số hóa an toàn, ổn định, thông suốt và dựa trên công nghệ hiện đại. Đặc biệt, các giải pháp này cần hướng tới khả năng cung cấp dịch vụ tài chính với chất lượng ngày càng cao, từ đó tạo điều kiện cho các cơ quan lãnh đạo đưa ra các quyết định chính xác, kịp thời để đáp ứng yêu cầu của thời đại.

Trong khuôn khổ VDF 2024, Bộ Tài chính cũng đã tổ chức Triển lãm giới thiệu các kết quả và giải pháp ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính. Triển lãm bao gồm các sản phẩm và giải pháp công nghệ mới nhất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là các công nghệ liên quan đến trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, dữ liệu lớn và công nghệ bảo mật dữ liệu. Những công nghệ này đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng một hệ thống tài chính số hóa an toàn, minh bạch và linh hoạt, giải quyết được các thách thức của tương lai.

Lệ Giang

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/tai-chinh/so-hoa-quy-trinh-nghiep-vu-va-he-thong-thong-tin-nganh-tai-chinh-trong-ky-nguyen-so-127144.html