Sở hữu nhóm máu 'quý hơn vàng', cả thế giới chỉ 43 người có, người phụ nữ yêu cầu được giữ kín danh tính
Người phụ nữ này sở hữu nhóm máu cực hiếm được ví là 'quý hơn vàng' và cả thế giới chỉ 43 người có, nhưng chỉ có 9 người dám hiến tặng.
Khi nhắc tới nhóm máu hiếm, nhiều người thường nghĩ ngay đến Rh âm tính (Rh-), nhóm máu chiếm tỷ lệ rất ít tại Việt Nam, khoảng từ 0,04% - 0,07% dân số. Tuy nhiên, trên thế giới vẫn có những nhóm máu hiếm hơn.
Mới đây, một người phụ nữ đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận khi sở hữu nhóm máu cực hiếm Rh-null (Rh vô giá trị), sau khi Ngân hàng máu Đặng Châu (Hà Nam, Trung Quốc) đăng tải bức hình của cô lên trang Facebook của họ.
Theo đó, người phụ nữ này mới 29 tuổi, đến từ Đặng Châu (Trung Quốc) và hiện đang sinh sống ở bang Terengganu (Malaysia). Cô là người duy nhất trong gia đình sở hữu “nhóm máu vàng”, được cho là do đột biến gen.
Cách đây vài ngày, cô đã đi hiến máu và bức ảnh trên được chụp trong lúc cô đang hiến máu. Trong bức ảnh, người phụ nữ đeo khẩu trang và che kín mặt nên hoàn toàn không thể nhận ra danh tính của cô.
Bức ảnh sau khi được đăng tải đã thu hút sự chú ý của nhiều người, đa số mọi người đều muốn biết thêm thông tin về cô. Tuy nhiên, người phụ nữ nói rằng cô muốn giữ bí mật về danh tính và các thông tin liên quan với ngân hàng máu, đồng thời nói rõ cô chưa sẵn sàng nhận phỏng vấn của giới truyền thông.
“Máu vàng” mà người phụ nữ hiến tặng sẽ được bảo quản trong tủ lạnh nitơ lỏng ở nhiệt độ -80 độ C trong 10 năm. Nếu bệnh nhân có nhu cầu, nó sẽ được rã đông để sử dụng.
Được biết, nhóm máu Rh-null là nhóm máu cực hiếm, được ví là quý hơn vàng. Nhóm máu này được tìm thấy lần đầu tiên vào năm 1961 từ một người phụ nữ thổ dân Australia. Trong 50 năm qua, cả thế giới mới chỉ xác định được 43 người sở hữu nhóm máu này và chỉ 9 người trong số đó đồng ý hiến máu.
Rh-null được gọi là máu "vàng" vì hai lý do. Thứ nhất là nó hoàn toàn không chứa kháng nguyên nào, trong khi trên bề mặt mỗi tế bào hồng cầu có tới 342 kháng nguyên, nên nó có thể truyền cho tất cả các nhóm máu trên thế giới, kể cả nhóm máu hiếm Rh-. Nhờ vậy mà tiềm năng cứu sống người của nó là rất lớn, nhưng vì nó quá hiếm và gần như không thể thay thế nên máu Rh-null chỉ được truyền cho những ca bệnh hiểm nghèo nhất.
Thứ hai, nhóm máu Rh-null có giá trị khoa học vô cùng to lớn. Nó có thể giúp các nhà nghiên cứu giải mã những bí ẩn của vai trò sinh lý học trong hệ máu Rh phức tạp.
Tuy nhiên, người sở hữu nhóm máu này lại không thể tiếp nhận bất cứ loại máu nào, ngoại trừ máu Rh-null. Nguyên nhân là do nếu họ tiếp nhận máu của người nào có chứa 1 trong số 61 kháng nguyên Rh mà họ không có, các kháng thể của họ sẽ ngay lập tức phản ứng lại với những tế bào máu không tương thích, gây ra phản ứng nguy hiểm chết người trong hệ miễn dịch.
Ngoài Rh-null, nhóm máu Bombay (máu hh) và nhóm máu Lutheran (máu The Lu (ab-)) cũng là những nhóm máu hiếm nhất trên thế giới. Cụ thể, nhóm máu Bombay được phát hiện vào năm 1952 tại Bombay (Ấn Độ) và nhóm máu này thiếu các kháng nguyên A, B, H.
Theo ước tính, tỷ lệ người sở hữu nhóm máu Bombay là 1/1.000.000 người ở châu Âu và 1/10.000 người Ấn Độ. Nhóm máu hh có thể truyền cho bất kỳ nhóm máu nào trong huyết hệ A, B, O, nhưng người sở hữu nhóm máu này chỉ có thể nhận máu từ một cá nhân mang nhóm máu Bombay khác.
Về nhóm máu Lutheran, nhóm máu hiếm này được phát hiện lần đầu tiên từ một bệnh nhân tên Luteran vào năm 1945. Kiểu hình Lu (ab-) vô cùng hiếm, có 3 nguồn gốc di truyền. Thử nghiệm trên 250.000 người hiến máu cho thấy, tỷ lệ người sở hữu nhóm máu này là khoảng 1/3.000 người.