Sở hữu trí tuệ - kim chỉ nam giúp thanh niên khởi nghiệp sáng tạo
Tuy triển khai vào giai đoạn rất khó khăn của cả nước cũng như thành phố Hà Nội do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng Sở Khoa học và Công nghệ vẫn quyết liệt vào cuộc hỗ trợ các dự án khởi nghiệp sáng tạo của người trẻ và đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Biến thách thức thành cơ hội
Dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội. Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp đang bị tác động rất lớn, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát trở lại, nhiều doanh nghiệp đã ngừng sản xuất hoặc phá sản tăng mạnh. Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh, không tiếp cận được khách hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng, doanh thu giảm mạnh, phải cho nhiều lao động nghỉ việc…
Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mở ra nhiều cơ hội để các ý tưởng, dự án khởi nghiệp nắm bắt thời cơ, tìm ra hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường. Đặc biệt là với những ý tưởng khởi nghiệp của người trẻ.
Nhiều chuyên gia cho rằng doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp cần lưu ý, chú trọng đào tạo đội ngũ nhân viên, nắm bắt các giải pháp công nghệ để có thể biến những ý tưởng kinh doanh trở thành hiện thực trong giai đoạn này. Để khơi thông chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp tại Việt Nam và thế giới đã đầu tư, tập trung khai thác các lợi thế từ chuyển đổi số.
Những năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp của thành phố Hà Nội đã chuyển đổi số tương đối thành công, tạo ra các đột phá trong sản xuất, kinh doanh. Thông qua đó, nhiều doanh nghiệp đã vươn lên khẳng định thương hiệu của mình, ký kết được các hợp đồng lớn để bán hàng hóa cho đối tác trong nước, nước ngoài, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu.
Để có được thành công đó, nhiều start-up trẻ đã nhanh chóng tiếp cận và tận dụng những lợi thế mà quyền sở hữu trí tuệ mang lại với ý tưởng khởi nghiệp của mình. Các công cụ của hệ thống sở hữu trí tuệ như nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, quyền tác giả, sáng chế, giống cây trồng, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh và các đối tượng khác - đã hỗ trợ họ thực hiện tham vọng xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.
Nhờ vào ứng dụng khoa học công nghệ, một số start-up đã thành công trong việc tạo ra các ứng dụng dịch vụ khám chữa bệnh từ xa hay tư vấn vấn đề pháp lý online, các ứng dụng giáo dục trẻ em… Những ứng dụng này không ngừng được phát triển và có sức ảnh hưởng lớn trong xã hội và được thị trường đón nhận.
Giữa vô vàn những khó khăn, Hà Nội vẫn là một trong những địa phương tận dụng tốt nhất những cơ hội giữa những thách thức Covid-19 mang lại.
hiều cơ chế, chính sách hỗ trợ
Tuy triển khai vào giai đoạn rất khó khăn của cả nước cũng như thành phố Hà Nội do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng Sở Khoa học và Công nghệ vẫn quyết liệt vào cuộc hỗ trợ các dự án khởi nghiệp sáng tạo của người trẻ và đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ các start-up đổi mới sáng tạo đã được thành phố ban hành sau khi có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các nghị định hướng dẫn liên quan.
Riêng đối với Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, với các hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ, phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ tham mưu ban hành biểu mẫu và quy trình hỗ trợ kinh phí các nhiệm vụ trong Đề án “Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn năm 2019 - 2025”; góp ý quản lý sản phẩm OCOP trên địa bàn Thành phố. Công tác tư vấn hướng dẫn xác lập quyền sở hữu công nghiệp là công việc thường xuyên của phòng nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tiến hành đăng ký thuận lợi, nhanh chóng và chính xác, giảm thời gian phải sửa chữa sai sót.
Trong năm 2021, phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ đã tư vấn, hướng dẫn được 32 tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục, tiến trình bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, cụ thể là 29 đơn nhãn hiệu, 3 đơn sáng chế và 21 đơn kiểu dáng công nghiệp.
Theo số liệu thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, đến hết tháng 10/2021, Hà Nội có 12.965 (chiếm 35,5% và dẫn đầu cả nước) đơn đăng ký sở hữu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội; trong đó 477 đơn sáng chế, 176 đơn giải pháp hữu ích, 457 đơn kiểu dáng công nghiệp, 11.855 đơn nhãn hiệu; Số lượng bằng/giấy chứng nhận sở hữu công nghiệp đã được cấp là 6.954 (bằng 33,3% và đứng đầu cả nước), trong đó 77 bằng độc quyền sáng chế, 88 bằng độc quyền giải pháp hữu ích, 213 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, 6.576 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Công tác hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội được ưu tiên, tập trung đối với quá trình quản lý, phát triển và bảo tồn các sản phẩm làng nghề, nông nghiệp của Hà Nội.
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn nhận định: “Hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động cơ quan quản lý các cấp, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Thành quả này đạt được là nhờ công tác tuyên truyền tập huấn, phổ biến kiến thức, chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ cũng như công các hướng dẫn xác lập quyền và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đã được tổ chức tốt và đều đặn”.