Sở hữu trí tuệ nâng cao giá trị nông sản của địa phương

Nông sản của Lào Cai ngày càng được ưa chuộng tại thị trường trong nước. Nhiều sản phẩm chủ lực của các địa phương sau khi được bảo hộ sở hữu trí tuệ đã được người tiêu dùng biết đến rộng rãi.

Giờ đây, rau trái vụ của Lào Cai không còn xa lạ đối với thị trường trong nước, đặc biệt là bắp cải. Tận dụng lợi thế về khí hậu, nhiều địa phương vùng cao đã đưa rau bắp cải trái vụ vào kế hoạch sản xuất hằng năm, coi đây là một trong những cây trồng giúp người dân thoát nghèo.

Trong 3 năm trở lại đây, Si Ma Cai đã phát triển mô hình trồng rau bắp cải trái vụ với quy mô hơn 60 ha và thu về hơn 7 tỷ đồng chỉ trong 3 tháng hè mỗi năm. Ông Trần Xuân Huy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Si Ma Cai cho biết: Để trồng rau trái vụ đạt hiệu quả kinh tế cao và bền vững, huyện đã đẩy mạnh liên kết, mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm. Không chỉ trong tỉnh mà nhiều thương lái đến từ Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên... đã trực tiếp tìm đến tận các hộ thu mua sản phẩm.

Lào Cai hiện có hơn 330 ha rau trái vụ, tập trung tại thị xã Sa Pa và các huyện Bắc Hà, Mường Khương, Bát Xát, Si Ma Cai với tổng sản lượng trên 800 tấn/năm, giá bán 15.000 - 20.000 đồng/kg. Kể từ khi được công nhận nhãn hiệu tập thể vào năm 2022, rau trái vụ Lào Cai đã có giá bán tăng 2.000 - 3.000 đồng/kg, lợi nhuận tăng hơn 2 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2022, vịt bầu Nghĩa Đô (Bảo Yên) sau khi có nhãn hiệu, giá bán đã tăng 10.000 đồng/kg, mang lại giá trị kinh tế cho người dân thêm 800 triệu đồng. 2 sản phẩm kể trên được công nhận, tiếp tục bổ sung, đóng góp vào danh sách nông sản Lào Cai được “định danh” trên thị trường, xuất hiện trong các sàn giao dịch nông sản thương mại điện tử.

Năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức công bố 6 nhãn hiệu sản phẩm và cấp quyền sử dụng các nhãn hiệu tập thể là rau trái vụ Lào Cai, tam thất bắc Lào Cai, gà H’Mông Lào Cai, hà thủ ô đỏ Lào Cai, miến đao sâm Bát Xát và vịt bầu nghĩa Đô (Bảo Yên) cho hơn 170 tổ chức, cá nhân, hộ gia đình.

Dấu ấn sở hữu trí tuệ năm 2022.

Dấu ấn sở hữu trí tuệ năm 2022.

Sở Khoa học và Công nghệ trình UBND tỉnh phê duyệt danh mục dự án hỗ trợ kinh phí xây dựng, phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm, dịch vụ, du lịch là “lạc đỏ Si Ma Cai”, “dứa Bảo Thắng”, “lạp sườn Mường Khương”, “chè Bát tiên Mường Hum” (Bát Xát), “Làng du lịch cộng đồng Nghĩa Đô”, “Du lịch Y Tý”, “Cao nguyên trắng Bắc Hà”. Đồng thời, phê duyệt và hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án xây dựng 5 nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm cốm Bắc Hà, cá nước lạnh Văn Bàn, bánh chưng đen Bắc Hà, thanh long ruột đỏ Bảo Yên, chuối ngự Hồng Cam (Bảo Yên) và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm gạo nếp Khẩu Tan Đón, xã Thẳm Dương (Văn Bàn).

Đặc biệt, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt danh mục Dự án Xây dựng, phát triển chỉ dẫn địa lý “Bắc Hà” cho sản phẩm quế vỏ của huyện Bắc Hà tại Quyết định 1984 ngày 27/7/2021 thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ cấp quốc gia thực hiện từ năm 2022.

Những kết quả kể trên là tín hiệu đáng mừng khi công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ được quan tâm, không chỉ mở lối cho nông sản Lào Cai vươn ra thị trường trong và ngoài nước, mà còn nâng tầm giá trị kinh tế cho các sản phẩm nông sản.

Ông Nguyễn Mạnh Hồng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ khẳng định: Tỉnh Lào Cai xác định sở hữu trí tuệ đóng vai trò như một động lực thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao trình độ công nghệ, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu tài sản trí tuệ, góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển sản xuất ở địa phương. UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược Sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2030.

Thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục đề xuất tham mưu cho các cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi những quy định, chính sách, cơ chế khuyến khích, phát triển sở hữu trí tuệ để làm cơ sở, hỗ trợ và nâng cao hiệu lực quản lý về sở hữu trí tuệ.

Cùng với đó, ngành khoa học và công nghệ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ, góp phần đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/so-huu-tri-tue-nang-cao-gia-tri-nong-san-cua-dia-phuong-post367693.html