Sở hữu trí tuệ - thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển văn hóa nghệ thuật

Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26.4) là dịp để cộng đồng quốc tế cùng nhìn nhận, đánh giá và tôn vinh những thành tựu mà hệ thống sở hữu trí tuệ (SHTT) mang lại trong việc thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và phát triển văn hóa - nghệ thuật.

Năm 2025, với thông điệp toàn cầu “Sở hữu trí tuệ và âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của sở hữu trí tuệ”, chủ đề nhấn mạnh vai trò của âm nhạc - một ngành công nghiệp văn hóa cốt lõi trong phát triển kinh tế sáng tạo và hệ thống SHTT chính là “bệ phóng” để âm nhạc lan tỏa và phát triển bền vững, đặc biệt trong kỷ nguyên số.

Ngoài ra, thông điệp cũng nhằm tôn vinh những đóng góp của các nhà sáng tạo, nhà phát minh và doanh nhân đã vượt qua ranh giới của sự đổi mới và sáng tạo để tạo ra âm nhạc, kết nối mọi người lại với nhau, khơi dậy những cảm xúc mạnh mẽ, thúc đẩy sự thay đổi và truyền cảm hứng cho một tương lai đổi mới sáng tạo.

Bảo hộ quyền tác giả

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) về quy mô và tác động kinh tế của ngành công nghiệp sáng tạo (CCls) trên toàn cầu, lĩnh vực này tạo ra khoảng 2,25 nghìn tỉ USD mỗi năm, đóng góp vào nền kinh tế và sử dụng hơn 30 triệu lao động trên toàn thế giới.

Năm 2022, xuất khẩu dịch vụ sáng tạo toàn cầu đạt 1,4 nghìn tỉ USD, tăng 29% so với năm 2017. Đáng chú ý, tổng thu nhập của các nhà sáng tạo toàn cầu tăng 7,6% vào năm 2023.

Sở hữu trí tuệ và âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của sở hữu trí tuệ - Ảnh: WIPO

Sở hữu trí tuệ và âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của sở hữu trí tuệ - Ảnh: WIPO

Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế toàn diện, kinh tế sáng tạo trở thành động lực tăng trưởng mới, với âm nhạc, nghệ thuật cũng được xem là một ngành công nghiệp văn hóa trọng yếu.

Theo Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), trong hệ thống SHTT, quyền tác giả, quyền liên quan là công cụ pháp lý quan trọng để bảo vệ tác phẩm âm nhạc khỏi việc sử dụng trái phép; đảm bảo thu nhập công bằng cho nghệ sĩ, nhà sản xuất, đơn vị phát hành; khuyến khích đầu tư vào sáng tạo, sản xuất và phân phối nội dung có bản quyền.

Việt Nam đã tham gia 8 công ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan, như Công ước Berne, Hiệp ước WCT, WPPT, Marrakesh, Hiệp định TRIPS… và nhiều hiệp định thương mại tự do như Hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP…

Việt Nam cũng đang tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện pháp luật để bắt kịp xu thế mới. Luật SHTT sửa đổi năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý mạnh mẽ hơn trong xử lý vi phạm và bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong đó có lĩnh vực âm nhạc.

Chuỗi sự kiện nổi bật

Hưởng ứng Ngày SHTT thế giới (26.4.2025) và hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Cục Bản quyền tác giả phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức chuỗi sự kiện nhằm nâng cao nhận thức về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, trọng tâm là trên lĩnh vực âm nhạc, được diễn ra tại TP.HCM.

Điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động là hai sự kiện trọng tâm diễn ra vào ngày 20.4.2025, gồm Chương trình giới thiệu, giao lưu về bản quyền trong lĩnh vực âm nhạcvới chủ đề “Sở hữu trí tuệ và âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của sở hữu trí tuệ” (tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM).

Sự kiện thứ hai là chương trình tọa đàm về các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc với chủ đề “Đối thoại về các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc”.

Chương trình với sự tham gia của đại diện các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động tổ chức sự kiện âm nhạc, biểu diễn nghệ thuật, đặc biệt sự hiện diện của một số cá nhân có nhiều đóng góp quan trọng, nổi bật tại các sự kiện âm nhạc, festival âm nhạc trong thời gian vừa qua.

Trong kỷ nguyên số và sự lan tỏa của công nghệ AI, âm nhạc cần được bảo vệ bằng công cụ pháp lý hiệu quả để đảm bảo giá trị gốc của sáng tạo không bị mai một.

Có thể thấy hệ thống SHTT chính là cây cầu kết nối người sáng tạo - người sử dụng - nhà đầu tư, góp phần hình thành một hệ sinh thái âm nhạc công bằng, phát triển và bền vững.

Nhật Anh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/so-huu-tri-tue-thuc-day-doi-moi-sang-tao-phat-trien-van-hoa-nghe-thuat-231655.html