Sở hữu trí tuệ thúc đẩy phát triển bền vững
Ngày 13-3-2018, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) ban hành Quyết định số 673/QĐ-SHTT về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm 'Hạt điều Bình Phước'. Những năm qua, Sở KH&CN và Hội Điều Bình Phước đã phối hợp hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng chỉ dẫn địa lý 'Hạt điều Bình Phước' về trình tự thủ tục và các tiêu chí, điều kiện để được cấp chỉ dẫn địa lý. Hiện có 8 doanh nghiệp sản xuất hạt điều trên địa bàn tỉnh được cấp chỉ dẫn địa lý 'Hạt điều Bình Phước', trong đó có 3 sản phẩm (hạt điều nguyên liệu, hạt điều nhân và hạt điều rang muối) được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
“Đòn bẩy” phát triển
Sở KH&CN đã hỗ trợ 10 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh hạt điều trên địa bàn tỉnh ứng dụng tem điện tử để truy xuất nguồn gốc sản phẩm với 349.400 tem và cung cấp miễn phí tài khoản đăng nhập vào hệ thống phần mềm VNPT Check để quản lý các mã tem đã được hỗ trợ. Thông qua việc quét mã tem, khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm, doanh nghiệp có thêm số liệu để phân tích tình hình sử dụng sản phẩm của khách hàng.
Tiến sĩ Phạm Thị Hồng Phượng, Trưởng bộ môn Công nghệ hóa học - vật liệu, Khoa Công nghệ hóa học Trường đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho biết: Chuyển đổi xanh, SHTT và đổi mới sáng tạo là một trong những chuỗi giá trị mà doanh nghiệp cần xác định rõ để thay đổi tư duy. Hiện nay, các doanh nghiệp tập trung quảng cáo sản phẩm theo chiến lược 4P, gồm: sản phẩm (product), giá cả (price), phân phối (place), xúc tiến (promotion). Đây là sự kết hợp của nhiều công cụ quảng cáo, được các nhà tiếp thị sử dụng để đạt được mục tiêu của mình. Các doanh nghiệp điều Bình Phước cần xây dựng giá trị tư duy để tiếp tục đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm hạt điều vươn xa.
Ông Lê Huy Anh, Phó Cục trưởng Cục SHTT nhận định, tỉnh Bình Phước có thể phát triển thành trung tâm quốc tế về điều. Bình Phước có lợi thế về vị trí địa lý, thuận lợi phát triển những sản phẩm chủ lực của địa phương, đặc biệt là sản phẩm điều - thủ phủ điều của Việt Nam. Đây cũng là nền tảng để tỉnh thúc đẩy các hoạt động SHTT cho sản phẩm của địa phương. Bởi SHTT là cơ chế bảo hộ thành quả sáng tạo của các chủ thể. Khi được bảo hộ thì được độc quyền sử dụng, khai thác trong 20 năm. Đối với chỉ dẫn địa lý hoặc nhãn hiệu thì chủ sở hữu có quyền khai thác để phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Đây cũng là cơ sở để xây dựng thương hiệu, giúp người tiêu dùng nhận biết được các sản phẩm chất lượng, tạo “đòn bẩy” góp phần phát triển kinh tế của tỉnh.
Ông Huy Anh khẳng định: Cục SHTT đã triển khai nhiều hoạt động giúp các địa phương có thêm kinh nghiệm, kiến thức từ các chuyên gia để làm tốt hơn việc tạo lập, đăng ký bảo hộ và khai thác quyền SHTT. Chúng tôi cam kết đồng hành với tỉnh trong các hoạt động SHTT.
Với mục tiêu đưa SHTT đến gần hơn với cộng đồng dân cư và đặc biệt là doanh nghiệp, ngành KH&CN tỉnh tích cực tổ chức các hoạt động SHTT, đổi mới sáng tạo nhằm lan tỏa và nâng cao nhận thức về SHTT cho người dân, doanh nghiệp. Chúng tôi mong muốn cùng với sự hỗ trợ, đồng hành của ngành KH&CN sẽ có nhiều công nhận nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể trên địa bàn tỉnh. Qua đó, sở sẽ có định hướng để doanh nghiệp xây dựng và phát triển mạnh mẽ hơn nữa các thương hiệu sản phẩm của mình cũng như nông sản đặc trưng của tỉnh.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ BÙI THỊ MINH THÚY
Giải pháp phát triển bền vững
Là đơn vị được giao quản lý chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”, Phó Chủ tịch Hội Điều Bình Phước Nguyễn Hoàng Đạt, Giám đốc Công ty TNHH Vinahe (TX. Phước Long) cho biết, những năm qua, Hội Điều Bình Phước luôn đẩy mạnh tuyên truyền giúp hội viên hiểu được những lợi ích về quảng bá thương hiệu hạt điều Bình Phước. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp đã đăng ký bảo hộ SHTT, hội có định hướng để phát triển tốt hơn, giúp người tiêu dùng biết đến những sản phẩm chỉ dẫn địa lý của tỉnh, qua đó phát triển các sản phẩm bền vững, đi xa hơn.
Để quản lý, khai thác và phát triển bền vững chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”, Phó Trưởng phòng Quản lý KH&CN, Sở KH&CN Đàm Văn Toàn cho biết, trong thời gian tới, cần tập trung giám sát quá trình sản xuất, phân phối sản phẩm hạt điều mang chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”; có giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời hỗ trợ nông dân trồng điều trên địa bàn tỉnh về cây giống, quy trình chăm sóc đảm bảo chất lượng để ngày càng nâng cao giá trị thương hiệu hạt điều Bình Phước. Ngoài ra, cần liên kết các nhà sản xuất, doanh nghiệp theo chuỗi giá trị để người trồng điều yên tâm về giá; hỗ trợ người dân tích cực thực hiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý hạt điều, đặc biệt là bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” ở thị trường nước ngoài.
Cũng theo ông Toàn, hiện nay sản phẩm hạt điều Bình Phước phân phối tại 59 quốc gia, vùng lãnh thổ nhưng chưa được đăng ký bảo hộ ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới nên phải có giải pháp để bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở các nước này nhằm tăng giá trị xuất khẩu.
Theo Thông báo số 1420/TB-SKHCN ngày 5-7-2024 của Sở KH&CN, các thủ tục đăng ký sở hữu công nghiệp (SHCN) được Cục SHTT tiếp nhận từ ngày 1-7-2024 đến hết 31-12-2024 và các thủ tục trong quá trình xử lý các đơn SHCN được cục tiếp nhận trước đó có thông báo nộp lệ phí do cục ban hành, sẽ được giảm 50% các loại lệ phí, gồm: Lệ phí nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền SHCN; lệ phí cấp văn bằng bảo hộ, chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền SHCN; lệ phí duy trì, gia hạn, chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ quyền SHCN...