Sợ Iran đánh một trận 'sạch không kình ngạc', Mỹ khẩn cấp điều thêm hàng nóng đến Iraq
Chỉ trong vài ngày, Mỹ đã cho triển khai hai hệ thống phòng không hiện đại nhất nhì của họ đến Iraq, khi các căn cứ có quân Mỹ đồn trú liên tiếp bị tấn công bằng rocket.
Người kế vị Tướng Soleimani tới Iraq, Tổng thống Trump cảnh báo Iran
Trong một tuyên bố mới đây trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Iran sẽ phải hứng chịu hậu quả nếu tấn công lực lượng Mỹ đóng tại Iraq. Tuyên bố này được đưa ra ngay tại thời điểm hãng tin AP dẫn lời quan chức Iraq cho biết tân Tư lệnh lực lượng đặc biệt Quds vừa có chuyến đi tới Baghdad, Iraq.
Trong dòng tweet, ông Trump nói rằng dựa trên những thông tin có được, Mỹ nhận thấy Iran và lực lượng ủy nhiệm đang lên kế hoạch mở cuộc tấn công chớp nhoáng nhằm vào binh sĩ Mỹ hoặc căn cứ Mỹ tại Iraq.
"Nếu điều này xảy ra, Iran sẽ phải trả một cái giá rất đắt, thực sự là như vậy", Tổng thống Mỹ cảnh báo.
Tuyên bố của Tổng thống Trump diễn ra tại thời điểm người kế vị Soleimani là Tướng Esmail Ghaani có chuyến đi tới Baghdad để hàn gắn các rạn nứt chính trị tại Iraq khi các phe nhóm đang có bất đồng trong thành lập chính phủ mới.
Đáp lại, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif mô tả lực lượng ủy nhiệm là những người bạn của Iraq, đồng thời không quên nhắc lại vụ Mỹ sát hại Tư lệnh lực lượng Quds, Tướng Qasem Soleimani tại Baghdad.
Ông viết trên Twitter: "Khác với Mỹ - nước chỉ biết lừa dối và ám sát, Iran chỉ hành động tự vệ".
Và để đối phó với các cuộc tấn công của Iran cũng như lực lượng dân quân thân Tehran ở Iraq, Quân đội Mỹ đã có những động thái tăng cường hệ thống phòng thủ cho các căn cứ của nước này ở Iraq, nhất là tại căn cứ không quân Ain Assad.
Theo kênh truyền hình Al-Mayadeen của Lebanon đưa tin ngày 2/4 cho biết, Quân đội Mỹ đang thử nghiệm một hệ thống phòng không thế hệ mới tại một trong những căn cứ lớn nhất của nước này tại Iraq.
Theo như các báo cáo của Al-Mayadeen, Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) đang cho thử nghiệm biến thể mặt đất của hệ thống phòng thủ SeaRam tại căn cứ không quân Ain Assad chỉ vài giờ sau khi hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ được triển khai đến căn cứ này trong hôm 30/3.
Al-Mayadeen dẫn lời phóng viên của mình tại Iraq cho biết, Quân đội Mỹ đã sử dụng các trực thăng vận tải CH-47 Chinook để vận chuyển nhanh các thành phần chiến đấu của SeaRam từ Baghdad tới Ain Assad.
Các nguồn tin của Al-Mayadeen ở Iraq còn cho biết, ngay khi triển khai SeaRam đến Ain Assad, Quân đội Mỹ cũng đã có các thử nghiệm khả năng tác chiến của hệ thống phòng thủ này.
Như vậy, chỉ trong vài ngày cuối cùng của tháng 3, Quân đội Mỹ đã cho triển khai hai hệ thống phòng không hiện đại nhất nhì của họ đến Iraq, trong bối cảnh các căn cứ có quân Mỹ đồn trú liên tiếp bị tấn công bằng rocket.
Cũng cần phải nói thêm rằng, khi Mỹ vừa triển khai xong các hệ thống Patriot ở Ain Assad thì cũng căn cứ này cũng bị tấn công bằng rocket trong đêm 31/3. Hãng thông tấn Anadolu dẫn nguồn tin từ một quan chức Iraq cho biết, hệ thống Patriot của Mỹ đã bắn hạ thành công 2 quả rocket khi chúng đang trên đường bay tới căn cứ Ain Assad.
SeaRam - hệ thống phòng không "nhỏ nhưng có võ" của Mỹ
Mặc dù, Patriot có mở màn khá ấn tượng ngay khi vừa đến Iraq thế nhưng về lâu về dài, Quân đội Mỹ không thể cứ sử dụng các tên lửa có giá hàng triệu USD để đánh chặn hết các cuộc tấn công bằng rocket của lực lượng dân quân Iraq (PMU). Do đó việc CENTCOM sử dụng các hệ thống phòng thủ như SeaRam cho nhiệm vụ trên được xem là một giải pháp phù hợp.
Về cơ bản nếu triển khai song song cả Patriot và SeaRam ở Ain Assad, khả năng phòng thủ của tổng hành dinh Quân đội Mỹ ở Iraq sẽ tăng lên gấp bội, nhất là khi Lầu Năm Góc đã cho rút toàn bộ quân ở các căn cứ tiền phương trên khắp Iraq về Ain Assad hoặc các căn cứ liên hợp xung quanh Baghdad.
Nói về SeaRam đây là hệ thống phòng thủ được hãng Raytheon phát triển theo đơn đặt hàng của Hải quân Mỹ. Nó được cải tiến từ hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx CIWS bằng cách thay pháo tự động 20mm M61 Vulcan bằng cụm tên lửa phòng không RIM-116 RAM.
Bên cạnh biến thể trên hạm, Raytheon còn phát triển các phiên bản SeaRam trên mặt đất đặt giúp nó trở thành hệ thống phòng thủ tầm gần cực kỳ lợi hại.
Với tên lửa RIM-116, SeaRam có tầm tác chiến tối đa lên đến 9km và mỗi cụm phóng của nó mang theo 11 tên lửa. Các thử nghiệm cho thấy SeaRam có thể đánh chặn đồng thời 2 tên lửa chống hạm bay ở tốc độ siêu âm.
Tuy nhiên, điều quan trọng là mỗi quả tên lửa RIM-116 chỉ có mức giá thấp hoặc nhỉnh hơn 1 triệu USD, do đó việc sử dụng nó để vô hiệu các cuộc tấn công bằng rocket mà Quân đội Mỹ đang gặp phải ở Iraq được xem là hiệu quả cả về mặt chiến thuật lẫn kinh tế.