Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

Sáng 17/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ban, ngành liên quan. Tại điểm cầu tỉnh Lào Cai có đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành và các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh.

 Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai.

Theo báo cáo tại hội nghị, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (2021 - 2023) đã có những đóng góp quan trọng, làm thay đổi diện mạo nông thôn: Hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp và làm mới; nhiều mô hình phát triển sản xuất hiệu quả được nhân rộng; giáo dục và đào tạo phát triển ổn định, vững chắc; hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao ngày càng phát triển cả về số lượng, chất lượng; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 khoảng 46,3 triệu đồng/người (tăng 4,6 triệu đồng so với năm 2020); tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn năm 2022 còn khoảng 5,4% (giảm 1,7% so với năm 2020).

Giá trị gia tăng toàn ngành nông nghiệp tăng 3,36% (cao nhất trong những năm gần đây). Môi trường nông thôn được cải thiện theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp. Hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. An toàn, an ninh, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn luôn được ổn định.

Tổng nguồn lực huy động thực hiện chương trình giai đoạn này khoảng 1.752.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương chiếm khoảng 1,2%, ngân sách địa phương các cấp khoảng 9,9%, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án thực hiện trên địa bàn nông thôn khoảng 8,1%, vốn tín dụng khoảng 74,1%, vốn doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế khoảng 4%, người dân và cộng đồng đóng góp tự nguyện khoảng 2,8%.

Đến nay, cả nước có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 11,3% so với cuối năm 2020); có 263 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 90 đơn vị so cuối năm 2020); 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 7 địa phương so với cuối năm 2020).

Để Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao, giai đoạn 2023 - 2025 tập trung thực hiện các giải pháp: Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức, thay đổi tư duy cho cán bộ và người dân về thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, đặc biệt là phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị.

Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương; sửa đổi, bổ sung Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp theo các mức độ phù hợp hơn với tình hình thực tế tại các địa phương và đặc thù của vùng, miền; phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế, bảo tồn các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc…

Triển khai hiệu quả 11 nội dung của chương trình; 6 chương trình chuyên đề trọng tâm, nhất là các mô hình chỉ đạo điểm của Trung ương nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn và giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại trong xây dựng nông thôn mới, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới được Quốc hội, Chính phủ giao.

 Các đại biểu theo dõi hội nghị tại điểm cầu Lào Cai.

Các đại biểu theo dõi hội nghị tại điểm cầu Lào Cai.

Tại Lào Cai, công tác truyền thông được tập trung đẩy mạnh, thường xuyên, liên tục và đổi mới, sáng tạo; phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đông đảo tầng lớp tích cực hưởng ứng. Tỉnh đã ưu tiên lồng ghép, tập trung nguồn lực đầu tư cho các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, tạo điều kiện cho các xã triển khai thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch đề ra.

Đến nay, Lào Cai có 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 62/127 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; đến hết năm 2022, toàn tỉnh giảm được 9.770 hộ nghèo, giảm 1.071 hộ cận nghèo; tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm 7%/năm. Hết năm 2022, thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 31 triệu đồng/người/năm.

Tại hội nghị, đại biểu tham gia thảo luận về các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai; các vấn đề còn khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ trong quá trình thực hiện để phấn đấu hoàn thành mục tiêu của chương trình giai đoạn 2021 - 2025.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/so-ket-3-nam-thuc-hien-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-xay-dung-nong-thon-moi-post370896.html