Sơ kết công tác kiểm sát 6 tháng đầu năm
Sáng nay (16/6), Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết công tác kiểm sát 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023.
6 tháng đầu năm mặc dù tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, nhưng với sự đổi mới, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, sự cố gắng, trách nhiệm của cán bộ, kiểm sát viên, Viện KSND 2 cấp tỉnh Điện Biên đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch. Chất lượng điều tra, truy tố, xét xử ngày càng được nâng cao; chất lượng xét hỏi, tranh luận của kiểm sát viên tại các phiên tòa được tăng cường; công tác kiểm sát hoạt động tư pháp đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng phòng ngừa vi phạm pháp luật, tăng cường pháp chế trong hoạt động tư pháp.
Viện KSND 2 cấp đã thực hiện 128 chỉ tiêu nghiệp vụ, tăng 4 chỉ tiêu so với cùng kỳ năm 2022; trong đó có 48 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Đã thụ lý kiểm sát 359 tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (tăng 54 tin so với cùng kỳ). Đã giải quyết 200 tin, trong đó ra quyết định khởi tố 81 tin; không khởi tố 119 tin, tạm đình chỉ 27 tin, chuyển nơi khác 11 tin và đang giải quyết 121 tin. Viện KSND 2 cấp đã ban hành 306 bản yêu cầu kiểm tra, xác minh giải quyết tố giác tội phạm. Trong thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự đã thực hiện 920 vụ, 1.014 bị can (tăng 173 vụ, 191 bị can so với cùng kỳ); cơ quan điều tra đã giải quyết 622 vụ, 733 bị can, trong đó đề nghị truy tố 562 vụ với 666 bị can, đạt 92%; phối hợp với cơ quan điều tra, tòa án xác định 166 vụ, 175 bị can là án điểm (vượt chỉ tiêu 24,7%).
Hội nghị đã thảo luận về kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế; đề xuất các giải pháp để tiếp tục nâng cao công tác thực hiện quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Đại diện VKSND huyện Điện Biên cho rằng, để thực hiện tốt nhiệm vụ, tập thể lãnh đạo đơn vị thực hiện tốt quy chế dân chủ, tăng cường vai trò, trách nhiệm nêu gương; tăng cường công tác phối hợp liên ngành giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Mỗi kiểm sát viên, kiểm tra viên tham gia trực tiếp đều phải nghiên cứu các văn bản nghiệp vụ của cả 2 khâu công tác, nghiên cứu các dạng vi phạm để tham gia trực tiếp kiểm sát. Đại diện Phòng Thanh tra – Khiếu tố cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thì lãnh đạo mỗi đơn vị quan tâm, chỉ đạo sát sao đi đôi với kiểm tra; gắn trách nhiệm của từng cán bộ, công chức với nhiệm vụ được giao; nắm thông tin vi phạm trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan tư pháp từ nhiều nguồn…
Trong 6 tháng cuối năm, Viện KSND tỉnh thống nhất 8 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó tập trung nâng cao chất lượng hoạt động kiểm sát, đảm bảo kiểm sát chặt chẽ các hoạt động điều tra ngay từ khi thụ lý nguồn tin về tội phạm, kiểm sát chặt chẽ hoạt động xét xử của tòa án, các bản án, quyết định của tòa án để ban hành kiến nghị, kháng nghị. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương nhằm kịp thời khắc phục sai phạm, thiếu sót, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.